Moitruong24h - Đến năm 2030, cả nước sẽ có 50% số đô thị lớn đạt tiêu chuẩn đô thị xanh. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng theo kế hoạch hành động của ngành Xây dựng, nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ.
Một góc Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Minh
Tư duy mới
Đón đầu xu thế, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư cho phát triển xanh. Tại một số thành phố lớn như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã xuất hiện những khu đô thị mới được xây dựng với định hướng là đô thị sinh thái. Trong đó, chú trọng tăng diện tích công viên, cây xanh, mặt nước, tổ chức không gian công cộng tốt.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, đây mới chỉ là những bước tiếp cận “dễ nhận thấy” nhất, chứ chưa đủ. Đô thị xanh phải đạt được nhiều tiêu chí, trong đó, phải có không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên….
Để làm được điều đó, tiên quyết là ngay từ khâu quy hoạch đã phải lồng ghép với việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, nâng cao hệ số sử dụng đất, tạo không gian mở cho đô thị, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, bảo đảm các khu vực chức năng của đô thị thỏa mãn tiêu chí về chất lượng môi trường.
Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, cần phải đổi mới tư duy quy hoạch đô thị từ tư duy chinh phục thiên nhiên sang xu thế thích ứng với thiên nhiên. Có thể giảm nhu cầu sử dụng năng lượng đô thị nhờ phát huy lợi thế sẵn có của điều kiện tự nhiên. Khung cấu trúc cảnh quan này sẽ là giới hạn cho việc phát triển các công trình xây dựng và là nền tảng để đề xuất giải pháp hạ tầng kỹ thuật xanh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc áp dụng các giải pháp hạ tầng như: công viên, hồ điều hòa, làm sạch nước bằng quá trình sinh học, mở rộng không gian chứa nước… sẽ góp phần tạo ra nhiều không gian xanh cho đô thị.
Nhiều chỉ tiêu cụ thể
Theo kế hoạch hành động tăng trưởng xanh năm 2016, ngành Xây dựng xác định ưu tiên tập trung giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP và giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong những ngành sản xuất chính với hai kịch bản có và không có hỗ trợ quốc tế.
Bên cạnh đó, sẽ xúc tiến các lĩnh vực hợp tác có triển vọng gồm: xây dựng khung chiến lược và lộ trình phát triển đô thị tăng trưởng xanh; xác định các chỉ số giám sát và thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, chuẩn bị hướng dẫn và các bài học kinh nghiệm thực tế thành công nhất về đô thị tăng trưởng xanh…
Xa hơn, ngành xây dựng phấn đấu, đến năm 2020 giảm phát thải khí nhà kính, giảm gây hiệu ứng nhà kính từ 8 đến 10% so với năm 2010 và đến năm 2030, mỗi năm giảm phát thải khí nhà kính từ 1,5 đến 2%; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1 đến 1,5%; giá trị sản phẩm công nghiệp xanh trong GDP chiếm 42 - 45%; tỷ lệ cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đạt tiêu chuẩn môi trường là 80%.
Phấn đấu tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định là 60%, tỷ lệ tương ứng đối với đô thị loại IV và V là 40%, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý phải đạt tiêu chuẩn vào năm 2030.
Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận, khó hiện nay là thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đô thị xanh, công trình xanh, sản xuất và áp dụng vật liệu xanh. Mặt khác, nguồn lực dành cho các công tác này còn hạn hẹp, chủ yếu huy động từ ngân sách và các quỹ nước ngoài. Các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào từng dự án, chứ chưa có hẳn một xu thế phát triển đồng bộ.
Khánh Anh/Báo TN & MT
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân