Hotline:
Banner
Tin Nóng

Nhà máy xử lý nước thải tiền tỷ, xây xong rồi bỏ phí

19 Tháng Bảy 2016 7:46:32 CH

Moitruong24h - Môi trường không được cải thiện, công trình xử lý nước thải với nguồn kinh phí lên đến 6,7 tỷ đồng xây dựng từ năm 2011 tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam lại bỏ hoang từ đó đến nay khiến cho cán bộ và nhân dân hết sức bức xúc. Trong khi bài toán về nguồn kinh phí để vận hành công trình chưa tìm được lời giải thì ngày ngày, hàng nghìn tấn chất thải từ chăn nuôi của xã Ngọc Lũ vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường và dòng sông Châu Giang, khiến cho con sông đang gánh chịu ô nhiễm nghiêm trọng.

Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam lâu nay được biết đến là địa phương có nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn phát triển nhất tỉnh Hà Nam với tổng số hộ chăn nuôi trên địa bàn chiếm tới 78% tổng số hộ gia đình trong toàn xã.

Theo tính toán, chỉ trong một ngày, toàn xã Ngọc Lũ có khoảng 126 tấn chất thải rắn (phân lợn) cùng hơn 1.000 tấn chất thải lỏng được các hộ xả thải thẳng ra môi trường. Tuy có một phần chất thải được xử lý qua hầm bioga hoặc ủ làm phân bón cho hoa màu, còn lại phần lớn được xả thải thẳng ra môi trường, hệ thống kênh, ngòi, mương, máng dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cũng đã có nhiều biện pháp xử lý môi trường được các cấp chính quyền cũng như người dân tham gia khắc phục như việc xây dựng hầm bioga, mô hình đệm lót sinh học… song đều chưa thấm vào đâu so với tốc độ chăn nuôi ngày càng phát triển hiện nay.

Để góp phần giảm thải ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong khu dân cư, đầu năm 2011, Xã Ngọc Lũ tiếp nhận công trình xử lý nước thải sau chăn nuôi từ Cục Môi trường (Tổng cục Môi trường). Công trình được đặt tại xóm 1, có tổng vốn đầu tư lên đến 6,7 tỷ đồng, được thiết kế theo tiêu chuẩn khép kín từ khâu thu gom nước thải, đến khâu xử lý.

Theo thiết kế, mô hình có công suất xử lý nước thải của 10 nghìn con lợn. Tuy nhiên, từ khi mô hình được bàn giao đến nay vẫn chưa được đưa vào hoạt động, ngoài việc thi thoảng xã phải cho vận hành máy móc mang tính chất bảo dưỡng với tổng thời gian chạy khoảng 2 giờ đồng hồ/tháng. Trong khi đó, nước thải từ chăn nuôi vẫn dồn về bể chứa gây lên tình trạng dồn ứ, tràn lên mặt bể, rồi lại đổ ra sông Châu Giang, cách đó vài trăm mét.

Đây thực sự là bài toán khó đối với chính quyền xã Ngọc Lũ cũng như nhân dân địa phương khi chưa tìm được lời giải về nguồn kinh phí để vận hành công trình. Bởi theo tính toán, để vận hành công trình hoạt động thường xuyên, mỗi tháng cần phải có nguồn kinh phí khoảng trên dưới 20 triệu đồng để chi cho tiền điện, tiền mua hóa chất và tiền trả cho nhân công vận hành máy, trong khi nguồn kinh phí của xã thì chưa có, còn nhân dân thì cũng chưa thống nhất được khoản đóng góp nhất định.

Trong khi ai cũng biết, một nhà máy xử lý nước thải được nhà nước đầu tư với nguồn kinh phí lên đến 6,7 tỷ đồng từ năm 2011 thì lại bỏ hoang từ đó đến nay, gây ra sự lãng phí không nhỏ nguồn tài sản của nhà nước. Nhưng đối với những hộ chăn nuôi trực tiếp thải chất thải gây ô nhiễm môi trường thì cũng chỉ được các cấp chính quyền, các ngành chức năng tuyên truyền vận động mà chưa có chế tài nào đủ mạnh để làm chuyển biến được nhận thức và việc làm của các hộ chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Được biết, tỉnh Hà Nam đã có chủ trương xây dựng thành công thương hiệu lợn sạch Ngọc Lũ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bền vững tại địa phương. Có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp để xây dựng thành công Dự án khu liên hợp xử lý ô nhiễm môi trường với mục tiêu giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở các vùng nông thôn. Song, vấn đề chỉ được giải quyết khi ý thức, trách nhiệm của người chăn nuôi trong bảo vệ môi trường cần được nâng lên và thực sự vào cuộc cùng các cấp chính quyền địa phương để tìm hướng giải quyết thiết thực, hiệu quả nhất.

 

 

 

Đào Phương/Nhân Dân

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân