Moitruong24h - Theo ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), mức tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng năm 2016 thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm ngoái và chỉ bằng một nửa so với mục tiêu tăng trưởng 10% xuất khẩu đề ra từ đầu năm.
Những con số thống kê gần đây cho thấy, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 181,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2015 là khó khả thi.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng bảy ước đạt 14,7 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 96,83 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, sau 7 tháng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản chỉ tăng 0,1% so với tháng sáu. Nhóm công nghiệp chế biến cũng không còn duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đột biến như những năm trước, thậm chí xuất khẩu của tháng bảy đã giảm 0,9% so với tháng 6.
Theo bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất – nhập khẩu, Bộ Công Thương, nguyên nhân là do, các mặt nông lâm thủy sản đã đến “ngưỡng”. Công nghiệp chế biến không có mức tăng trưởng cao và đột biến như những năm trước do các doanh nghiệp đã chạy hết công suất. Những nhóm hàng, như: điện tử và dệt may năm nay cũng suy giảm về mức tăng trưởng xuất khẩu…
Một nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng xuất khẩu ở mức thấp do nhu cầu nhập khẩu của nhiều bạn hàng của Việt Nam trên thế giới đang suy giảm. Điển hình như mặt hàng gạo đang thiếu những hợp đồng lớn, có vai trò dẫn dắt thị trường với những bạn hàng truyền thống lớn, như: Philippines, Indonesia…
“Mục tiêu phấn đấu để kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 10% đang ngày càng khó khăn và cần sự đồng thuận cao của các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương mới có thể đạt được”, bà Hà nhận định.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tháng 7 giảm 1% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 95,03 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, sau 7 tháng, cả nước đã xuất siêu 1,8 tỷ USD, bằng 1,9% kim ngạch xuất khẩu.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, Bộ Công Thương sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp nhằm giải quyết nhanh những khó khăn cho doanh nghiệp như thành lập đường dây nóng và giao cho Cục Xuất – nhập khẩu xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua đường dây nóng này. Thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn các cơ hội, thách thức từ các FTA cho doanh nghiệp…
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng cường kiểm soát chất lượng thủy sản chế biến phục vụ xuất khẩu, cung cấp thông tin cho các đối tác nhập khẩu nhằm hạn chế những thiệt hại do việc thiếu thông tin dẫn đến lo ngại chất lượng thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam. “Mục tiêu quan trọng là giữ vững kim ngạch xuất khẩu thủy sản ở mức 7-8 tỷ USD/năm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Giang Phan/Công Luận
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân