Moitruong24h - Sông, hồ sạch không chỉ giúp môi trường xanh, sạch mà còn tạo nên cảnh quan đẹp cho thành phố. Tuy nhiên, việc quản lý, gìn giữ cảnh quan ao, hồ lâu nay còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa kể sự thờ ơ của chính người dân...
Để hồi sinh những mặt nước, dòng sông xanh trong vì chính cuộc sống của cư dân Hà Nội, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng và không kém quan trọng là thay đổi tư duy cũng như biện pháp quản lý.
Nhiều bất cập trong quản lý
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng cho biết, để quản lý, bảo vệ các ao, hồ ở Hà Nội có cả một hệ thống quy định từ luật đến các văn bản dưới luật điều chỉnh và các cấp chính quyền từ UBND thành phố đến UBND quận, phường và các sở chuyên ngành thực thi.
Công nhân Công ty cổ phần Môi trường Quang Minh cải tạo môi trường hồ Văn Chương (quận Đống Đa).
Cụ thể, theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, các hồ Hà Nội thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố. Ngày 18-5-2011, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2249/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, duy trì chất lượng nước các hồ sau xử lý ô nhiễm. Đây là quy chế quan trọng phản ánh công tác quản lý hồ Hà Nội, trong đó xác định tiêu chuẩn kỹ thuật sau xử lý, phân công các đơn vị quản lý và duy trì chất lượng nước... Quy chế đã phân cấp cụ thể cho các đơn vị, như việc duy trì chất lượng nước hồ đã được xử lý thành công và giao cho UBND các quận, huyện, thị xã; Công ty TNHH nhà nước MTV Thoát nước Hà Nội, các đơn vị được giao quản lý trực tiếp hồ tổ chức khai thác dịch vụ trên hồ... Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Ngọc Lý, tất cả các văn bản trên chỉ mang tính liệt kê các nhiệm vụ, chưa cụ thể; việc phân cấp quản lý theo chức năng bị xé nhỏ.
Đơn cử, với một hồ cụ thể, theo phân cấp, Phòng Tài nguyên - Môi trường quận sẽ là đơn vị quản lý. Nhưng mực nước tại một số hồ điều hòa ở Hà Nội lại do Công ty TNHH nhà nước MTV Thoát nước Hà Nội... chịu trách nhiệm. Thế nên chất lượng nước do công ty này quản lý, trong khi đó, việc giám sát chất lượng nước lại do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội phụ trách. Vì vậy, một khi hồ bị ô nhiễm trầm trọng, người dân không biết phải báo với ai và ai là người thực sự chịu trách nhiệm giữ nước hồ trong sạch?
Ở một khía cạnh khác, thời gian qua, nhiều hồ trong khu vực nội thành đã được cải tạo, nạo vét, kè bờ để gìn giữ cảnh quan tuy nhiên vẫn phát sinh ô nhiễm mà nguyên nhân được chỉ ra là một số hồ còn được đơn vị chủ quản tận dụng để nuôi cá nhằm mục đích thương mại. Theo các chuyên gia, thông thường các hồ ao trong nội thành chỉ phát huy tốt nhất vai trò tiêu thoát nước. Vì là điểm tiêu thoát nước nên hợp chất hữu cơ phát triển rất cao khiến tảo phát triển mạnh. Khi tảo nở hoa, lượng ôxy trong nước giảm đột ngột là nguyên nhân khiến các loài thủy sinh chết hàng loạt. Vì vậy khiến nhiều người đặt câu hỏi, có nên hay không nên nuôi cá trong hồ nội đô?
Cùng với đó, đa phần các hồ đều có cống nối với hệ thống thoát nước của thành phố. Vào những ngày mưa lớn, hồ tiếp nhận nước mưa từ hệ thống thoát nước qua các cống vào hồ, kéo theo đó là rác. Đơn cử như với hồ Đống Đa, theo ông Nguyễn Đức Minh (cán bộ Ban Duy tu, Sở Xây dựng Hà Nội), đây là hồ điều hòa; quanh hồ chỉ có duy nhất điểm thu gom nước mưa từ trạm bơm phía đường Hoàng Cầu. “Trạm bơm này được vận hành để tiếp nhận nước mưa, thoát từ khu vực đường Hoàng Cầu, trục đường Cát Linh, Trịnh Hoài Đức và Điện Biên Phủ. Khi hết mưa, cửa phải được đóng lại. Tuy nhiên, khi mưa lớn, đất, rác theo dòng nước chảy vào hồ rất khó kiểm soát" - ông Minh nói.
Về điều này, bà Nguyễn Ngọc Lý bày tỏ: "Thành phố cần có biện pháp thay đổi quyết liệt trong quản lý. Bắt đầu từ việc xác định lại chức năng của hồ Hà Nội, ưu tiên chức năng phù hợp với đô thị hiện đại như môi trường, cảnh quan, văn hóa, điều hòa lũ…".
Cải tạo gắn liền bảo vệ
Sở TN&MT Hà Nội đã thực hiện thử nghiệm xử lý ô nhiễm tại các hồ bằng nhiều công nghệ khác nhau mang lại kết quả khả quan. Biện pháp chủ yếu để xử lý ô nhiễm hồ là sử dụng các chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học rắc xuống mặt hồ làm giảm chỉ số ô nhiễm hoặc kết hợp với các bè nuôi một số loại thực vật thủy sinh như lục bình, thủy trúc... để cải thiện chất lượng nước. Hồ Quỳnh, hồ Kim Liên… sau khi được áp dụng các biện pháp trên, ô nhiễm đã giảm. Nhiều hồ sau khi được cải tạo, nguồn nước có dấu hiệu phục hồi.
Bà Nguyễn Ngọc Lý đánh giá: “Các hồ đã qua xử lý cũng chỉ có thể bảo đảm chất lượng nước tức thời, sau giai đoạn xử lý, các thông số ô nhiễm có thể tăng trở lại nếu không được bảo vệ. Do đó, ngoài các biện pháp cải tạo hồ, xử lý các cơ sở vi phạm, xả nước thải, rác thải xuống hồ, để xử lý triệt để ô nhiễm hồ, cần phải sớm tách được hệ thống thoát nước thải ra khỏi hệ thống hồ”. Cùng quan điểm này, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Câu lạc bộ Hồ Hà Nội cho rằng: "Hà Nội đã dành khá nhiều công sức để bảo vệ và giữ gìn cảnh quan hồ, và cần tiếp tục nghiên cứu để xử lý tập trung nước thải sinh hoạt hằng ngày của người dân rồi mới đưa ra môi trường".
Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng
Để khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ hồ, Hà Nội triển khai thí điểm nhiều mô hình. Có thể kể đến như phong trào "Xanh - sạch - đẹp" ở hồ Đền Lừ, do Hội Phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ đảm trách. Theo đó, các hội viên giám sát chéo và nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi, trồng hoa và cây cảnh quanh hồ, bố trí thêm các thùng rác và giao cho hội viên quản lý khuôn viên hồ trước cửa nhà mình. Vào các ngày Chạp Ông Công, Ông Táo, hội cử hội viên tuyên truyền, nhắc nhở người dân không vứt tro, bàn thờ cũ xuống hồ...
Tương tự, hồ Đống Đa, thuộc địa bàn hai phường Ô Chợ Dừa và Trung Liệt, đã và đang "hồi sinh" nhờ sự chung tay, góp sức của người dân. Chị Nguyễn Chi Phương làm việc tại một công ty có trụ sở ở phố Mai Anh Tuấn ven hồ Đống Đa cho biết, để bảo vệ môi trường hồ, tổ dân phố ở đây luôn có người kịp thời nhắc nhở các hành vi xả rác bừa bãi. Định kỳ hằng tuần, hoặc 2 tuần/lần, các hộ gia đình lại tham gia làm sạch khu vực bờ hồ. "Tôi nghĩ, đây là việc làm cần thiết không chỉ giúp Hà Nội ngày một sạch, đẹp mà trước hết, điều này sẽ rất có lợi cho chính người dân sống tại đây khi có được một môi trường thoáng mát, không bị ô nhiễm" - chị Phương nói.
Những mô hình như vậy cần nhân rộng trên địa bàn thành phố. Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, trong khi các cơ quan chức năng nghiên cứu các giải pháp về kỹ thuật để bảo vệ chất lượng ao, hồ Hà Nội, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng nhằm hồi sinh những mặt nước xanh trong, trả lại cho Hà Nội tên gọi "thành phố của sông hồ".
Thanh Hải/Hà Nội Mới
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân