Hotline:
Banner
Tin Nóng

Bảo vệ vùng bờ và quản lý tài nguyên nước

05 Tháng Bảy 2016 8:38:37 CH

Moitruong24h - Ngày 5/7, tại TP Cần Thơ, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo “Đầu tư để bảo vệ vùng bờ và quản lý tài nguyên nước vùng ĐBSCL”

Hội thảo Đầu tư để bảo vệ vùng bờ và quản lý tài nguyên nước vùng ĐBSCL (Ảnh: NB)  

Các chuyên gia thuộc Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP - Chương trình phát triển do Chính phủ Việt Nam, Đức và Australia tài trợ) đã trình bày kết quả nghiên cứu tiền khả thi cho các hạng mục đầu tư để bảo vệ vùng bờ, quản lý nguồn tài nguyên nước vùng ĐBSCL.

Chương trình này nhằm hỗ trợ các cơ quan chuyên ngành của Việt Nam và các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL chuẩn bị sẵn sàng ứng phó trước biến đổi khí hậu (BĐKH), với sự thay đổi của môi trường và đặt nền móng tăng trưởng bền vững.

Theo các chuyên gia, có 3 kết quả nghiên cứu tiền khả thi, thứ nhất về bảo vệ vùng bờ. ICMP chia thành 6 đoạn và đưa ra 6 khuyến nghị lựa chọn đầu tư: Đoạn đường bờ Bến Tre - Trà Vinh (mức độ cấp bách là trung bình): Quản lý sử dụng đất, kè bằng các túi cát, kết hợp phục hồi rừng ngập mặn; Đoạn Sóc Trăng - Bạc Liêu (mức độ cấp bách trung bình - cao): Quản lý và phục hồi rừng ngập mặn, hàng rào chữ T, kè bằng túi cát; Vùng ven biển phía đông Cà Mau (mức độ cấp bách cao): Nuôi dưỡng bằng hàng rào chắn sóng kết hợp phục hồi rừng ngập mặn; Vùng phía Nam Cà Mau (mức độ cấp bách thấp): Chưa cần can thiệp; Vùng phía Tây Cà Mau - Tây Kiên Giang (mức độ cấp bách cao): Dùng hàng rào chắn sóng bê tông, kết hợp phục hồi rừng ngập mặn; Phía Tây Bắc Kiên Giang (mức độ cấp bách trung bình): Dùng hàng rào chữ T.

Thứ hai, đối với dự án tuyến thoát lũ của An Giang - Kiên Giang (dự kiến kinh phí trên 81,5 triệu USD) bao gồm vùng lúa 2 vụ (28.850ha): sinh kế (làm vụ ĐX tôm + lúa hoặc vụ ĐX lúa + hoa màu + cá tự nhiên) và nâng cấp hạ tầng 60km đê thấp, 20 cống mới và sửa chữa 4 cầu, đập thoát lũ; Vùng lúa 3 vụ (1.750ha): Chuyển đổi lúa 3 vụ sang 2 vụ lúa + hoa màu + cá tự nhiên kết hợp nâng cấp cầu, kênh; Vùng rừng tràm (3.000ha): phát triển du lịch cộng đồng kết hợp đồng quản lý tràm, nạo vét kênh, nâng cấp đê.


Sạt lở vùng bờ biển mũi Cà Mau cần được đầu tư bảo vệ (Ảnh: HĐ)  

Thứ ba, dự án Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng (dự kiến kinh phí 23,3 triệu USD) gồm vùng đai rừng ngập mặn (1.150ha): trồng rừng ngập mặn, đồng quản lý rừng ngập mặn - nuôi sò kết hợp nâng cấp đê biển; vùng nước lợ (6.800ha): Thúc đẩy nuôi tôm - rừng ngập mặn, nuôi cá, nuôi tôm an toàn sinh học kết hợp làm thêm 4 cống mới, nâng cấp điện trung thế, hạ thế; vùng xâm ngập mặn (5.105ha): Chuyển đổi sinh kế ngọt sang mặn; vùng nước ngọt (3.200ha): Phát triển du lịch cộng đồng, phổ biến nâng cao nhận thức BĐKH kết hợp xây dựng hệ thống đê sông.

Ông Severin Peters, Cố vấn kỹ thuật cao cấp GIZ cho biết, mục tiêu chính của các nghiên cứu tiền khả thi này nhằm củng cố vùng ven biển ĐBSCL, sẵn sàng với sự thay đổi về môi trường, giúp cải thiện sinh kế, tăng trưởng bền vững. Các nghiên cứu trên được nhóm chuyên gia tiến hành khoảng 1 năm trở lại đây, dự kiến sẽ hoàn chỉnh trong tháng 9/2016. Riêng mảng nông nghiệp đang được tiến hành, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2016.

 

NB-HP/Nông Nghiệp VN

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân