Hotline:
Banner
Tin Nóng

Cải thiện môi trường nông thôn – Bắt đầu từ ý thức

21 Tháng Bảy 2016 8:37:07 CH

Moitruong24h - Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn là do ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao. Do vậy cần kết hợp các biện pháp vận động tuyên truyền cũng như chế tài mạnh để nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề này.


Phụ nữ - lực lượng nòng cốt bảo vệ môi trường nông thôn.

Tùy tiện

Thời gian qua, trên các tuyến đường liên thôn thường tỉnh Đắk Lắk tồn tại nhiều bãi rác lớn, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường nông thôn. Tại Km 764, quốc lộ 14, đoạn qua địa phận xã Đắk R’la (Đắk Mil) cũng xuất hiện một số bãi rác bên lề đường, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường.

Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần giải tỏa, đồng thời nhắc nhở người dân không vứt rác tại đây, nhưng bãi rác này vẫn tồn tại và ngày càng phình to.Còn với những bãi rác bừa bãi đó, rác được vứt ở bờ ruộng, ao, hồ, vệ đường...

Còn ở tỉnh Nam Định, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bất hợp lý trong trồng trọt cùng với việc không kiểm soát tình hình xả thải trong chăn nuôi hiện nay đang khiến môi trường ở khu vực nông thôn xuống cấp nhanh chóng và nghiêm trọng. Lượng bao bì này không được thu gom đã gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Môi trường bị xâm hại

Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn chủ yếu là do ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, thậm chí coi việc giữ gìn vệ sinh môi trường là việc chung của xã hội chứ không phải là việc của từng cá nhân, gia đình. Bên cạnh đó, do địa bàn nông thôn rộng, dân cư thưa thớt, nên ít được các đơn vị thu gom, xử lý rác thải quan tâm.

Ngoài ra, theo Sở TN&MT Đắk Lắk, hiện nay hầu hết các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đều chưa quy hoạch, xây dựng bãi rác và hệ thống xử lý rác thải. Đặc biệt là các quy định xử lý về hành vi gây ô nhiễm môi trường còn ít được các địa phương ở khu vực nông thôn đưa vào áp dụng.

Riêng đối với tình trạng bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, tức là số lượng bao bì, vỏ đựng thuốc bảo vệ thực vật lên tới hàng nghìn tấn mỗi năm. Nếu lượng bao bì này không được thu gom đã gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Nâng cao nhận thức – vấn đề tiên quyết

Ý thức được tác hại của việc vứt bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi vệ, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Nam Định, đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền cho hội viên nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách và xử lý bao bì sau khi sử dụng.

Tại huyện Nam Trực (Nam Định), Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch giao cho Hội Nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn đảm nhiệm việc vệ sinh đồng ruộng, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, phối hợp với đài truyền thanh các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trọng tâm vào trước, trong và sau các đợt phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng. Về phần mình, Hội Nông dân các xã, thị trấn đã áp dụng phương án xây bể chứa bằng bê tông hoặc tổ chức các nơi thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đặt ở bờ ruộng, Nhờ tuyên truyền vận động và tổ chức các điểm thu gom tiện cho việc nông dân bỏ các loại vỏ bao ý thức bảo vệ môi trường của nông dân được nâng lên nhanh chóng.

Từ mô hình của Hội Nông dân Nam Trực, đến nay, một số Hội Nông dân các huyện Xuân Trường, Ý Yên (Nam Định) đã học tập và triển khai áp dụng mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật mang lại kết quả.

Chế tài mạnh

Còn theo Sở TN&MT Đắk Lắk, để cải thiện môi trường nông thôn, biện pháp quan trọng nhất và mang tính chiến lược chính là vận động, tuyên truyền cộng đồng để thay đổi nhận thức, tập quán, thói quen xả rác tùy tiện.

Do đó, các địa phương và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân. Các địa phương cần có sự quan tâm quy hoạch và xây dựng các bãi rác thải một cách phù hợp...

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần ban hành và thể chế hóa bằng các quy chế có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực nông thôn và tiến tới xây dựng thành quy định chung trên địa bàn về lĩnh vực này.  Địa phương cũng cần tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân.

 

 

 

Nguồn: monre.gov.vn

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân