Hotline:
Banner
Tin Nóng

Bộ TNMT nói gì về sự cố tràn xút làm cá chết, người bị mẩn ngứa ở Đắk Nông?

02 Tháng Tám 2016 11:22:49 CH

Moitruong24h - Nguyên nhân, hậu quả và cách xử lý sự cố tràn xút của nhà máy Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông vừa được Bộ TNMT tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng chính phủ.

Trong báo cáo trình Thủ tướng, Bộ TNMT cho biết trong quá trình nhập kiềm tại khu vực chứa kiềm lỏng (A03) Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông để phục vụ chạy thử nhà máy, vào hồi 8h14' ngày 23.7.2016 đã xảy ra sự cố vỡ cổ ống đẩy của máy bơm kiềm dẫn đến kiềm lỏng (NaOH 44,5-49%) bị chảy ra ngoài. Khi phát hiện sự cố, các cán bộ, nhân viên của công ty vận hành đã khóa van đầu vào của máy bơm không cho kiểm chảy ra ngoài và đến 08h18, kiềm đã được khống chế cơ bản và khống chế hoàn toàn không để thất thoát ra ngoài môi trường vào lúc 8h24 cùng ngày.

Ngay khi xảy ra sự cố, công ty này đã huy động lực lượng để cách ly khu vực có sự cố, sử dụng các công cụ, dụng cụ (cuốc, xẻng, xô chậu, dụng cụ bảo hộ lao động về hóa chất), axit HCl để thu hồi, trung hòa kiềm trên bề mặt; mở các họng cứu hỏa trên các tuyến đường bị nhiễm kiềm để pha loãng, trung hòa bằng axit HCl tại cửa xả số 3 của nhà máy (cửa xả thoát nước mưa chảy tràn), một số vị trí giếng thu trên các tuyến đường mà dòng kiềm chảy qua để trung hòa độ pH rò rỉ ra môi trường; tổ chức kiểm tra độ pH tại tất cả các cửa xả của nhà máy, dọc tuyến suối phía hạ du sau cửa xả số 3 với tần suất đo 10 phút/lần; bố trí máy xúc, ô tô để xúc phần đất bị nhiễm kềm đổ ra khoang số 1 của hồ bùn đỏ, dùng bạt nilon che kín bề mặt phần đất đã bị xúc đi.

Công ty này đã báo cáo Tổ giám sát môi trường đối với các dự án bauxite Tây Nguyên (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, các cơ quan chính quyền địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về diễn biến sự cố, công tác khắc phục sự cố. 

Sau khi nhận được thông tin, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo và bố trí ngay đoàn công tác đi vào Đăk Nông để tiến hành kiểm tra, xử lý. 

Đánh giá về tác động của sự cố, đã có 9,58m3 kiềm lỏng thất thoát ra môi trường, trong số này, một phần thẩm thấu xuống nền đất xốp (có diện tích 600m2 liền kề) và một phần theo hệ thống nước mưa chảy tràn và chảy ra suối Đăk Yao qua cửa xả số 3. Sau sự cố này, đã có hiện tượng cá chết tại suối Đăk Yao về phía hạ du cửa xả số 03 của Nhà máy vào ngày 23.7.2016 -24.7.2016 (không có số liệu cụ thể); một số người người dân đã lội suối để thu nhặt cá chết và bị mẩn đỏ ngứa da. 

Quan sát thực địa của Đoàn công tác và Công ty vào lúc 09h00 ngày 25.7.2016 cho thấy số lượng cá chết không đáng kể. Biểu hiện mẩn đỏ ngứa da của những người dân đã lội suối thu nhặt cá  đã giảm đi đáng kể sau 01 ngày. Do đó, Bộ nhận định hệ quả của sự cố không lớn, chưa đến mức được gọi là ”cá chết hàng loạt” và chưa có cơ sở để khẳng định chắc chắn việc cá chết có liên quan đến sự cố nêu trên .

Về chất lượng nước suối sau sự cố, hiện độ pH có xu hướng giảm dần và vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Hầu hết các thông số như: TSS, COD, BOD5, NO2- Cl-, CN-, Cu, Pb, Zn, Cr6+, Tổng dầu mỡ… đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn.

Nguyên nhân của sự cố có thể do việc thiết kế lắp đặt hệ thống máy bơm chưa bảo đảm an toàn hoặc chất lượng thiết bị chưa bảo đảm và hệ thống công trình và biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất chưa phù hợp với thực tế vận hành của Nhà máy. 

Bộ TNMT khẳng định sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình khắc phục sự cố của Công ty, duy trì thường xuyên công tác kiểm tra giám sát môi trường, kịp thời ngăn chặn, ứng phó các tác động tiêu cực và sự cố môi trường từ hoạt động của Nhà máy.

 

 

 

 

Theo báo Lao động

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân