Hotline:
Banner
Tin Nóng

Xây dựng Văn phòng đăng ký đất đai: Nhiều tỉnh chậm triển khai

22 Tháng Bảy 2016 10:35:37 SA

Moitruong24h- Thực hiện Luật Đất đai 2013, đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai (một cấp) trực thuộc Sở TN&MT cấp tỉnh, thành phố. Tuy vậy, hiện, còn một số địa phương chưa triển khai xây dựng và đối với các địa phương đã xây dựng còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
 

Nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai (một cấp). (Ảnh: MH)

Theo Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), tính đến cuối tháng 5/2016, cả nước có 45/63 tỉnh, thành thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai. 18 địa phương còn lại đã xây dựng Đề án, đang trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Qua triển khai Văn phòng ở các địa phương cho thấy, hoạt động đăng ký đất đai đã có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, bảo đảm việc triển khai thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (GCN) của địa phương theo đúng kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm theo nhiệm vụ chính trị của địa phương; đội ngũ cán bộ trong hệ thống Văn phòng được điều động, sử dụng linh hoạt giữa các địa bàn để hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn cán bộ hiện có.

Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ đã thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp GCN với bộ máy tổ chức được sắp xếp theo các nhóm chuyên môn và theo từng vị trí công việc chuyên sâu; quy trình giải quyết công việc đã được thực hiện thống nhất, nhiều nơi đã được thực hiện gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đã xây dựng. Chất lượng thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong toàn tỉnh, thành phố do Văn phòng đã thường xuyên kiểm tra, quản lý, hướng dẫn các Chi nhánh thực hiện nhiệm vụ. Thủ tục hành chính đối với những địa phương đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai là 41 thủ tục (nếu chưa thành lập là còn 62 thủ tục); thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp GCN giảm thời gian thực hiện từ 5 - 25 ngày so với trước đây.

Ngoài ra, các Văn phòng đã có điều kiện hơn về lực lượng chuyên môn, chủ động hơn về thẩm quyền và đã quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính của địa phương, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; đồng thời, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính ở các cấp huyện, xã để bảo đảm sự thống nhất của hồ sơ địa chính theo quy định. Việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp GCN được thực hiện ngày càng thuận lợi hơn với người dân do cơ quan đăng ký được tổ chức lại ngày càng chuyên nghiệp; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được đẩy mạnh đã tạo nhiều cơ hội hơn cho người dân được lựa chọn nơi đăng ký, tạo sự cạnh tranh giữa các cơ quan đăng ký, góp phần giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hiện nay.

Tuy vậy, sau khi đi vào hoạt động, nhiều Văn phòng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc bởi hầu hết các Chi nhánh khó khăn về trụ sở, trang thiết bị làm việc do trước đây chung với Phòng TN&MT. Bên cạnh đó, các Chi nhánh khó khăn về nhân sự với lý do những người làm việc tốt hoặc đang kiêm nhiệm công việc của Phòng TN&MT, họ không chuyển sang Văn phòng mà ở lại làm việc tại Phòng.

Các địa phương đều đã triển khai thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính nhưng việc vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu địa chính hầu hết các địa phương chưa thực hiện được. Theo thống kê, đến nay, cả nước mới có tỉnh: Đồng Nai, An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận là cơ bản hoàn thành và được khai thác sử dụng có hiệu quả ở cấp tỉnh và một số đơn vị cấp huyện.

Ngoài ra, hầu hết các Văn phòng đều gặp khó khăn về kinh phí trong thời gian mới thành lập với lý do việc bàn giao về kế hoạch, dự toán ngân sách của các địa phương từ cấp huyện lên cấp tỉnh chậm, ảnh hưởng đến lương của người lao động.
Cũng theo Cục Đăng ký đất đai, các địa phương chậm thành lập là do một số tỉnh có thay đổi nhiều về nhân sự cấp tỉnh, cấp huyện và tập trung cho việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nên xây dựng kế hoạch thành lập Văn phòng vào 6 tháng cuối năm 2016. Một số tỉnh cho rằng việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai, thẩm quyền ký cấp GCN dồn về Sở TN&MT gây áp lực cho lãnh đạo Sở.

Việc luân chuyển hồ sơ để trình ký Giấy chứng nhận còn mất thời gian và tốn kém chi phí đi lại đối với các địa bàn xa. Ngoài ra, còn có một số tỉnh chưa mặn mà với việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, còn đưa ra các lý do khó khăn khi thực hiện theo Văn phòng Đăng ký đất đai.

Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai kến nghị, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ thành lập Văn phòng, quan tâm đầu tư, tạo điều kiện nâng cao năng lực của Văn phòng cả về tổ chức bộ máy, cán bộ, trang thiết bị, trụ sở làm việc, cơ chế hoạt động và quy chế phối hợp giữa Văn phòng các cấp phù hợp yêu cầu quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ kinh phí để các địa phương xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.

 

 

 

Tuyết Nhi/ TN&MT

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân