Hotline:
Banner
Tin Nóng

Quyết liệt căn chỉnh hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường!

22 Tháng Bảy 2016 10:23:08 CH

Moitruong24h - Những sai phạm liên tiếp và nghiêm trọng của Formosa về vấn đề xả thải ra môi trường được phơi bày trong thời gian qua đã khiến dư luận đặt câu hỏi là liệu sau vụ Formosa, thảm cảnh về môi trường có tiếp diễn không, khi hiện nay đã và đang có hàng loạt dự án tương tự được triển khai trên cả nước?

Đã đến lúc Việt Nam cần phải rà soát và đánh giá toàn diện các dự án đầu tư đã được cấp phép xả thải, và theo dõi thực hiện các báo cáo tác động môi trường (TĐMT) giai đoạn hậu kiểm khi dự án đi vào vận hành càng sớm càng tốt. Việc này sẽ góp phần làm rõ năng lực, trách nhiệm, hiệu quả điều phối của các cơ quan quản lý nhà nước, các cá nhân có liên quan về bảo vệ môi trường trong các quá trình trên như thẩm định dự án, cấp phép đầu tư, cấp phép hay kiểm soát xả thải…

Cần truy trách nhiệm người đứng đầu ngành TN-MT tỉnh

Ngày 8/4/2016, cá tại vùng biển Vũng Áng bắt đầu chết một cách bất thường. Những ngày sau đó, tình trạng cá chết lan ra diện rộng, gây ra thảm họa môi trường ở cả 4 tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế. Một cuộc truy tìm nguyên nhân đã được Chính phủ triển khai một cách quyết liệt và Formosa đã được xác định là thủ phạm gây ra thảm họa này. Người dân cho rằng, thảm họa này có thể đã được ngăn chặn hoặc chí ít là giảm thiểu, nếu các cơ quan giám sát, mà sát nhất là Sở TN- MT Hà Tĩnh không buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của mình.

Quá trình điều tra nguyên nhân về vụ việc, các cơ quan chức trách phát hiện, ông Võ Tá Đinh – Giám đốc Sở TN- MT Hà Tĩnh – đã giao cho Trung tâm Quan trắc Kỹ thuật môi trường, một đơn vị trực thuộc, ký hợp đồng quan trắc với Formosa. Suốt một thời gian dài, Sở TN-MT Hà Tĩnh bỏ mặc việc kiểm định chất lượng nguồn nước thải của Formosa, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Điều nguy hại ở chỗ, thay vì trực tiếp xuống hiện trường, điểm xả thải của Formosa lấy mẫu nước thải để kiểm định, Trung tâm Quan trắc Kỹ thuật môi trường của Sở TN- MT Hà Tĩnh chỉ lấy mẫu mà Formosa gửi đến, và mấy tháng mới kiểm định một lần. Cách làm này đã dẫn đến hệ quả là các mẫu kiểm định luôn đạt ngưỡng cho phép, không phát hiện ra dấu hiệu sai phạm của Formosa để ngăn chặn kịp thời hành vi xả độc tố ra môi trường biển.


Thảm kịch cá chết tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) là “tiếng chuông dữ dội” cảnh báo về hậu quả môi trường trong quá trình phát triển.

Vụ Formosa xả thải độc tố, đầu độc môi trường biển chưa thể lắng xuống thì dư luận lại chấn động với việc Formosa và Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh ký hợp đồng để rồi công ty này chôn lấp hơn 100 tấn chất thải tại nơi không được cấp phép. Việc chất thải này có nguy hại hay không vẫn đang được làm rõ.

Liên quan vụ việc này, ông Giám đốc Sở TN- MT Hà Tĩnh cho biết, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh là đơn vị không được cấp phép, không có chức năng xử lý chất thải, nhiều lần vi phạm, vận chuyển trái phép chất thải từ Formosa (theo các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh công ty này từng bị phạt đến 4 lần lý do trên). Vậy tại sao Sở này không báo cáo UBND tỉnh tiến hành đình chỉ hay đóng cửa công ty này?

Nói về trách nhiệm của Sở cũng như của cá nhân trong vụ này, ông Võ Tá Đinh “phân trần” rằng bỏ lọt vụ việc vì “chỉ nghĩ đó là chất bùn thải, khối lượng không nhiều” rồi “chữa cháy”: “Qua sự cố lần này chúng tôi sẽ cho anh em xuống để lấy mẫu đi kiểm tra, xem chất đó có độc hại hay không để từ đó có hướng xử lý”.

Để Formosa ngang nhiên gây ra một loạt các vấn đề môi trường như hôm nay, không thể không nói đến sự yếu kém, trách nhiệm của ngành TN- MT Hà Tĩnh.

Formosa sẽ không thể xả thải độc ra môi trường nếu Sở TN- MT Hà Tĩnh giám sát chặt chẽ hơn, kiểm tra kiên quyết hơn, đưa ra những cảnh báo sớm hơn tới tỉnh Hà Tĩnh và Bộ TN- MT.

Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh cũng không thể gây ra vụ chôn lấp nếu Sở TN-MT Hà Tĩnh có những động thái quyết liệt trước những sai phạm trước đó của công ty này.

Từ thực tế này, dư luận cho rằng tỉnh Hà Tĩnh cần xem xét lại trách nhiệm, vai trò của vị tư lệnh ngành TN- MT tỉnh này.

Ông Đặng Bá Thức- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Hà Tĩnh, nêu quan điểm: “Rõ ràng anh không làm tròn chức năng của anh. Theo tôi cần xem lại vị trí Giám đốc Sở TN-MT tỉnh”.

Thay đổi nhận thức…

Thế giới đang bước vào giai đoạn sản xuất sạch (clean production), tức là ngay trong quá trình sản xuất phải đảm bảo kiểm soát chất thải, và sản phẩm được sản xuất ra thân thiện với môi trường, với người sử dụng. Ở các quốc gia nghèo, các quốc gia đang phát triển vốn lạc hậu về công nghệ, việc xử lý chất thải vẫn đang ở giai đoạn pha loãng (dilution); nghĩa là chất thải được đưa thẳng vào môi trường đất, nước, không khí hoặc ở giai đoạn thứ hai là xử lý cuối đường ống (end of pipe) – tức là có thiết bị xử lý lắp vào cuối đường ống xả và chất thải được xử lý trước khi xả vào môi trường.

Đối với Việt Nam, hiện nay, hầu hết các dự án đều phải được chủ đầu tư thực hiện việc đánh giá tác động môi trường và kiểm soát xả thải theo Luật Bảo vệ môi trường, nên chất thải phải được xử lý trước khi xả ra môi trường ở cuối đường ống xả thải theo giai đoạn 2.

Tuy vậy, trên thực tế, rất nhiều dự án có xây dựng hệ thống xả thải nhưng không thỏa mãn quy định xử lý và kiểm soát nồng độ chất ô nhiễm độc hại, hoặc có hành vi gian lận khi xây chìm các đường ống xả thải nhằm đổ thẳng ra môi trường mà không hề qua bất kỳ khâu xử lý nào.

Ngoài việc tăng cường kiểm tra giám sát hệ thống xử lý chất thải của các dự án khi đi vào giai đoạn vận hành, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng trong giai đoạn xử lý cuối đường ống thải. Thay vì xử lý hết chất ô nhiễm độc hại trong chất thải thì các chủ dự án chỉ tìm cách pha loãng để giảm nồng độ độc hại, thấp hơn ngưỡng cho phép trong một bộ tiêu chuẩn nào đó. Đây là công việc kiểm tra không hề đơn giản, đòi hỏi năng lực, trình độ cán bộ kiểm tra và yêu cầu cập nhật các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của thế giới.

Ngoài ra, có thể giảm thiểu chất độc hại tác hại xấu đến môi trường bằng cách xem xét hạn chế việc cấp phép hoặc từ bỏ những dự án đầu tư có khả năng gây tổn hại môi trường lớn (nếu như đánh giá tổng quan về giá trị tích cực mà dự án đem lại thấp hơn so với các tác động tiêu cực, và nhu cầu cấp bách phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới) như các dự án trong lĩnh vực hóa dầu, dự án sắt thép công nghệ lò cao, dự án xi măng đang phá hoại môi trường và đang thừa công suất…

Vấn đề đặt ra là liệu sau vụ Formosa, thảm cảnh về môi trường có tiếp diễn không, khi hiện nay có hàng loạt dự án tương tự được triển khai trên cả nước? Lo ngại này là có cơ sở, bởi một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến khá nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường do các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở các ngành sản xuất như sắt thép, giấy, dệt nhuộm, bột ngọt, điện… gây ra trong thời gian gần đây ở Việt Nam là do công tác thẩm định dự án cũng như giám sát việc vận hành các dự án này sau khi đi vào hoạt động bị buông lỏng. Vậy ai là những người thẩm định – phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) và cấp phép xả thải cho các dự án nói trên. Và những công việc đó có thực hiện đúng quy trình?

Theo nguyên tắc, khi các báo cáo TĐMT xin chủ trương đầu tư được các cơ quan cấp phép đầu tư phê duyệt, tiếp đến các dự án đầu tư có lượng nước thải trên 10.000m3/ngày đêm phải lập hồ sơ xin cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước tại Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT). Đồng thời, trong quá trình thẩm định báo cáo TĐMT và thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép xả thải, phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của dự án, đi kèm với việc công khai thông tin về hồ sơ xin cấp phép xả thải đến người dân và các tổ chức xã hội. Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, chủ dự án phải thực hiện những nội dung trong báo cáo TĐMT giai đoạn xin chủ trương đầu tư đã được phê duyệt trước đó. Quy định này nhằm xác nhận chủ dự án thực hiện đầy đủ các yêu cầu của cơ quan chức năng quyết định phê duyệt báo cáo TĐMT trước khi đi vào vận hành.

Như vậy có thể hiểu rằng báo cáo TĐMT là công cụ để sàng lọc dự án cho các cơ quan cấp phép đầu tư. Vậy mà, báo cáo TĐMT ban đầu của Formosa được Bộ TN- MT phê duyệt năm 2008 cho phép công ty này xả nước thải sau xử lý ra sông Quyền, không thải trực tiếp xuống biển. Nhưng không biết căn cứ vào cơ sở nào ngày 11- 12- 2015, Bộ TN- MT lại ký quyết định cho phép Formosa xả nước thải ra vùng biển ven bờ vịnh Sơn Dương? Cần phải hiểu rằng, việc thẩm định TĐMT không phải là thủ tục để hợp thức hóa việc cấp phép đầu tư như từ trước đến giờ vẫn diễn ra, mà thẩm định TĐMT phải thực sự đóng vai trò là phép thử quan trọng để các cơ quan cấp phép đầu tư từ chối những dự án có nguy cơ gây tổn hại tài nguyên hay gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là kênh thông tin nhằm phản ánh kịp thời công việc thẩm định TĐMT của các cơ quan và cá nhân có liên quan, tránh việc “đánh trống bỏ dùi”, không theo sát kiểm tra ở giai đoạn vận hành.

 

 

 

 

Khánh An/Công Luận

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân