Hotline:
Banner
Tin Nóng

Ứng xử với nguồn nước Mê Kông: Cần sự hợp tác từ các bên

18 Tháng Bảy 2016 3:12:51 CH

Moitruong24h - Những ngày qua, khu vực miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên đã có những cơn mưa, giúp người nông dân giảm tải một phần khó khăn sau cơn hạn hán kéo dài gần 6 tháng. Thế nhưng, những cơn mưa này chưa đủ lớn để đẩy lùi nước mặn ra biển. Bởi thế, để bảo vệ nguồn nước trên dòng sông Mê Kông, không chỉ là vấn đề ứng xử với thiên nhiên, mà còn là trách nhiệm của các quốc gia trong vấn đề chia sẻ nguồn nước trên dòng sông này.

Từ xưa đến nay, nói đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mọi người đều hình dung ra đó là một khu vực trù phú, là vựa lúa của Việt Nam, thậm chí là của thế giới. Tuy nhiên, bao năm qua vùng này cứ đến “mùa nước nổi” lại phải chấp nhận cảnh “sống chung với lũ”, do nước thượng nguồn Mê Kông đổ về.

Để đảm bảo cho cuộc sống của người dân được yên tâm hơn vào mùa lũ, tại khu vực ĐBSCL một số đê bao, đập ngăn lũ đã được dựng lên. Việc xây dựng các con đập chắn lũ tại tỉnh An Giang đã giảm thiểu phần nào lũ tràn xuống vùng hạ lưu Kiên Giang và các tỉnh giáp biển tại ĐBSCL..

Cần phải ký kết văn bản cụ thể trong vấn đề chia sẻ nguồn nước và bảo vệ lợi ích của người dân trên dòng sông Mê Kông.

Chia sẻ câu chuyện trên để thấy rằng, những năm trước, ĐBSCL luôn được coi là túi chứa nước. Thế nhưng, một vài năm trở lại đây, khu vực này  bỗng trở thành điểm nóng về hạn hán, ngập mặn và rơi vào tình trạng ngóng chờ nước, khiến người dân lại rơi vào tình trạng khó khăn mới.

Anh Trần Khánh Ly (ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau), hiện đang sống và làm việc tại T.P Hồ Chí Minh cho biết: “Trước đây, mùa lũ đến, khu vực nhà anh sinh sống thường bị ngập chìm trong nước. Không chỉ có hoa màu bị thiệt hại, mà vật nuôi cũng không thể sinh tồn.

Bao năm thiệt hại vì lũ, gia đình tôi đã phải bỏ xứ lên thành phố mưu sinh mỗi khi lũ về…Song hiện nay, thời gian “bỏ xứ” nhiều hơn, bởi không chỉ phải hứng chịu lũ lụt, người dân phải đối mặt với hạn hán, xâm mặn kéo dài, khiến cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn”.

Theo các chuyên gia nếu không có gì thay đổi, cuộc sống của người dân ĐBSCL trong một vài năm tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn bởi hạn mặn. Chỉ riêng trong năm nay, thời gian hạn, mặn đã đến sớm hơn thường lệ.

Theo phân tích đưa ra từ các nhà khoa học tại trung tâm khí tượng thủy văn ĐBSCL, tổng dòng chảy trung bình trên dòng sông Mê Kông một năm (bắt nguồn từ Trung Quốc đến Việt Nam) vào khoảng gần 475 tỉ m3. Các đập thủy điện ở Trung Quốc có trữ lượng lớn, chiếm đến 16% trữ lượng nước của cả dòng sông.

Vào mùa khô, thượng nguồn sông Mê Kông tại Trung Quốc cung cấp đến 30% dòng chảy. Tuy nhiên, điều các nhà khoa học lo lắng lại không đến từ các đập thủy điện tại Trung Quốc, mà đến từ việc tới đây phần hạ lưu sông Mê Kông trên địa phận Campuchia và Lào sẽ hình thành thêm 11 đập thủy điện nữa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tại ĐBSCL.

Chia sẻ về mối nguy hại này, ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, sắp tới nếu 11 đập thủy điện trên dòng sông Mê Kông được xây dựng, thuộc địa phận đất nước Campuchia và Lào, chắc chắn sẽ làm giảm lượng phù sa rất lớn xuống ĐBSCL, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân ở khu vực này.

Bên cạnh đó, sẽ có khoảng hơn 17 triệu người Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hệ quả của tác động môi trường, liên quan đến dòng Mê Kông. Vì thế, không chỉ Chính phủ Việt Nam, mà các tổ chức, hiệp hội và các nhà khoa học trên thế giới đang bày tỏ lo ngại và yêu cầu các nước dừng việt xây dựng đập thủy điện trên dòng sông Mê Kông. Đồng thời, yêu cầu các quốc gia có những biện pháp ứng xử tốt hơn với nguồn nước trên dòng sông này.

Ông Trung cũng cho rằng, hiện nay mỗi năm ĐBSCL sản xuất ra hơn 1 triệu tấn cá tra, 3 triệu tấn trái cây, 25 triệu tấn lúa…các nông sản ở đây không chỉ cung cấp cho châu Á, mà còn cung cấp cho cả thế giới. Vì thế, hơn bao giờ hết chúng ta cần phải có những biện pháp tích cực để bảo vệ khu vực được coi là vựa lúa châu Á này.

Tuy nhiên, để bảo vệ nguồn nước và các lợi ích trên dòng sông Mê Kông, cũng như giúp ĐBSCL hạn chế bớt những thiệt hại từ những hệ quả của việc hình thành các đập thủy điện trên dòng sông này, không chỉ có Việt Nam mà tất cả các quốc gia có dòng Mê Kông chảy qua, cần phải cùng nhau ký kết biên bản thỏa thuận chung về việc chia sẻ, quản lý nguồn nước cũng như cung cấp các thông tin về dòng chảy, lưu lượng nước…

Cạnh đó, phải kịp thời thông báo đến người dân để có sự chuẩn bị, thay đổi hoặc thích nghi với điều kiện môi trường sống, đó là cách tốt nhất để quản lý và sử dụng nguồn nước trên dòng sông Mê Kông.

Chia sẻ về mối nguy hại này, ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, sắp tới nếu 11 đập thủy điện trên dòng sông Mê Kông được xây dựng, thuộc địa phận đất nước Campuchia và Lào, chắc chắn sẽ làm giảm lượng phù sa rất lớn xuống ĐBSCL, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân ở khu vực này.

Bên cạnh đó, sẽ có khoảng hơn 17 triệu người Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hệ quả của tác động môi trường, liên quan đến dòng Mê Kông.

 

 

 

theo Tuấn Minh/LĐTĐ

 

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân