Hotline:
Banner
Tin Nóng

Ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Có thật sự đáng lo ngại ?

05 Tháng Tám 2016 4:24:44 CH

Moitruong24h - Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê không đầy đủ, những năm qua, số bệnh nhân bị bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Số trẻ em nhập viện điều trị bệnh hen suyễn, khuẩn hô hấp, ho tại một số bệnh viện ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng gấp nhiều lần. Theo dự báo của của các chuyên gia y tế, số ca ung thư, trong đó có ung thư phổi ở Việt Nam sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới.

Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người

Ô nhiễm không khí không chỉ làm tăng khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tới các hệ sinh thái, mà còn là tác nhân chính gây tổn hại đến sức khỏe con người. Cuối năm 2015, lần đầu tiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo ô nhiễm không khí là một tác nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi dựa trên các nghiên cứu khoa học có cơ sở qua nhiều năm và tại nhiều quốc gia. Theo thống kê, hàng năm, có hàng triệu người chết vì ung thư do ô nhiễm không khí. Ấn Độ là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất do ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là quốc gia nổi tiếng về ô nhiễm không khí, đặc biệt tại TP. Bắc Kinh và một số thành phố lớn. Hàng năm, tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, có khoảng 1,6 triệu người bị chết sớm do ô nhiễm không khí. Ở các nước thuộc Cộng đồng Châu Âu, tuổi thọ trung bình cũng bị giảm 9 tháng do nguyên nhân này.

Cục Bảo vệ môi trường Mỹ ước tính những biện pháp thay đổi công nghệ động cơ diesel có thể làm giảm 12.000 trẻ em chết, 15.000 người đột quị suy tim, 6.000 ca cấp cứu do bệnh hen suyễn, 8.900 trường hợp phải nhập viện liên quan đến đường hô hấp tại Mỹ. WHO cũng đưa ra cảnh báo, phần lớn số ca ung thư phổi do ô nhiễm không khí là từ các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, các nước thuộc vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Theo các nhà y học, các chất ô nhiễm xuyên qua màng lọc của phổi, đi vào máu, ngấm vào các thành mạch gây tình trạng xơ vữa và  tác động tức thời như viêm phổi, viêm mũi, hen suyễn, thậm chí về lâu dài gây ung thư phổi. Đặc biệt, có những người làm việc trong môi trường ô nhiễm như lò than, nhà máy xi măng bị xơ cứng phổi.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê không đầy đủ, những năm qua, số bệnh nhân bị bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Số trẻ em nhập viện điều trị bệnh hen suyễn, khuẩn hô hấp, ho tại một số bệnh viện ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng gấp nhiều lần. Theo dự báo của của các chuyên gia y tế, số ca ung thư, trong đó có ung thư phổi ở Việt Nam sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới.

Hiện trạng và nguyên nhân ô nhiễm không khí

Theo số liệu quan trắc qua các năm gần đây, tại một số đô thị lớn ở Việt Nam, bằng hệ thống quan trắc tự động liên tục cho thấy, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với chất lượng không khí. Đây là vấn đề nan giải không chỉ của Việt Nam mà của cả nhiều quốc gia châu Á. Để đánh giá có ô nhiễm hay không, có thể so sánh số liệu quan trắc trung bình ngày và trung bình năm với qui chuẩn cho phép.

Để so sánh qua các năm thì số ngày có giá trị trung bình ngày vượt quá qui chuẩn cũng được so sánh. Qua các năm có thể thấy, giá trị trung bình ngày (24 giờ) của nhiều ngày trong năm tại một số địa điểm trong các thành phố lớn đã vượt quá qui chuẩn cho phép từ 1,5 đến 2 lần (qui chuẩn là 50 u/m3); Số ngày trong năm có giá trị trung bình ngày vượt quá qui chuẩn ngày càng tăng qua các năm; Giá trị trung bình giờ trong ngày thay đổi, thường cao nhất là vào giờ cao điểm khi mật độ ô tô, xe máy dày đặc trên đường phố. Thậm chí có nhiều ngày giá trị này cao hơn mức 50ug/m3, thậm chí 3-4 lần.

Như vậy có thể thấy, vấn đề ô nhiễm không khí (bụi mịn PM2.5) tại một số đô thị Việt Nam là rất đáng lo ngại khi giá trị trung bình tăng và số ngày trong năm vượt quá qui chuẩn cũng ngày càng tăng. Thâm chí, mấy ngày gần đây nhiều người đã lo ngại phải chăng Hà Nội cũng đã ô nhiễm gần như Bắc Kinh.

Để nhận diện rõ hơn hiện trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam, có thể xem xét một số nguyên nhân:

   - Số lượng ô tô, xe máy ngày càng tăng, trong khi người dân chưa có thói quen đi bộ. Tại Hà Nội, hiện có khoảng 5 triệu xe máy và 500.000 ô tô đang hoạt động. Mỗi ngày, có thêm 1.000 ô tô và xe máy đăng ký mới. Tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 6,8 triệu xe máy, 700.000 ô tô đang hoạt động và mỗi ngày thêm 1.200 ô tô, xe máy mới. Thêm vào đó, có rất nhiều ô tô, xe máy cũ không có chế độ bảo dưỡng tốt đang hoạt động. Loại nhiên liệu sạch như xăng E5 mới chỉ bắt đầu được khuyến khích sử dụng.

   - Phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế, xe buýt mới chỉ đáp ứng 5-10% nhu cầu đi lại của người dân. Thêm vào đó, các xe buýt cũng là những tác nhân gây ô nhiễm, chưa sử dụng các loại nhiên liệu sạch hoặc nhiên liệu thay thế thân thiện môi trường như CNG hay LPG cho taxi và xe buýt như nhiều quốc gia đã sử dụng. Hệ thống tàu điện ngầm, tầu điện trên cao mới bắt đầu được xây dựng tại một số tuyến tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

   - Các hoạt động xây dựng các chung cư, nhà cao tầng, công trình tại các thành phố cũng gây ô nhiễm bụi khi quản lý không tốt các phương tiện vận tải ra vào công trường.

   - Việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch, đốt rác ở ngoại thành, vùng nông thôn đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không khí. Hiện tượng khói mù sau thời vụ thu hoạch xảy ra ngày càng phổ biến.

   - Trong cơ cấu sản xuất điện, tỉ trọng nhà máy nhiệt điện chạy bằng than ở Việt Nam khá cao, hơn 50% với khoảng hơn 20 nhà máy. Ngoài ra, hơn 50 nhà máy xi măng, 40 nhà máy luyện thép cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn trong cả nước.


Ô nhiễm không khí từ hoạt động đốt rơm rạ

Các giải pháp triển khai thực hiện

Trong các năm qua, để giải quyết một số vấn đề ô nhiễm không khí, Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp:

   - Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng không khí như các qui chuẩn chất lượng không khí cho các ngành sản xuất, lò đốt chất thải; đồng thời yêu cầu các nhà máy có nguồn thải lớn bắt buộc phải có thiết bị quan trắc tự động và truyền về cơ quan quản lý. Đặc biệt, tăng mức phạt đối với các cơ sở vi phạm và có chương trình BVMT đối với phương tiên giao thông vận tải (lộ trình áp dụng EURO 4 cho xe ô tô mới, kiểm định, kiểm tra bảo dưỡng xe cũ, sử dụng xăng E5…)

   - Xây dựng một số công trình nhằm tăng cường hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cụ thể như hệ thống giao thông ngầm, giao thông trên cao, tăng cường mạng lưới xe buýt; Bố trí lại hệ thống giao thông, xây dựng các cầu vượt tại các nút giao thông để chống ùn tắc… Bước đầu quản lý các xe chở vật liệu xây dựng, các công trình xây dựng trong và ngoài đô thị.

   - Lựa chọn một số công nghệ sạch đối với các nhà máy nhiệt điện, luyện thép, xi măng nhằm giảm thiểu bụi. Đồng thời kiên quyết đóng cửa các lò gạch thủ công tại các địa phương.

   - Xây dựng mạng lưới quan trắc tự động không khí tại các thành phố lớn, công bố công khai chất lượng không khí qua chỉ số AQI.

   - Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, vận động cộng đồng tham gia BVMT nói chung và bảo vệ chất lượng không khí nói riêng trong các chương trình tiết kiệm năng lượng, sử dụng giao thông công cộng, không đốt rác, không đốt rơm rạ…

   Tuy nhiên có thể thấy, mặc dù đã có nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí nhưng kết quả không thật khả quan. Trong những năm tới, cùng với sự phát triển kinh tế, ô nhiễm không khí có thể gia tăng nếu không có các biện pháp cụ thể. Do đó cần ưu tiên thực hiện các giải pháp:

   + Các thành phố nhanh chóng xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí (AQM) nhằm nhận diện một cách cụ thể các nguồn gây ô nhiễm và mức độ ô nhiễm để từ đó đề ra các biện pháp giải quyết phù hợp và cụ thể.

   + Tăng cường thực hiện các chương trình kiểm soát và giảm thiểu khí thải từ các phương tiện giao thông. Thắt chặt mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe nhập đã qua sử dụng và xe đang lưu hành; tăng cường kiểm soát khí thải lưu động trên đường; bố trí các trạm đăng kiểm xe ô tô trên cả nước; xây dựng Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; mở rộng cơ sở thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải…

   Thực hiện Đề án Kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP lớn. Mục tiêu đề án cho giai đoạn 2013-2015 là thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80% - 90% số lượng xe mô tô, xe máy tham gia giao thông tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

   + Nhanh chóng xây dựng và đưa vào hoạt động các hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, xe điện trên cao, xe điện ngầm. Sử dụng nhiên liệu sạch và nhiên liệu thay thế cho các phương tiện giao thông công cộng

   + Đối với công nghiệp, sử dụng các công nghệ sạch nhằm giảm thiểu phát thải ống khói, tăng cường quản lý các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại. Triển khai thống kê phát thải công nghiệp, lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động đối với các nguồn thải lớn.

   + Qui hoạch các nhà cao tầng, đường phố; tăng cường hiệu suất sử dụng năng lượng.

   + Tăng cường sử dụng các loại nhiên liệu phát thải ít, năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời).

   + Lắp đặt các trạm quan trắc tự động liên tục tại các thành phố và đô thị Việt Nam nhằm giám sát chặt chẽ chất lượng không khí và cung cấp thông tin cho cộng đồng.

   + Thực hiện việc nghiên cứu ảnh hưởng đến sức khỏe của một số chất ô nhiễm mới như thủy ngân.


Trạm tự động quan trắc môi trường không khí Trung tâm Quan trắc Môi trường - Tổng cục Môi trường đặt tại số 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội

Ô nhiễm không khí và sức khỏe

Ô nhiễm không khí chủ yếu do các chất: CO, ôzôn, chì, NOx, hạt bụi mịn, SO2.

Carbon Monoxide (CO): do quá trình đốt nguyên liệu từ các loại động cơ, trong đó có xe máy, làm giảm lượng ô xy khi hít thở, gây bệnh về tim, phổi và các bệnh khác.

Ôzon tầng thấp (O3): Chất ô nhiễm thứ cấp hình thành từ phản ứng hóa học của các thành phần hữu cơ dễ bay hơi (VOC) và Ni tơ các bon (NOx) dưới tác động của ánh sáng mặt trời, gây các bệnh về phổi, ho, hen.

Chì (Pb): Phát sinh từ các nhà máy sản xuất kim loại, từ động cơ sử dụng xăng pha chì, các lò đốt chất thải, các nhà máy sản xuất ắc quy, gây hại đến hệ thần kinh, giảm chỉ số IQ, giảm trí nhớ và độ thông minh của trẻ, gây thiếu máu ở người.

Dioxit Ni tơ (NO2): Phát sinh do quá trình đốt nhiên liệu (các động cơ xe máy, các nhà máy điện, các lò hơi lớn) và đốt gỗ củi, gây các bệnh về phổi.

Hạt bụi (PM2,5, PM10: Bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5µm, 10µm): hình thành từ các phản ứng hóa học, đốt nhiên liệu (đốt than, củi, rơm rạ, dầu diesel), các hoạt động công nghiệp (nhiệt điện, xi măng…), các chất thải nông nghiệp (đốt rơm rạ), đốt rác, các hoạt động xây dựng, bụi từ đường giao thông, gây các bệnh phổi, hen suyễn khó thở, có thể dẫn đến ung thư phổi, gây tử vong ở trẻ em.

Dioxit lưu huỳnh (SO2) phát sinh từ các hoạt động đốt nhiên liệu, đặc biệt là than có hàm lượng lưu huỳnh cao, các nhà máy nhiệt điện và các hoạt động công nghiệp, các hoạt động tự nhiên như núi lửa, gây hen suyễn, khó thở, đồng thời là tác nhân để hợp thành bụi mịn gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

 

 

 

 

Hoàng Dương Tùng (Tổng cục Môi trường)

Nguồn: Tapchimoitruong.vn/ Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân