Hotline:
Banner
Tin Nóng

Sản xuất pin mặt trời: Có ảnh hưởng tới môi trường?

08 Tháng Tám 2016 1:38:51 CH

Moitruong24h - Rất nhiều dự án sản xuất pin mặt trời “chưa nở đã tàn” khiến dư luận không khỏi băn khoăn khi mới đây, Tập đoàn JA Solar (Trung Quốc) quyết định đầu tư 1 tỷ USD để sản xuất pin năng lượng mặt trời công nghệ cao. Liệu dự án này có phá sản như những dự án trước đó và việc sản xuất có gây nên những hệ lụy cho môi trường…?

Dự án sản xuất pin mặt trời có gây nên những hệ lụy cho môi trường...?. Ảnh: MH

Nhiều dự án bất thành

Các dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời, phong điện là tiền đề quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 5% cơ cấu năng lượng vào năm 2015 và 8% vào năm 2020. Nhưng nhìn vào thực tế, đầu tư vào lĩnh vực này không hề suôn sẻ, nhiều dự án đã phá sản.

Thời điểm đầu năm 2011, Dự án Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Sản xuất First Solar Việt Nam được khởi công với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Đây là nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời theo công nghệ hiện đại màng mỏng đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam. Dự án mang theo bao kỳ vọng, không chỉ bởi đây là dự án có quy mô cực lớn, mà còn là nhà máy áp dụng công nghệ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Tuy vậy, sau những kỳ vọng là thất vọng, chỉ sau 8 tháng khởi công, First Solar công bố dừng thực hiện Dự án và nguyên nhân là do sự mất cân bằng về cung - cầu về sản phẩm pin năng lượng mặt trời trên thị trường toàn cầu. Không riêng gì Việt Nam, Tập đoàn này đã tạm hoãn việc xây dựng nhà máy tại Arizona (Mỹ) và nhà máy với 2 dây chuyền sản xuất tại Pháp.

Cùng chung số phận là Dự án Pin năng lượng mặt trời ở Quảng Nam của Công ty Công nghiệp năng lượng Đông Dương (IC Energy). Khởi công vào trung tuần tháng 5/2011, với tổng vốn đầu tư 390 triệu USD song cuối cùng dự án này cũng bỏ dở vì những khó khăn liên quan tới thị trường, cũng như công nghệ sản xuất sản phẩm này.

Đến năm 2013, Dự án Tổ hợp Nhà máy Pin mặt trời ở KCN Phong Điền (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) do Cty CP Đầu tư chuyển giao Worldtech làm chủ đầu tư cũng lâm vào cảnh tương tự. Hơn một năm sau ngày động thổ, 15ha đất thuộc KCN Phong Điền cấp để phục vụ việc xây dựng các công trình Nhà máy pin mặt trời”, chỉ có duy nhất cái nhà kho chứa vật liệu “mọc lên” trên bãi đất hoang hóa.

Trong khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi dự án sản xuất pin mặt trời khiến cho các dự án này phá sản, mới đây, Tập đoàn JA Solar (Trung Quốc) lại thuê 88ha đất tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) để đầu tư Dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời công nghệ cao. Tổng vốn đầu tư dự án là một tỷ USD. Trong giai đoạn một, Tập đoàn này sẽ xây dựng nhà máy với tổng vốn 300 triệu USD.

Nỗi lo về môi trường

Mặc dù, việc phát triển về năng lượng mặt trời là hướng đi đúng đắn nhưng trong bối cảnh Việt Nam phải chứng kiến những thảm họa môi trường do việc thiếu trách nhiệm trong xử lý thải của các doanh nghiệp Trung Quốc nên dư luận lo ngại dự án này sẽ gây ra những tác động xấu đến môi trường .

Những lo ngại này không phải không có cơ sở, bởi lẽ theo các chuyên gia, trong quá trình chế tạo tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Khi sản xuất pin năng lượng mặt trời từ nguyên liệu ban đầu là thạch anh (silica SiO2 silicon), thạch anh được nhiệt luyện để tinh chế thành silicon nguyên chất (bước này phát thải ra một lượng khí CO2 và SO2 ). Kế tiếp, silicon được tinh luyện tiếp cùng với các hóa chất (axit Clohydric HCl) để tạo ra những khối silicon đa tinh thể và chất thải SiCl4. Nếu SiCl4 không được tái sử dụng mà thải ra môi trường, sẽ gây nguy cơ axit hóa đất đai, nguồn nước. Các bước tiếp theo là cắt các khối silicon đa tinh thể này thành các tấm nền (wafer) và dùng các tạp chất để tạo ra cấu trúc pin mặt trời, bước này có sử dụng axit HF để làm sạch các tấm nền. Những bước này có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường đất và nước cao nếu không được kiểm soát tốt.

“Nếu doanh nghiệp Trung Quốc chỉ đơn thuần thuê đất ở Việt Nam để tiến hành lắp ráp, nguy cơ về ô nhiễm môi trường không quá lo ngại. Nhưng nếu họ định sản xuất pin năng lượng mặt trời công nghệ cao từ quặng ban đầu, sẽ xảy ra nhiều vấn đề, đặc biệt là nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Hiện nay, ở Trung Quốc có khoảng 70% nhà sản xuất về pin năng lượng mặt trời phá sản mà nguyên nhân đều phát sinh từ các yếu tố về không đảm bảo môi trường” - ông Đỗ Văn Hạ - Giám đốc Công ty cổ phần Clean Energy nói.

Trước những nguy cơ trên, nhiều ý kiến cho rằng, để dự án này không gây ô nhiễm môi trường, chúng ta phải sử dụng các chuyên gia có kinh nghiệm trong nước cũng như ngoài nước. Bên cạnh đó, phải siết chặt quản lý theo tiêu chuẩn môi trường. Cần phải giám sát, kiểm tra xem phía Tập đoàn Trung Quốc có đạt được các tiêu chuẩn đó không cũng như công nghệ có đúng như thiết kế ban đầu.

 

 

 

 

Linh Chi/TN & MT

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân