Hotline:
Banner
Tin Nóng

Tràn lan doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm

04 Tháng Tám 2016 9:26:02 SA

Moitruong24h - Từ thông tin tố giác của nhân dân, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo bạn đọc phản ánh, mức xử phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm chưa đủ sức răn đe, cho nên thanh tra, kiểm tra ở đâu cũng phát hiện vi phạm và tình trạng doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục xảy ra.

Cảnh sát môi trường tỉnh Bình Dương kiểm tra khu vực bị xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường tại chi nhánh của công ty TNHH Phong Sơn (tổ 4, khu phố Khánh Lợi, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên). Ảnh: Trung Kiên

Muôn kiểu gây ô nhiễm môi trường

Từ phản ánh của người dân về việc Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường (gọi tắt là Công ty Á Cường) xả thải gây ô nhiễm môi trường ở xã Cẩm Đàn (Sơn Động, Bắc Giang), chúng tôi đã làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang để xác minh và được biết: Ngày 26-6-2016, các ngành chức năng tỉnh đã kiểm tra, phát hiện Công ty Á Cường xả nước thải trực tiếp từ quá trình tuyển đồng ra sông Cẩm Đàn. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Công ty Á Cường ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất và khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm môi trường...

Bà Phạm Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Á Cường thừa nhận: Nguyên nhân nước thải xả ra môi trường là do sự cố rò rỉ thân đập bể lắng số 2. Từ đó, nước thải theo mạch ngầm rò ra ngoài. Công ty đã dừng mọi hoạt động sản xuất để đầu tư cải tạo đập, hồ chứa xử lý nước thải có dung tích 55.000 m3; đầu tư máy bơm hút nước thải từ bể lắng số 2 lên bể số 1 để giảm tối đa nước thải rò rỉ ra bên ngoài; đồng thời trải lót chống thấm, đổ bê-tông, dùng bao cát, rọ đá chèn bít mạch hở và hoàn thiện các thủ tục pháp lý về môi trường theo đúng yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của tỉnh. Tới đây, sau khi được nghiệm thu, công ty mới trở lại hoạt động sản xuất.

Một đơn vị khác là Công ty TNHH Maxcore, đóng tại xã Hòa Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) cũng bị người dân phản ánh về tình trạng dùng vải vụn, vải thừa nhóm lò hơi gây mùi khét và hệ thống quạt hút gió nóng từ xưởng may quần áo xuất khẩu của công ty thổi ra ngoài có nhiều bụi bẩn, ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Xá Nghiêm Duy Hải cho biết: Chính quyền xã có nhận được thông tin phản ánh của người dân về sự việc trên. Xã đã yêu cầu Công ty TNHH Maxcore xử lý dứt điểm tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường...

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường bị cơ quan chức năng phát hiện từ những thông tin tố giác của người dân. Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến phức tạp; thủ đoạn của một số đơn vị, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ngày càng tinh vi. Có doanh nghiệp lợi dụng đêm tối, lúc mưa to, gió lớn để xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Có đơn vị đầu tư xây dựng hồ sinh thái, nhưng thực chất là chứa nước thải; khi nước thải xử lý không đạt tiêu chuẩn, họ tận dụng nước thủy triều đưa vào hồ pha loãng; lúc thủy triều xuống, họ lại xả ra môi trường. Có doanh nghiệp bố trí ống dẫn nước thải, cửa xả nước thải ở những vị trí khó quan sát, khó đi lại để che giấu, né tránh sự kiểm soát, phát hiện của cơ quan chức năng và của người dân…

Mức xử phạt chưa đủ sức “răn đe”

Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Hoài Nam cho biết: Cả nước hiện có 281 khu công nghiệp (KCN) và 625 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động. Trong đó, mới có 75% KCN, CCN xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung; 35% đến 40% khu, cụm lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Tỷ lệ về hệ thống xử lý nước thải tập trung và quan trắc tự động tăng hơn so với năm trước. Song, tình trạng ô nhiễm nước, không khí, ô nhiễm từ nhập khẩu nguyên liệu, ô nhiễm hóa chất và những sự cố về môi trường luôn xảy ra tại một số KCN, CCN và trong hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, nhất là ở các nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến phức tạp là do một số KCN, CCN thu hút đầu tư chưa đúng với quy hoạch ngành, nghề; một số KCN, CCN khi đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, không dự tính kỹ số doanh nghiệp sẽ đầu tư trong khu, cụm. Đến khi KCN, CCN được lấp đầy, hệ thống xử lý nước thải tập trung quá tải, không phù hợp với quy mô; công nghệ xử lý nước thải lạc hậu. Đối với các KCN, CCN ở những vùng khó khăn, như miền núi phía bắc, miền trung, Tây Nguyên, do nguồn ngân sách của một số địa phương hạn hẹp, dẫn đến việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa được chú trọng; có nơi chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường; hoặc để mặc việc thu gom, vận chuyển, tái sử dụng chất thải... cho các doanh nghiệp tự xử lý. Cho nên mới có tình trạng một số đơn vị sau khi thu gom, vận chuyển chất thải không chuyển đến nơi xử lý, mà đổ trộm ra môi trường, gây bức xúc dư luận.

Anh Nguyễn Ngọc Minh, quê ở TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) cho rằng: Một nguyên nhân khác khiến việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường diễn biến phức tạp là do mức phạt hiện tại còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Một số doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để sau đó tiếp tục tái phạm xả thải ra môi trường.

Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), việc kiểm soát hành vi gây ô nhiễm môi trường cũng có nhiều vướng mắc. Thí dụ, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nguồn nước được quy định cụ thể tại các Điều 182, 183, 184. Nhưng, thực tế lại chưa có văn bản hướng dẫn xác định thế nào là hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… Hơn nữa, có trường hợp gây ô nhiễm môi trường, nhưng hậu quả không xảy ra ngay lập tức, mà một thời gian dài sau đó, thậm chí sau nhiều năm mới bộc lộ; nếu thiếu các văn bản pháp luật hướng dẫn xử phạt hành vi nêu trên, thì cơ quan chức năng rất khó thực hiện, nhất là khó khởi tố hình sự. Do vậy, một số doanh nghiệp dù đã bị xác định gây hậu quả về môi trường kéo dài, thủ đoạn tinh vi, gây bức xúc trong nhân dân trong thời gian qua như: Công ty Tung Kuang (Hải Dương), nhà máy xử lý nước thải tập trung ở KCN Long Thành (Đồng Nai), nhưng việc xử lý chỉ dừng ở mức phạt hành chính, không có cơ sở để khởi tố. Hoặc Luật Bảo vệ môi trường quy định, đối với hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm cửa xả nước thải được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát. Nhưng hiện chưa có quy định xử phạt các doanh nghiệp không thực hiện đúng yêu cầu trên, gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý vi phạm. Quy định xử phạt về hành vi xây lắp không đúng quy trình kỹ thuật bảo vệ môi trường; không vận hành thường xuyên, hoặc vận hành không đúng đối với các công trình xử lý ô nhiễm môi trường theo cam kết chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn, thiếu cụ thể cũng gây rất nhiều khó khăn cho quá trình đấu tranh với các loại tội phạm về môi trường.

Để hạn chế tình trạng nêu trên, các địa phương cần chủ động tuyên tuyền, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; xây dựng cơ chế khen thưởng đối với các thông tin tố giác hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN, doanh nghiệp; tăng cường đầu tư nâng cao trình độ, năng lực, trang bị phương tiện kỹ thuật cho lực lượng phòng, chống tội phạm về môi trường. Quan trọng hơn, các bộ, ngành chức năng cần sớm tham mưu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để việc xử phạt vi phạm bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn tái phạm.

Trong sáu tháng đầu năm 2016, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) và lực lượng cảnh sát môi trường các địa phương đã phát hiện 8.881 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm; trong đó, có 65 vụ, 119 đối tượng chuyển cơ quan chức năng khởi tố, hoặc đề nghị khởi tố. Trong 22 vụ vi phạm tại các KCN, CCN, có nhiều doanh nghiệp bị xử phạt hành chính về hành vi tùy tiện xả nước thải vượt quá Quy chuẩn Việt Nam, như: Công ty cổ phần Giấy và bao bì Bình Xuyên, ở KCN Hương Canh (Vĩnh Phúc), bị phạt 60.630.000 đồng; Công ty cổ phần Thế giới, thuộc CCN Tân Dân (Chí Linh, Hải Dương) bị phạt 81.500.000 đồng; Công ty TNHH Toyoda Giken Việt Nam, tại KCN Nội Bài (Hà Nội) bị phạt 260 triệu đồng; Công ty Phát triển hạ tầng KCN, chủ đầu tư KCN Đình Trám (Bắc Giang), bị phạt hơn 400 triệu đồng…

 

 

 

Minh Phúc/Báo Nhân dân

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân