Moitruong24h - Ô nhiễm môi trường nông thôn trên địa bàn Vĩnh Phúc ngày càng gia tăng, đó là tình trạng chất thải ô nhiễm đổ tràn lan ra ruộng đồng, ao, hồ, đồi, bãi. Thêm vào đó nhiều ao, hồ, đầm, kênh bị san lấp, lấn chiếm vô tội vạ, diện tích thu hẹp nhanh và phải hứng chịu đủ loại chất thải, làm cho nguồn nước bị ô nhiễm ngày càng nặng nề...
Tình trạng ô nhiễm kênh mương xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương. Ảnh: Chí cường
Rác thải phải tập kết tại các điểm trung chuyển
Trong cuộc họp HĐND tỉnh Vĩnh Phúc giữa tháng 7/2016, ông Nguyễn Văn Khước, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Mỗi ngày khu vực nông thôn trên địa bàn thải ra môi trường khoảng 590 tấn rác nhưng khả năng thu gom, xử lý ở khu vực này mới đạt khoảng 69% và chủ yếu theo phương thức chôn lấp. Nhiều địa phương như: Xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo; xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường; xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên; xã Ngọc Thanh, Tiền Châu, Nam Viêm, thị xã Phúc Yên... chưa có bãi rác thải tạm thời nên phải tập kết về điểm trung chuyển, sau đó thuê các công ty môi trường đô thị vận chuyển đến bãi rác ở TP Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên để xử lý. Khắc phục tình trạng này, tỉnh đã đầu tư kinh phí lắp đặt 33 lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ tại một số địa phương. Song đây mới chỉ là giải pháp tình thế do tỉnh chưa thể áp dụng được công nghệ xử lý rác thải hiện đại bởi còn nhiều khó khăn, trong đó có yếu tố văn hóa, nhận thức của người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên tại TP Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên - nơi tập kết và xử lý rác thải tập trung của các địa phương trong tỉnh đưa về cũng chưa có một bãi rác quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận rác thải ổn định, lâu dài và xử lý đúng quy trình. Không ít lò đốt rác thải sinh hoạt tại một số địa phương hoạt động không hiệu quả và đây là tình trạng rác thải tồn đọng lớn, khiến người dân bức xúc. Tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 vào giữa tháng 5/2016, thảo luận và cho ý kiến vào Chương trình phát triển đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, Bí thư Thành ủy TP Vĩnh Yên, Trần Ngọc Oanh đã một lần nữa nêu tình trạng rác thải ở Vĩnh Yên. Theo ông Oanh, mỗi ngày Vĩnh Yên thu gom khoảng 250 tấn rác, số rác này đang được thu gom và đổ tạm tại khu phường Khai Quang tiếp giáp với xã Hương Sơn của huyện Bình Xuyên, nhưng bị người dân xã và phường này phản đối vì ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, nghiên cứu và sớm quy hoạch, xây dựng một nơi đổ rác khác, cùng biện pháp xử lý để tránh ô nhiễm môi trường.
…chưa có nơi thu gom, xử lý rác đáp ứng nhu cầu người dân
Theo Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Phúc Yên, Công ty có một nơi đổ và xử lý rác tại phường Xuân Hòa rộng gần 1 ha, nhưng chỉ mang tính tạm thời và bãi rác này đã đầy, nếu tiếp tục đổ số lượng lớn trong thời gian dài sẽ không còn chỗ chứa, rác sẽ tràn ra ngoài phạm vi quy hoạch.
Việc thu gom, xử lý rác thải, chất thải, nước thải của các cơ sở công nghiệp, làng nghề không tốt cùng với việc san lấp, lấn chiếm vô tội vạ khiến không ít sông, kênh, ao hồ tại Vĩnh Phúc ô nhiễm. Điển hình là sông Phan bắt nguồn từ sườn nam dãy núi Tam Đảo, chảy qua 24 xã thuộc các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Vĩnh Yên, Bình Xuyên của tỉnh Vĩnh Phúc, do tình trạng xâm lấn sông làm nhà ở và chiếm dụng mặt nước đang làm sông Phan “chết dần”. Ước tính bình quân mỗi ngày có gần 20.000m3 nước thải sinh hoạt của hơn 210.000 hộ dân trong lưu vực, 4.000m3 nước thải của các khu, cụm công nghiệp chưa qua xử lý, hơn 21.000m3 nước thải từ chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, vịt và hàng trăm tấn rác thải đổ trực tiếp lấp chặn dòng sông Phan. Các chỉ số ô nhiễm của dòng sông này vượt chuẩn cho phép nhiều lần.
Nhiều kênh mương, ao hồ ở huyện Bình Xuyên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường bị ô nhiễm do rác thải, nước thải làng nghề. Từ lâu làng Đông Mẫu, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc đã nổi tiếng với nghề thu gom, tái chế phế liệu. Cả làng Đông Mẫu có thời điểm có hơn 40 cơ sở tái chế nhựa và hàng chục hộ tham gia thu mua phế thải nhựa cung cấp cho các cơ sở tái chế. Nhựa phế thải được thu gom từ khắp nơi, với nhiều chủng loại như thùng đựng dầu mỡ, bình ắc quy, vỏ các dụng cụ điện tử, thậm chí cả dụng cụ đựng các chất độc hại... Do không có bãi tập kết phế liệu nên nhựa phế thải được các cơ sở để cả trong nhà, ngoài đường. Nhiều hộ tái chế nhựa trong làng không có hệ thống xử lý nước thải, nước thải từ công đoạn rửa và làm sạch nhựa đến quá trình xay nghiền nhựa được đổ trực tiếp ra cống, rãnh, ao hồ chung của cả làng. Cả thôn có cả chục ao, hồ lớn nhỏ và hệ thống kênh trở thành nơi chứa nước thải ô nhiễm nặng.
Rất nhiều cuộc họp, hội nghị của tỉnh đã bàn bạc, đưa ra giải pháp thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt như quy hoạch xây dựng bãi rác rộng lớn, đầu tư lò đốt rác, nhà máy xử lý rác có quy mô, công suất lớn để giải quyết tình trạng ô nhiễm... Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nào chính thức được đầu tư xây dựng vào lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải nông thôn ở Vĩnh Phúc.
Nguyễn Trọng Lịch/GĐ & XH
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân