Hotline:
Banner
Tin Nóng

Lo ngại ảnh hưởng môi trường từ nhà máy rác thải

13 Tháng Bảy 2016 2:14:55 CH

Moitruong24h - Việc thiếu công khai, minh bạch trong hoạt động xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Yên Phong (Khu xử lý rác thải) đã khiến nhiều người dân thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường và không đồng ý việc tiếp tục triển khai.

Thiếu công khai, minh bạch

Theo báo cáo về quá trình lập hồ sơ thu hồi đất giải phóng mặt bằng (GPMB) và việc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải của Khu xử lý rác thải, ngày 11/9/2013, UBND tỉnh Bắc Ninh có Văn bản số 1873/UBND-XDCB về việc khảo sát địa điểm để quy hoạch Khu xử lý rác thải vị trí thuộc các xã Tam Đa, Dũng Liệt với diện tích khoảng 10ha (thôn Đức Lý, xã Tam Đa) 5ha và thôn Chân Lạc (xã Dũng Liệt) 5ha.

Ngày 6/12/2013, UBND tỉnh Bắc Ninh có Văn bản số 2737/UBND-XDCB chỉ đạo các huyện rà soát lại địa điểm các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ngày 18/12/2013, UBND huyện Yên Phong đã có Văn bản số 744/CV-UBND xin khảo sát vị trí, địa điểm quy hoạch, lập D.A đầu tư xây dựng Khu xử lý rác thải (diện tích và vị trí được giữ nguyên theo văn bản tỉnh cho phép trước đó).

Người dân thôn Chân Lạc chỉ về phía Khu xử lý rác thải dự kiến xây dựng trên 1 phần đất xã Dũng Liệt. Ảnh: TA

Đến ngày 31/12/2013, UBND tỉnh Bắc Ninh có Văn bản số 2973/UBND-XDCB đồng ý khảo sát địa điểm khu đất có diện tích 10ha tại thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt và thôn Đức Lý, xã Tam Đa (trong đó diện tích để lập D.A đầu tư xây dựng Khu xử lý rác thải có diện tích 4 - 4,5ha, phần còn lại để dự trữ mở rộng).

Theo hệ thống văn bản đã được liệt kê như trên thì chủ trương khảo sát và xây dựng Khu xử lý rác thải của tỉnh Bắc Ninh cũng như tại huyện Yên Phong là rất rõ ràng. Là D.A liên quan trực tiếp tới đời sống của nhân dân nơi đây nhưng người dân lại không được “dân biết, dân bàn” như nguyên tắc dân chủ.

“Khi thấy mọi người nói đến D.A xây dựng Khu xử lý rác thải có thể đặt trên địa bàn xã Dũng Liệt và Tam Đa, chúng tôi không được biết thông tin gì”, ông Nguyễn Công Lý, thôn Chân Lạc nói. Tương tự, “không nắm bắt được vị trí chính xác”, “không được tổ chức họp, lấy ý kiến” là câu trả lời của nhiều người dân tại đây.

Trong khi đó, xã Dũng Liệt cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chưa tổ chức họp bàn lấy ý kiến dân, cung cấp công khai, minh bạch các thông tin về báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy hoạch D.A, số hộ dân bồi thường GPMB... Khi người dân đề nghị thì lãnh đạo xã chỉ trả lời ngắn gọn: “Đây là chỉ thị của cấp trên, chúng tôi chỉ biết làm theo”.

Lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe và ô nhiễm môi trường

Mặc dù gần như không có thông tin nào về D.A liên quan trực tiếp đến an sinh, xã hội được công khai tại địa phương, thế nhưng, ngày 22/5/2016, đơn vị thi công D.A đã tiến hành động thổ khởi công xây dựng công trình Khu xử lý rác thải. Đến 30/5/2016, nhiều ý kiến hộ dân tại thôn Chân Lạc đã kiến nghị một số nội dung liên quan tại xã Dũng Liệt và đề nghị UBND huyện về làm việc với dân.

Một ngày sau đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Nguyễn Duy Phúc và các đơn vị liên quan cùng nhà đầu tư D.A đã về làm việc với người dân. Tại buổi làm việc, tất cả người dân có mặt đều đưa ra ý kiến: “Không đồng ý cho xây dựng đường qua địa phận thôn Chân Lạc do lo ngại khi xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở thôn Đức Lý về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và ô nhiễm môi trường”.

Ông Nguyễn Duy Viết, Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt. Ảnh: TA

Đến nay, huyện Yên Phong đã chỉ đạo tạm thời dừng các hoạt động khảo sát thực địa, đồng thời, chỉ đạo các biện pháp tuyên truyền với người dân. Mặt khác, huyện đã khảo sát đường vào khác từ thôn Thọ Đức, xã Tam Đa vào khu xử lý rác thải dài  khoảng 1.800m.

Cùng với đó, trong biên bản hội nghị ngày 31/5 nêu rõ: “Các cấp lãnh đạo thôn Chân Lạc đồng tình với bà con không làm nhà máy xử lý rác thải địa phận thôn Đức Lý, xã Tam Đa và xã Dũng Liệt”. Sau đó, đầy đủ các thành phần lãnh đạo từ thôn Chân Lạc, cho tới xã Dũng Liệt và đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Phong đã ký, xác nhận, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết nguyện vọng trên của người dân.

Việc để xảy ra tình trạng nhiều ý kiến người dân phản ứng về một D.A mang tính an sinh, xã hội như Khu xử lý rác thải nói trên trách nhiệm không nhỏ thuộc về UBND cấp xã. 

Để tìm hiểu thêm thông tin tại sao người dân thôn Chân Lạc lại không được biết thông tin về D.A, ngày 7/7, trả lời phóng viên, ông Nguyễn Duy Viết, Chủ tịch xã Dũng Liệt khẳng định: “Không có thông tin gì vì chúng tôi không có đất nằm trong D.A”. Khẳng định trên là bất nhất với nhiều văn bản của tỉnh Bắc Ninh và huyện Yên Phong về xây dựng Khu xử lý rác thải tại các xã Tam Đa và Dũng Liệt; đồng thời, mâu thuẫn với việc 6 hộ dân tại Dũng Liệt đã nhận tiền bồi thường GPMB để chuẩn bị làm đường vào Khu xử lý rác trước đó...

Có thể thấy, chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác là đúng đắn, nhưng đối với D.A liên quan trực tiếp tới an sinh, xã hội này thì phải công khai, minh bạch để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong dân trước khi thực hiện.

 

 

Tràng An/thanhtra

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân