Hotline:
Banner
Tin Nóng

Xin đừng để Việt Nam nguy cơ thành “thiên đường” ô nhiễm

09 Tháng Tám 2016 9:03:08 CH

Moitruong24h - Không đánh đổi môi trường cho tăng trưởng;nhiều chuyên gia kinh tế, môi trường cho rằng quy định và việc giám sát xử lý nước thải của Việt Nam hiện còn thiếu chặt chẽ, khiến doanh nghiệp có thể “lách” luật.


Ảnh minh họa.

Trong khi đó, cùng với việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư nước ngoài tới đây sẽ tăng lên, nhiều ngành nguy cơô nhiễm cao như dệt nhuộm, giấy, sắt thép... sẽ tăng tốc vào Việt Nam.
 
Khi nói về quan điểm của Chính phủ trước vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa nhận: Trong thực hiện các hiệp định thương mại tự do tới đây, không loại trừ có sự dịch chuyển đầu tư những ngành có nguy cơ ô nhiễm cao vào Việt Nam.
 
Tuy nhiên, theo ông Dũng, quan điểm của Chính phủ là thu hút đầu tư phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Các dự án đầu tư, dù ở bất kỳ ngành, lĩnh vực nào, dù thuộc danh mục khuyến khích đầu tư cũng phải chấp hành nghiêm các quy định về đầu tư, về bảo vệ môi trường.
 
"Chính phủ kiên quyết không cấp phép các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Chính phủ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi; xử lý nghiêm các vi phạm. Như đã báo cáo Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu, lựa chọn và có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn môi trường, quy chuẩn môi trường cao hơn, tương đương các nước tiên tiến quốc tế.
 
Kiên quyết không tạo kẽ hở để lợi dụng, “lách luật” như báo chí nêu, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên, GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết: Hiện nay đang có trào lưu đầu tư vào dệt nhuộm... từ Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong chuẩn bị tranh thủ tận hưởng lợi thế của Việt Nam khi gia nhập TPP.
 
Đó là những dự án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, do vậy, Chủ tịch VAFIE mong rằng các cơ quan chức năng ở Trung ương cũng như địa phương phải coi vấn đề về môi trường ở các dự án này là hết sức quan trọng.
 
“Những dự án đã cấp phép nhất thiết phải dành một lượng vốn nhất định để đầu tư vào hệ thống xử lý vấn đề môi trường đúng theo quy chuẩn, không có sự châm trước ngay từ khi cấp phép. Kiên quyết không đánh đổi môi trường cho tăng trưởng”, ông Mại nói.
 
Tăng năng lực để đất nước không chịu thiệt
 
Sau vụ việc Formosa gây cá chết hàng loạt biển miền Trung, nhiều ý kiến cho rằng cần có những cơ chế bắt buộc đóng cửa những dự án gây ra ô nhiễm nghiêm trọng như Formosa để tránh những tổn thất lớn về môi trường. Thậm chí, nên có cơ chế loại ngay từ đầu những dự án gây ô nhiễm môi trường.
 
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng: Thu hút đầu tư như thế nào là vấn đề rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi địa phương. 
 
“Chúng ta vẫn phải thu hút đầu tư, đặt mục tiêu tăng trưởng, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải kiểm soát được vấn đề môi trường bằng vai trò quản lý nhà nước và năng lực”, ông Thành nói.
 
“Chúng ta không cấm họ ngay từ đầu, chúng ta cũng không đuổi họ vì những dự án của họ có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Đừng vì thấy họ sản xuất thép, dệt nhuộm mà cấm họ, không thèm xem hồ sơ của họ. Hãy để họ từ xem xét, nếu thấy chi phí xử lý chất thải và các vấn đề môi trường quá lớn, họ có thể tự rút lui”, Viện trưởng VEPR chia sẻ.
 
Theo chuyên gia kinh tế này, quản lý vấn đề môi trường là vấn đề rất khó, cần có năng lực, công nghệ và sự nghiêm túc. Tuyệt đối không có tư lợi cá nhân.
 
TS. Thành nhận định, Formosa là một hồi chuông cảnh tỉnh về năng lực và trách nhiệm quản lý các quá trình gây ô nhiễm. Từ đây, đặt ra vấn đề làm sao để các cơ quan chức năng Việt Nam phải tăng năng lực kiểm soát vấn đề môi trường, có như vậy đất nước mới không chịu thiệt.
 
Tính đến giữa năm 2016, Việt Nam đã ký kết và tham gia đàm phán 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), gần đây nhất là đàm phán thành công Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các hiệp định này mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhưng cùng với những lợi ích mang lại, làn sóng này cũng sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy về môi trường.
 
Tại hội thảo “Thương mại tự do: Dịch chuyển đầu tư và các vấn đề về môi trường” vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Trần Thanh Thủy, Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết: Các hiệp định thương mại với việc loại bỏ thuế quan đã khiến dòng vốn đầu tư FDI vào nước ta gia tăng, trong đó có những dự án ở ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Chỉ tính riêng năm 2015, đã có 15 dự án với quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm ở Nam Định.
 
Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký năm 2015, dệt may chiếm khoảng 3,5 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm 2016, ngành dệt may có 83 dự án, trong đó ngành dệt gần 50 dự án.
 
Một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Kinh tế quốc dân về tình hình tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp FDI, hiện có đến 80% khu công nghiệp vi phạm các quy định về môi trường, 23% trong số đó xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần. Doanh nghiệp FDI cũng chiếm 60% tổng số các doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn. Trong số các doanh nghiệp FDI có 68% cho rằng tiết kiệm chi phí từ 10-15% so với đầu tư ở nước mẹ.
 
Thực tế hoạt động tại Việt Nam, nhiều dự án ngành dệt nhuộm, giấy, sắt thép gây ô nhiễm môi trường. Cty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (Trung Quốc) tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã 7 lần bị niêm phong từ 2010 đến nay do xả thải trái phép. Công ty này đã tự ý xây dựng phân xưởng nhuộm công suất 1.100 tấn/năm. Xả thải chưa qua xử lý ra hồ Đá Đen, nơi cung cấp nước sạch cho 90% người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 30/6 vừa qua, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu đóng cửa xưởng nhuộm.

 

 

 

Nguồn: Tầm Nhìn

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân