Moitruong24h - Theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế, trong tương lai, nếu không kiểm soát tốt môi trường thì với mỗi 1% GDP tăng, Việt Nam sẽ thiệt hại 3% GDP do ô nhiễm.
Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia được hưởng lợi lớn từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngay từ trước khi Hiệp định này được ký kết, Việt Nam đã đón nhận làn sóng đầu tư đón đầu của các doanh nghiệp FDI, trong đó tập trung nhiều vào các ngành hàng nguyên phụ liệu. Đã có hơn 2,5 tỷ USD đổ vào ngành dệt may và da giày. Trong bối cảnh này, cơ hội rất lớn nhưng theo đó là những thách thức không hề nhỏ, đặc biệt là thách thức về môi trường .
Theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế, trong tương lai, nếu không kiểm soát tốt môi trường thì với mỗi 1% GDP tăng, Việt Nam sẽ thiệt hại 3% GDP do ô nhiễm. Nếu tiếp tục tình trạng này, Việt Nam sẽ phải trả giá rất đắt cho cả hiện tại lẫn tương lai. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nghiên cứu ở một số ngành như dệt may, da giày, hóa chất, sản xuất máy móc cho thấy, chỉ 5% doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, 80% doanh nghiệp FDI có công nghệ trung bình, còn lại là sử dụng công nghệ thấp.
Ngay cuối năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường và yêu cầu các địa phương phải cân nhắc kỹ trước khi chấp thuận cũng như cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư dự án vào địa bàn. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án thuộc lĩnh vực dệt may và da giày của doanh nghiệp FDI có quy mô hàng trăm triệu USD tại 2 tỉnh phía Bắc. Lý do được đưa ra là không đảm bảo tiêu chuẩn về công nghệ, bảo vệ môi trường.
Trở ngại lớn nhất đối với các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, là làm thế nào tận dụng được cơ hội của quá trình tự do hóa thương mại để phát triển kinh tế, đồng thời hạn chế được những tác động tiêu cực của nó đối với các vấn đề xã hội và môi trường. Nếu không cân bằng được điều này, sự trả giá là không đơn giản. Chẳng hạn như Trung Quốc.
Bài học từ Trung Quốc
Hơn 30 năm qua, Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng, từ một nước nghèo trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài ồ ạt đã biến Trung Quốc trở thành công xưởng của cả thế giới. Tuy nhiên, cái giá để đánh đổi quá lớn.
Trung Quốc là nước xả thải carbon nhiều nhất thế giới. Hơn 300 thành phố có chất lượng không khí ở mức không an toàn. Hơn 80% mẫu nước giếng được kiểm tra bị ô nhiễm nặng bởi nước thải công và nông nghiệp. 16% diện tích đất bị ô nhiễm kim loại nặng và hóa chất. Ô nhiễm nước và không khí khiến Trung Quốc thiệt hại tới 6% GDP mỗi năm, tương đương 660 tỷ USD.
Đừng trở thành bãi rác của thế giới
Tuy vậy, đến nay, theo Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn chưa có văn bản nào quy định rõ ràng công nghệ nào là lạc hậu không được đầu tư vào Việt Nam, công nghệ nào là không lạc hậu. Các nhà khoa học đã cảnh báo, nếu không kiểm tra, giám sát chặt chẽ, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi chứa các thiết bị, dây chuyền lạc hậu của nhiều quốc gia.
Theo VTV
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân