Moitruong24h- Đã nhiều năm và cũng nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh Ninh Bình với người dân xã Quang Sơn và phường Nam Sơn (TP Tam Điệp), người dân đã đề nghị di dời hai cơ sở sản xuất vôi thủ công là Trường Thịnh và Xuân Dương nằm trong Khu công nghiệp Tam Điệp I gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, song đến nay vẫn tồn tại, khiến hàng nghìn người bị ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất.
Từ hậu quả của việc cố ý làm trái của doanh nghiệp…
Năm 2005, Công ty TNHH Trường Thịnh làm hồ sơ dự án xây dựng nhà máy nghiền Đôlômit-Can xit và sản xuất bao bì tại địa điểm là xã Quang Sơn với diện tích sử dụng 13.500 m2 với hình thức thuê đất với thời hạn 49 năm. Tại Quyết định số 2293/QĐ-UBND ngày 20-10-2005 của UBND tỉnh Ninh Bình chấp nhận dự án nói trên của Công ty TNHH Trường Thịnh.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Trường Thịnh đã tự ý xây dựng bốn lò vôi thủ công với công suất mỗi ngày khoảng 20 tấn/lò tại địa điểm được UBND tỉnh chấp thuận dự án nhà máy nghiền Đôlômit-Can xit. Các đoàn kiểm tra gồm Sở Tài Nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu công nghiệp, Sở xây dựng… đưa ra kết luận vị trí bốn lò vôi không bảo đảm khoảng cách tối thiểu từ xưởng sản xuất đến khu dân cư là một nghìn mét theo quy định tại điểm 4.5 mục II phần thứ nhất của Quyết định số 3733/QĐ-YT của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Trường Thịnh còn tự ý đổ xỉ thải của bốn lò vôi lên đất sản xuất nông nghiệp thuộc xã Quang Sơn. Tương tự như Công ty TNHH Trường Thịnh, Công ty TNHH Xuân Dương có địa điểm liền kề với Trường Thịnh cũng sản xuất vôi thủ công trái với quyết định chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh Ninh Bình.
Kết quả đo hiện trạng môi trường không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho thấy, tại điểm đỉnh lò vôi, nồng độ bụi lơ lửng cao gấp 1,57 lần, nồng độ SO2 cao gấp 17,6 lần, nồng độ CO cao gấp 6,15 lần, nồng độ NO2 cao gấp 12,3 lần cho phép. Tại điểm đo các khu vực trạm nghiền, nồng độ bụi lơ lửng cao gấp 2,02 đến 2,17 lần tiêu chuẩn cho phép.
Năm 2014, tại văn bản số 403/UBND-TNMT của UBND thị xã Tam Điệp (nay là TP Tam Điệp) nêu rõ, tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XIII, cử tri phường Nam Sơn và xã Quang Sơn phản ánh một số lò vôi thải khói, bụi gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sản xuất của nhân dân.
“Không thể để hai cơ sở sản xuất vôi thủ công gây ô nhiễm môi trường tồn tại thêm một ngày, một giờ nào nữa” - Bí thư Đảng ủy xã Quang Sơn Đinh Cao Hưng bức xúc nói. Chất xỉ thải trong quá trình sản xuất vôi của Trường Thịnh và Xuân Dương đổ ra làm tắc dòng chảy, nước vôi ngấm xuống khiến cây màu, lúa của xã không phát triển được. Đó chưa kể, mỗi khi trời gió mạnh thì khói bụi bay mù mịt. Gia đình những người dân ở chung quanh hai cơ sở này mỗi khi sáng dậy bụi vôi bám trắng khung cửa và vật dụng trong nhà.
Còn Chủ tịch phường Nam Sơn Nguyễn Quốc Quảng cho biết: “Hàng nghìn người ở 21 tổ dân phố của phường chịu ảnh hưởng của khói bụi và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Nặng nhất là các tổ dân phố 14, 22, 23 cùng hàng trăm cháu ở trường mầm non khu C, Trường tiểu học Nguyễn Trãi”. Theo Chủ tịch UBND phường Nam Sơn, khu dân cư thuộc các tổ dân phố này có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất phường. Người dân chưa có nước máy vẫn phải dùng nước giếng đào. Khi mưa, nước vôi ngấm xuống khiến nước đục có màu vàng, nhiều gia đình phải dùng bể cát để lọc song vẫn có mùi nồng của vôi.
“Chúng tôi chả biết làm sao mà những lò vôi thủ công gây khói bụi thế vẫn tồn tại hằng ngày. Nó lừng lững như con voi, sao có thể chui lọt lỗ kim khiến nhà quản lý không biết để người dân phải gánh chịu?” - ông Dương Công Ứng, tổ dân phố 23 phường Nam Sơn nói.
Trên các cây xanh ở khu vực phường Nam Sơn, TP Tam Điệp bị phủ kín màu trắng của bụi vôi.
Không chỉ người dân bức xúc trước thực trạng khói bụi gây ô nhiễm từ hai cơ sở sản xuất vôi thủ công là Trường Thịnh và Xuân Dương mà các cô giáo của trường mầm non, trường tiểu học đóng trên địa bàn phường Nam Sơn cũng “nhẫn nhịn” chịu đựng bằng cách: “Mỗi buổi sáng, công việc hằng ngày và đầu tiên của tôi không chỉ mở toang các cánh cửa lớp học đón không khí trong lành và mát mẻ để đón các cháu đến trường, mà còn khẩn trương quét sân hè, lau chùi bụi vôi bám trắng trên các cửa sổ và những đồ dùng đồ chơi cho các cháu. Thậm chí nhanh chóng kéo tấm bạt lớn, che kín cả khu nhà để phần nào giảm bớt khói bụi, không ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu tại trường” - cô giáo Đào Thị Ngọc Bích, giáo viên mầm non Nam Sơn cho biết.
Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Nam Sơn, cô giáo Ninh Thị Nhạn chia sẻ: Đồ chơi của các cháu được lắp đặt khá nhiều ngoài sân trường như đu quay, cầu trượt, xích đu, xà kéo… song rất ít khi các cháu được vui chơi bởi ngoài sân là bụi vôi và không khí rất khó thở đối với trẻ em, mặc dù nhà trường đã trồng nhiều cây xanh. Điều đáng nói là, qua đánh giá chất lượng chung của nhà trường, cùng một cô giáo dạy học, với chế độ chăm sóc về dinh dưỡng như nhau, song các cháu tại điểm trường B (gần các lò vôi đang hoạt động) thường tăng cân chậm hơn và hay mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu chảy, nhất là vào những mùa nắng nóng và mưa rét. Việc các lò vôi hoạt động nhiều năm nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc và giáo dục trẻ em của nhà trường.
Đến những văn bản… doanh nghiệp làm ngơ?
Công bằng mà nói, trong suốt những năm từ 2014 đến nay, UBND tỉnh đã nhiều lần ra văn bản chỉ đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình phối hợp ban, ngành chức năng ở địa phương để đóng cửa cơ sở sản xuất vôi thủ công ở TP Tam Điệp nhưng xem ra vẫn chậm được thực hiện.
Theo dư luận, ông chủ của cơ sở sản xuất vôi thủ công Trường Thịnh và Xuân Dương khi bị các đoàn kiểm tra truy xét thì cho rằng, cơ sở của họ nằm trong quy hoạch thuộc khu công nghiệp được Bộ Xây dựng phê duyệt. Tuy nhiên, căn cứ vào văn bản số 507/QĐ-BXD ngày 27-4-2015 của Bộ Xây dựng nêu rõ: “Chỉ xem xét đầu tư các dây chuyền mới có công suất lò lớn hơn hoặc bằng 200 tấn/ngày (60.000 tấn/năm), các cơ sở sản xuất vôi được đầu tư phải lựa chọn công nghệ tiên tiến bảo đảm môi trường, khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, cơ giới hóa, tự động hóa. Không cấp phép đầu tư xây dựng các lò thủ công gián đoạn và thủ công liên hoàn trên phạm vi toàn quốc”.
Bộ Xây dựng có văn bản rõ ràng, UBND tỉnh không cấp phép cho hai cơ sở sản xuất vôi thủ công gây ô nhiễm, tại sao Công ty TNHH Trường Thịnh và Xuân Dương vẫn tồn tại sản xuất vôi thủ công gây ô nhiễm bao năm nay khiến hàng nghìn người bị ảnh hưởng sức khỏe và sản xuất nông nghiệp? Thậm chí, Công ty TNHH Trường Thịnh còn làm văn bản xin điều chỉnh dự án từ sản xuất Đôlômit-Can xi sang sản xuất vôi công nghiệp và vật liệu xây dựng song không được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận.
UBND TP Tam Điệp cũng nhiều lần nêu rõ quan điểm: “Không bổ sung hạng mục sản xuất vôi trong khu công nghiệp Tam Điệp của hai công ty TNHH Trường Thịnh và Xuân Dương. Đề nghị các ngành chức năng ở tỉnh xử lý dứt điểm việc sản xuất vôi thủ công khi chưa có giấy phép gây ô nhiễm môi trường, đổ phế thải lấp dòng chảy thoát nước trong khu vực”.
Ngày 3-6-2016, UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản số 294/UBND-VP4 nêu rõ: “Yêu cầu Công ty TNHH Trường Thịnh thực hiện nghiêm túc dự án được cấp phép Nhà máy nghiền Đôlômit-Canxit và sản xuất bao bì theo đúng nội dung đã được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận tại quyết định số 2293/QĐ-UBND. Dừng ngay hoạt động sản xuất vôi và khẩn trương tháo dỡ lò vôi đã xây dựng không đúng với dự án đã được chấp thuận, đồng thời thu dọn xỉ thải đổ ra phần đất nông nghiệp bên ngoài phạm vi dự án thời gian xong trước ngày 30-6-2016”. Tuy nhiên đến nay, quyết định này vẫn bị doanh nghiệp… làm ngơ. Và những hoạt động sản xuất, kinh doanh vôi vẫn diễn ra bình thường!
Dư luận cho rằng, Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình thiếu kiên quyết mặc dù đã được UBND tỉnh trao “thượng phương bảo kiếm” đứng ra chủ trì, phối hợp các ngành chức năng gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Tam Điệp cùng các cơ quan có liên quan đôn đốc Công ty TNHH Trường Thịnh và Công ty TNHH Xuân Dương tháo dỡ lò vôi trái phép và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5-7-2016. Đến nay, công việc vẫn dậm chân tại chỗ, vì sao? Các ngành chức năng ở tỉnh Ninh Bình cần xử lý nghiêm và có biện pháp để Công ty TNHH Trường Thịnh và Công ty TNHH Xuân Dương bồi thường thiệt hại về sức khỏe cũng như thiệt hại về hoa màu, nông sản của hàng nghìn người dân xã Quang Sơn và phường Ninh Sơn từ năm 2010 đến nay.
Đỗ Tấn/ Nhân Dân
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân