Moitruong24h - Ông Dương Trung Quốc: Những phát biểu của ông Võ Kim Cự sẽ được thẩm định lại, xem vấn đề ở chỗ nào, trách nhiệm đến đâu để xử lý.
Sáng 25/7, tại hành lang Quốc hội, ông Võ Kim Cự đã trả lời báo chí nhiều câu hỏi liên quan đến Formosa. PV đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc, ĐBQH Đồng Nai về vấn đề này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về câu trả lời của ông Võ Kim Cự: “cấp phép cho Formosa là đúng quy trình và pháp luật?”.
Ông Dương Trung Quốc: Quy trình là thủ tục, nhưng thủ tục đó ai vận hành? Tất cả do con người cụ thể. Bên cạnh đó, cụm từ “được cấp có thẩm quyền” cũng được nhắc tới. Nhưng cấp thẩm quyền là ai? Lẽ ra ông ấy phải trả lời được câu hỏi này.
Ông Dương Trung Quốc trong một lần trả lời báo chí tại Quốc hội
Việc lặp lại một điệp khúc “đúng quy trình” bao giờ cũng đúng nhưng kết quả lại không đúng. Vậy vấn đề chính là ở đây, quy trình có nghĩa là gì? Tôi hiểu cấp phép 70 năm không phải là vấn đề của cấp địa phương, cho dù cấp địa phương có vai trò rất quan trọng. Cho nên cần phải rà soát đến cùng.
Đương nhiên chúng ta phải nâng cao chế tài đối với người làm sai, nhưng câu chuyện Formosa cảnh tỉnh cho chúng ta một điều. Đó là “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Phải xem xét lại tất cả những gì chúng ta đã làm. Bởi vì họ (Formosa – PV) là người bên ngoài vào, luôn tìm kiếm lợi nhuận, luôn tìm kẽ hở của chúng ta để làm sao đạt được hiệu quả kinh tế. Còn nếu chúng ta buông lỏng, thậm chí có người tiếp tay thì chắc chắc sẽ bị thiệt hại.
Quốc hội cũng cần xem xét lại quy trình có đúng không. Tại sao cấp địa phương lại quyết định cho Formosa hoạt động 70 năm? Điều này có vượt quá khung của pháp luật hay không? Kể cả Chính phủ, nếu được sự tán đồng của các cơ quan cấp Chính phủ thì Quốc hội không có vai trò gì sao? Do đó, phải xem xét lại hệ thống pháp luật của chúng ta có kẽ hở ở chỗ nào.
Thứ hai là công tác giám sát. Ở vụ Formosa, vai trò của đại biểu Quốc hội ở đâu, cũng như các Ủy ban có liên quan trực tiếp? Kể cả chúng tôi, chúng tôi đã làm gì trong quá trình người dân phản ánh ý kiến đó? Đây là thời điểm phải rà soát lại tất cả, không phải nhằm duy nhất vào Formosa, mà đầu tiên phải nhìn vào chúng ta.
Còn đối với cá nhân ông Võ Kim Cự, những phát biểu của ông ấy sẽ được thẩm định lại, xem vấn đề ở chỗ nào, trách nhiệm đến đâu để xử lý. Chắc chắn khi xảy ra chuyện này, sẽ có sự đùn đẩy. Chính vì thế Quốc hội phải giám sát bộ máy của mình, từ chính quyền địa phương đến Trung ương.
Tôi nghĩ vụ này không thể “hòa cả làng” được. Bởi sau Formosa còn nhiều cái khác. Tình trạng ô nhiễm môi trường không phải chỉ riêng Formosa, mà tiềm tàng rất nhiều nguy cơ, ở rất nhiều cơ sở khác, kể cả các doanh nghiệp trong nước.
PV: Có vẻ như vai trò giám sát của người dân tốt hơn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh trong trường hợp này?
Ông Dương Trung Quốc: Như tôi đã nói, quy trình, thủ tục đều do con người tạo ra. Nhưng quan trọng nhất là không ai giám sát. Ở đây chính là thiếu sự giám sát, thiếu cơ chế để người dân được giám sát.
Tôi cho rằng, người dân không phải là khái niệm trừu tượng, bởi “dân” hết sức cụ thể. Vụ việc rất sát sườn với họ. Tại sao khi xảy ra vụ Formosa, người dân lại phát hiện ra ngay, trong khi chính quyền còn lúng túng? Tại sao chúng ta không tạo điều kiện để lắng nghe người dân, dựa vào người dân?
PV: Trên cương vị là đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự đã phản ứng đầy đủ trên trách nhiệm của mình chưa, thưa ông?
Ông Dương Trung Quốc: Cơ chế của chúng ta nảy sinh nhiều vấn đề, đó là trong Quốc hội có quá nhiều thành phần là cơ quan hành pháp, do đó “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Sẽ rất khó nếu họ không làm tốt, không tôn trọng ý kiến của người dân. Vì rõ ràng ở địa phương có rất nhiều vấn đề, kể cả sự cả cả nể, thậm chí cơ chế đã khiến đại biểu Quốc hội không thể phát huy hết vai trò của mình.
Thời điểm bấy giờ, ông Võ Kim Cự vừa là Bí thư, vừa là Chủ tịch, vừa là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, làm sao có thể giám sát được?
PV: ĐB Trần Hoàng Ngân có đề xuất thành lập một Ủy ban độc lập giám sát vấn đề của Formosa. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Dương Trung Quốc: Theo tôi, việc giám sát cần thiết phải thực hiện, không phải chỉ riêng Formosa, mà còn nhiều dự án khác. Nếu không, sau này chúng ta lại có thêm một Formosa mới. Tình trạng ấy diễn ra ngay cả trên cả nước, ngay cả các khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam.
Cho nên lần này khi bàn về chương trình giám sát, chắc chắn các đại biểu sẽ đặt trọng tâm cho vấn đề giám sát về tài nguyên môi trường. Bởi đây là thực tế tập trung nhiều điểm nóng, từ đó rút ra bài học chung.
Nhất là ở đây liên quan đến mối quan hệ giữa nhu cầu phát triển, dường như ở ta có thời kỳ có thể nói là cơn sốt nóng về GDP, mà không có sự lựa chọn, cân nhắc nên để xảy ra những lỗ hổng rất lớn, bây giờ phải khắc phục.
Ví dụ như vấn đề rất quan trọng liên quan đến công nghệ, Bộ Khoa học công nghệ đứng ngoài, chuyển cho Bộ Tài nguyên môi trường. Các bên đùn đẩy cho nhau, tạo nên kẽ hở. Khi xảy ra hệ lụy thì luôn đùn đẩy cho người khác, sự việc này không phải chỉ ở Formosa.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Lại Thìn/Vov.vn
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân