Hotline:
Banner
Tin Nóng

Báo động cạn kiệt tài nguyên cát

20 Tháng Bảy 2016 3:22:36 CH

Moitruong24h - Điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng chúng ta đang sử dụng cát nhiều hơn bất cứ nguồn tài nguyên nào khác chỉ sau nước và không khí.

Từ các khu căn hộ, cao ốc văn phòng và tới trung tâm thương mại, chỗ nào cũng được xây bằng bê tông – vật liệu được tạo ra từ cát sỏi trộn với xi măng. Mỗi mét đường nhựa kết nối tất cả các tòa nhà, mỗi khung cửa sổ cũng đều có thành phần từ cát. Cát là vật liệu không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại nhưng đáng buồn là tài nguyên cát đang có dấu hiệu cạn kiệt.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do sự bùng nổ về cả số lượng và quy mô các thành phố, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Dân số thế giới tăng lên mỗi năm và ngày càng nhiều người di cư đến các thành phố. Kể từ năm 1950, dân số đô thị của thế giới đã tăng từ 746 triệu lên hơn 3,9 tỷ.

Theo Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), khối lượng bê tông toàn thế giới sử dụng riêng trong năm 2012 đã đủ để xây một bức tường cao và rộng 89 feet (tương đương 27m) quanh đường xích đạo. Khối lượng xi măng Trung Quốc sử dụng từ 2011-2013 nhiều hơn số xi măng Hoa Kỳ dùng trong cả thế kỷ 20.

Không thể đo đếm xuể khối lượng cát con người đang khai thác để xây dựng các thành phố. Trong khi đó, cát có thể sử dụng để xây dựng là nguồn tài nguyên hữu hạn. Cát sa mạc, hình thành chủ yếu nhờ gió chứ không phải nước, không thể làm vật liệu xây dựng. Để có được loại cát cần thiết, con người đang phải nạo vét các lòng sông, những vùng ngập nước và các bãi biển.

Ngành công nghiệp khai thác cát ước tính có giá trị 70 tỷ USD. Có nhiều cấp độ, quy mô và hình thức khai thác cát, từ những đợt triển khai nạo vét lớn của các công ty đa quốc gia cho tới cách khai thác thô sơ bằng xẻng và xô của người dân địa phương. Tại những nơi nguồn cát trên bờ đã cạn kiệt, hoạt động khai thác cát đang chuyển hướng sang các vùng biển.

 
Ảnh minh họa: nytimes.com

Khai thác cát cũng đang gây ra những hậu quả khủng khiếp đối với môi trường. Tại Ấn Độ, khai thác cát sông đang phá vỡ hệ sinh thái, giết chết vô số các loài cá và chim. Tại Indonesia, hơn hai chục hòn đảo nhỏ đã biến mất từ năm 2005 do khai thác cát. Ở Việt Nam, để lấy được lớp cát nằm sâu bên dưới, hàng trăm hecta rừng đã bị đào xới. Những đối tượng khai thác cát cũng làm hư hại rạn san hô tại Kenya và gây sụt lún chân các cầu ở Liberia và Nigeria. Các nhà môi trường cho rằng việc nạo vét cát tại vịnh San Francisco đã dẫn đến hiện tượng xói mòn tại các bãi biển ở các khu vực gần đó.

Chính con người cũng là nạn nhân việc khai thác cát. Khai thác cát được cho là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn chết người ở Ả Rập Saudi, Nam Phi và Gambia. Ở Ấn Độ và Indonesia, một số cán bộ nhà nước và các nhà hoạt động lên án các băng nhóm khai thác cát trái phép đã bị chúng sát hại.

Những làng chài nằm gần cửa sông thuộc tỉnh Koh Kong, Campuchia là nạn nhân điển hình của hoạt động khai thác cát. Người dân làng chài nơi đây đã nhiều năm khiếu nại về việc khai thác cát tràn lan xóa sổ nguồn cua, cá – sinh kế của họ. Người dân địa phương cho biết giờ họ chỉ có thể tới làm việc tại các nhà máy may mặc Phnom Penh hoặc chuyển đi nơi khác để kiếm việc làm. Không chỉ ảnh hưởng tới sinh kế, nạo vét cát cũng đe dọa tới các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng như cá heo, rùa và rái cá.

Các quy định chặt chẽ hơn có thể giúp ngăn chặn những thiệt hại đã được thực thi tại hầu hết các nước phát triển. Tuy nhiên, cát có một nhược điểm là rất nặng, do đó việc vận chuyển cát khá tốn kém. Nếu một nước cấm khai thác cát – như một số nơi ở Mỹ đang thực hiện – họ sẽ phải nhập khẩu cát từ một nơi khác. Kết quả là cát sẽ tăng giá. Bê tông vốn có giá thành tương đối rẻ; nếu cát tăng giá, chi phí xây dựng một tòa nhà hay một con đường mới sẽ tăng gấp đôi. Như vậy, thắt chặt quy định về quản lý khai thác cát có thể trở thành một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế.

Các vấn đề khác cũng cần được đề cập là vận tải và ô nhiễm. Các nhà chức trách bang California, Mỹ ước tính nếu khoảng cách chuyên trở cát sỏi trung bình tăng thêm 25 dặm (tương đương 40,225km) sẽ phải tiêu tốn thêm gần 50 triệu gallon (khoảng 19 triệu lít) dầu diesel mỗi năm.

Chúng ta có thể tạo ra cát từ việc nghiền đá nhưng công đoạn nghiền này cũng khá tốn kém và nhiều khi loại cát sản xuất ra lại không phù hợp với nhu cầu. Chúng ta có thể sử dụng các chất liệu thay thế tùy thuộc mục đích, nhưng liệu chúng ta có tìm thấy vật liệu nào có thể khai thác được 40 tỷ tấn mỗi năm?

Hầu như không có ai nghĩ xem cát từ đâu đến hay chúng ta có được chúng bằng cách nào. Những số liệu về cát trên có lẽ đã cảnh tỉnh chúng ta. Thế giới hiện nay có hơn 7 tỷ người và ngày càng nhiều người có nhu cầu về một căn hộ để ở, văn phòng để làm việc và trung tâm thương mại để mua sắm. Giờ đây, Trái đất của chúng ta sắp không đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu xa xỉ đó nữa.

Chúng ta từng cho rằng nguồn cung cấp vô hạn dầu, nước, cây xanh và đất trên hành tinh là vô hạn và không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, chúng ta đang phải chấp nhận một sự thật rằng không nguồn nào trong số đó là vô hạn cả và cái giá phải trả cho việc khai thác tài nguyên đang ngày càng đắt đỏ hơn. Con người cũng đã có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, tái sử dụng, tìm giải pháp thay thế cũng như sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách thông minh hơn. Đó chính là những gì chúng ta cần phải làm với nguồn tài nguyên cát.

 

 

 

 

 

Ly Đặng/MT & ĐS/New York Times

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân