Hotline:
Banner
Tin Nóng

Hệ lụy từ Formosa và phương án tháo gỡ

03 Tháng Tám 2016 3:16:02 CH

Moitruong24h - Các phương pháp đánh giá ô nhiễm, theo tôi thì thông qua phân lô, lấy mẫu, phân tích và đánh giá. Còn đánh giá mức độ hủy hoại thì có nhiều cách khác nhau nhưng sát thực nhất là tính phần trăm số sinh vật biển bị hủy hoại tại chỗ và mật độ sinh vật biển có trong hiện trạng (các loài san hô, sao biển, nhím biển, giun/lươn biển và động vật hai vỏ được quan tâm đầu tiên).


TS.Tô Văn Trường 

1.  Về bài toán giá thành, theo tính toán của chuyên gia, sử dụng số liệu giá nguyên liệu trên thị trường 2016 thì chi phí sản xuất một tấn thép thô theo phương pháp BOF thì giá thành một tấn thép là 310 USD, trong đó chi phí lớn nhất là quặng sắt 80 USD (cần 1, 56 tấn quặng), than 73 USD (cần 0, 89 tấn), chi phí nguyên liệu phụ khác 83 USD, điện 17 USD, lao động 16 USD, và chi phí khấu hao 54 USD. Giá lao động như thế chỉ bằng chỉ bằng 5% giá thành.

Tuy nhiên, cần lưu ý là khi TPP có hiệu lực đối với VN thì thép Formosa hoàn toàn có thể cạnh tranh với thép Trung Quốc, vì không phải đóng thuế nhập khẩu quặng sắt, than mỡ, than nhiệt trị…và không phải đóng thuế xuất/nhập xuất thép sang các nước thành viên TPP như Australia, Indonesia, Mỹ, Canada, Peru…trong khi TQ phải đóng các loại thuế này. Đây chưa nói về giá lao động, đóng góp của Formosa cho VN cũng rất ít như thuế đất, phí môi trường, miễn hoặc giảm nhiều thứ khác. Điều tệ hại là Formosa có thể kiện dựa vào clause của TPP về ‘Investor-State Dispute Solution System’ về những trường hợp như vừa qua nếu VN không thận trọng và có đủ bằng chứng thuyết phục.

2. Cho phép Formosa xây dựng nhà máy điện với công suất 650 MW là quá nhiều đối với luyện thép ở đây, chắc là cho bán điện dư thừa lên lưới quốc gia. Với công suất 7,1 triệu tấn thép rồi lên 15 triệu tấn của Formosa, rồi nhà máy thép của Vạn Lợi, nhà máy thép mấy triệu tấn của Trung Quốc, một loạt nhà máy điện than…Vũng Áng sẽ trở thành vùng công nghiệp Ruhr của nước Đức cách đây vài thập niên. Miền Trung giải hẹp như vậy thì khói mù dầy đặc, chất độc hại đương nhiên phải ra biển. (đấy là chưa nói đến chất thải rắn).  Đáng tiếc,  là người dân không được cảnh báo trước, còn người có trách nhiệm mải say sưa cho đó là thắng lợi.

3. Thu hút FDI, nhất là ngành công nghiệp nặng, luyện kim, hóa chất, giấy, dệt may, lọc hóa dầu…có thể ví như được ruống rượu Whisky, còn không, thì chỉ uống rượu “cuốc lủi” tự nấu hay rượu Hà Nội. Nhưng xét về góc độ môi trường thì không ai dám chắc các hệ thống xử lý hoạt động tốt liên tục, còn lỗi của con người, sự cố thiên nhiên vv..…


4. Giải pháp trước mắt

Về biển:

- Công việc cần làm hiện nay, là khảo sát đánh giá những mức độ  bị hủy hoại môi trường biển dọc theo ven bờ biển 4 tỉnh bị ô nhiễm để có kế hoạch tương đối sát thực khu vực nào thì có thể để môi trường tự làm sạch và tự phục hồi (natural attenuation/remediation), khu vực nào cần sự hỗ trợ của con người và khu vực nào hoàn toàn phải phục hồi nhân tạo. Không thể chỗ nào cũng "làm sạch biển....trồng san hô..."

- Cách để đánh giá môi trường biển bây giờ, không phải chỉ đánh giá mức độ ô nhiễm (thời gian qua quá lâu rồi, chỉ còn tồn dư và ô nhiễm thứ cấp) mà cần đánh giá mực độ bị hủy hoại là quan trọng hơn.

- Các phương pháp đánh giá ô nhiễm, theo tôi thì thông qua phân lô, lấy mẫu, phân tích và đánh giá. Còn đánh giá mức độ hủy hoại thì có nhiều cách khác nhau nhưng sát thực nhất là tính phần trăm số sinh vật biển bị hủy hoại tại chỗ và mật độ sinh vật biển có trong hiện trạng (các loài san hô, sao biển, nhím biển, giun/lươn biển và động vật hai vỏ được quan tâm đầu tiên).

-Tuỳ theo đặc điểm của từng hệ thuỷ sinh đặc thù mà hình thành các chương trình phục hồi thích hợp

- Ở những vùng hệ san hô bị huỷ diệt, cần có kế hoạch phục hồi nhanh bằng cách tạo nơi cư trú nhân tạo cho san hô phát triển như nhiều nước vẫn làm.

- Rà soát, kiểm soát nghiêm ngặt các nguồn xả thải ra môi trường biển ở miền Trung (không chỉ riêng Formosa).

- Quan tâm giúp đỡ ngư dân chuyển nghề thích hợp, ưu tiên hàng đầu là bám biển (kể cả đánh bắt xa bờ) vì ngoài yếu tố kinh tế, còn là chủ quyền biển đảo của tổ quốc.   

Về giám sát:

-Nên học hỏi phương pháp giám sát sinh học bằng các thuỷ sinh vật đặt tại đầu xả nước thải (theo kiểu của EPA) và theo dõi bằng camera, nếu thấy cá chết là có vấn đề (thời điểm cá chết có thể thấy do quan sát trực tiếp hoặc qua xem lại dữ liệu ghi trong ổ cứng).

-Chú trọng phát triển các phương pháp giám sát bằng tiêu chuẩn môi trường xung quanh (ambient standards).

-Biện pháp dù gắt gao đến mấy nhưng nhà quản lý doanh nghiệp không có đạo đức môi trường (kiểu Vedan trước đây và Formosa bây giờ, cũng như nhiều doanh nghiệp VN VN trong thời gian qua) thì việc quản lý sẽ gặp khó khăn. Cần phải lập danh sách đen để chú ý đặc biệt tới các doanh nghiệp loại này.

Kết luận

Các cơ quan chức năng của VN đã bắt buộc Formosa phải nhận tội, xin lỗi và đền bù là thành quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng còn nhiều việc phải nghĩ, phải làm như nội dung tôi đã đề cập ở trên.

Người dân ven biển miền Trung rất hiểu giá trị của công nghiệp trong đóng góp GDP của địa phương  nhưng không muốn “đổi cá lấy thép”, do đó các cơ quan chức năng cần khẩn trương đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp khắc phục thảm họa này và phòng ngừa các sự cố tiếp theo.

 

 

 

 

TS. Tô Văn Trường

Nguồn: Tamnhin.net

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân