Moitruong24h - Tình hình xuất khẩu một số mặt hàng nông lâm thủy sản đang sụt giảm nhanh chóng khiến các hiệp hội ngành hàng và DN lo lắng.
Nông sản Việt Nam đang gặp khó khăn ngay tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Nhật Bản, Mĩ và châu Âu. Ngày 9/8, Bộ NN-PTNT đã họp với các hiệp hội ngành hàng, bàn giải pháp thúc đẩy thị trường...
Trung Quốc siết chặt Ngược lại với các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, rau quả, hạt điều và thủy sản xuất khẩu sang Mĩ và Trung Quốc vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao thì thị trường gạo, đồ gỗ, cá tra và sắn lại đang sụt giảm đáng kể. Theo Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), nguyên nhân chính của việc giảm thị trường xuất khẩu sắn là sự sụt giảm mạnh của thị trường Trung Quốc (chiếm 86,7% thị phần) và các thị trường nhập khẩu sắn lớn khác như Nhật Bản, Philippines.
Thị trường sắn đang bị sụt giảm đáng kể
Việc giảm nhu cầu nhập khẩu sắn từ Việt Nam cũng là do giá dầu thế giới giảm mạnh dẫn đến giảm nhu cầu chế biến sắn làm nguyên liệu sinh học. Riêng đối với thị trường Hàn Quốc, hiện đang không thể xuất khẩu vì phía Hàn Quốc cho rằng sản phẩm sắn của ta bị nhiễm chì.
Hiệp hội sắn đề nghị Bộ NN-PTNT làm việc với Hàn Quốc để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, mặt hàng xuất khẩu gạo cũng chịu áp lực giảm giá từ việc Thái Lan bán gạo tồn kho với giá thấp, thêm nữa Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý nhập khẩu gạo qua biên giới đất liền ở phía Bắc, chống buôn lậu gạo, khiến việc xuất khẩu gạo không thuận lợi.
Các thị trường gạo truyền thống khác như Indonesia, Philippines tính cho đến hết quý 2 vẫn chưa đàm phán kí được hợp đồng... Theo Hiệp hội Lương thực VN, thì việc Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu gạo theo đường tiểu ngạch sẽ ảnh hưởng đến thị trường gạo trong nước, đề nghị Bộ NN-PTNT cần có giải pháp tháo gỡ, phối hợp với phía Trung Quốc hoàn thiện các thủ tục để doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu gạo theo đường chính ngạch.
Việc Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu gạo theo đường tiểu ngạch sẽ ảnh hưởng đến thị trường gạo trong nước
Trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV cho biết, để xuất khẩu gạo chính ngạch, Bộ NN-PTNT đã lên danh sách trên 30 doanh nghiệp có năng lực gửi cho nước bạn và đã xây dựng chương trình mời đoàn chuyên gia Trung Quốc sang thẩm định, đánh giá vùng trồng trọt cũng như các cơ sở chế biến, xay xát gạo của các doanh nghiệp, giờ chỉ cần sự phối hợp của Hiệp hội Lương thực để định ngày với đối tác nhằm sớm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo chính ngạch.
Cũng do Trung Quốc thắt chặt kiểm soát mà nguồn cá tra xuất sang Trung Quốc bị dừng, cộng thêm sản lượng xuất khẩu sang EU giảm, góp phần gây mất cân đối cung cầu khiến giá cá tra giảm từ 23 ngàn/kg xuống còn 17 ngàn/kg. Đại diện Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP) cho rằng, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác nắm sản lượng cung cầu để có quyết định hợp lý về thị trường.
Xuất khẩu gỗ gặp khó
Nói về hoạt động xuất khẩu gỗ, ông Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội XK Gỗ - Lâm sản khẳng định, thị trường gỗ năm nay giảm cả về khối lượng và giá trị. Nếu như trong các năm trước, thị trường xuất khẩu gỗ luôn tăng trưởng 7 - 8% thì 6 tháng đầu năm nay chỉ còn 1,1%. Trong đó, cả hai sản phẩm chủ lực là xuất khẩu ván dăm và xuất khẩu bàn ghế ngoài trời đều giảm mạnh. Xuất khẩu dăm gỗ giảm do Trung Quốc không mua, theo đó giá cũng giảm từ 144 USD/tấn xuống còn 132 USD/tấn.
Xuất khẩu dăm gỗ giảm do Trung Quốc không mua
Cũng theo ông Quyền, nhu cầu tiêu thụ gỗ giảm là một phần, nhưng nguyên nhân sâu xa sản phẩm gỗ của ta không có nguồn gốc, chất lượng kém hơn sản phẩm gỗ của các nước như Úc, Brazil nên đã để mất thị phần vào tay các nước khác.
Nhật Bản trước nhập khẩu khá nhiều đồ gỗ của ta nhưng nay cũng không mua nữa. Đây là vấn đề quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc gỗ. Tương tự, đối với các sản phẩm bàn ghế ngoài trời là sản phẩm thế mạnh của ngành gỗ, xuất nhiều sang các nước EU nhưng hiện nay đang có xu hướng giảm mạnh.
“Hiện mỗi năm người dân trồng rừng trên cả nước sản xuất ra khoảng 10 triệu tấn dăm gỗ, năng lực đóng gỗ ván chỉ hết 1,4 triệu tấn. Vậy trên 8 triệu tấn dăm gỗ nếu không xuất khẩu được thì để làm gì?”, ông Quyền nêu vấn đề bế tắc không có giải pháp tháo gỡ.
Chia sẻ những khó khăn của thị trường với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện nay là phải chủ động tiếp cận tới từng thị trường để tìm cách tháo gỡ. Bộ giao cho Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị để giải quyết khúc mắc của các hiệp hội ngành hàng.
Thời gian qua, mặc dù giá lương thực chưa phải quá thấp nhưng Bộ NN-PTNT đã sớm làm việc cùng Bộ Công thương để bàn về xuất khẩu gạo và hiện nay đã có tín hiệu tốt từ thị trường Philippines. Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc xuất khẩu gạo, thủy sản là sản phẩm mũi nhọn nên phải sớm xây dựng thương hiệu, theo lộ trình trong tháng 11 này Bộ NN-PTNT sẽ có tiêu chuẩn gạo Việt Nam. Về xuất khẩu gỗ, Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối sẽ làm việc riêng với Hiệp hội xuất khẩu gỗ, lâm sản, tìm giải pháp tháo gỡ.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Cục phó Cục Chăn nuôi: Việc xuất khẩu lợn qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng liên tục gặp khó khăn. Thời gian qua, giá lợn hơi đang từ 75 ngàn/kg bị tư thương Trung Quốc ép xuống dưới 50 ngàn đ/kg cũng chỉ vì chúng ta cứ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Tại sao chúng ta cứ đi đường tiểu ngạch trong khi xuất khẩu lợn có thể trở thành một thế mạnh của Việt Nam với thị trường Trung Quốc và hàng năm chúng ta cũng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi rất lớn từ thị trường này? |
Nam Phương/Báo Nông nghiệp
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân