Hotline:
Banner
Tin Nóng

Rau tự trồng vẫn có nguy cơ nhiễm kim loại nặng

09 Tháng Tám 2016 2:31:07 CH

Moitruong24h - Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, rau tự trồng cũng vẫn có nguy cơ nhiễm kim loại nặng, nếu sử dụng nguồn nước và cách canh tác không đảm bảo.

Kim loại nặng Asennic thường tích lũy nhiều nhất trong các loại rau họ cải.

Lo lo sợ rau phun thuốc kích thích và còn nhiều tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, rau nhiễm kim loại… chị Hằng, Phúc Lý, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã tận dụng khoảng đất ven đường trước cửa nhà để trồng rau sạch ăn. Chị cho biết: “Rau nhà trồng, chăm, bón, tưới bằng nước sạch nên cũng yên tâm. Không lo ăn phải rau phun thuốc hay nhiễm kim loại…”. Cách trồng rau của chị Hằng tưởng như là an toàn nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lớn.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa, Hà Nội phân tích: “Các loại rau được trồng ở ven đường có nguy cơ nhiễm kim loại rất cao. Đó là do khói bụi từ các phương tiện giao thông thải ra khiến cho rau dễ bị nhiễm kim loại nặng, nhất là chì”.

Không chỉ rau muống mà tất cả các loại rau đều có thể bị nhiễm kim loại nặng..

Tại một số dòng sông như sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Đông, mức độ nước ô nhiễm rất cao. Người dân tận dụng dòng nước để thả bè trồng rau muống. Rau nhìn bề ngoài xanh non mơn mởn.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khẳng định: “Rau muống trồng trên những dòng sông này hầu hết bị nhiễm kim loại nặng. Và không chỉ có rau muống có thể nhiễm kim loại nặng mà các loại rau khác cũng vậy. Trong trường hợp rau trồng gần các nhà máy xi măng, nhà máy sản xuất thép, nhà máy khai thác khoáng sản, cơ sở làm gốm, làm thủy tinh… khói bụi từ các nhà máy này sẽ tồn tại trong không khí. Khi nó rơi xuống đất sẽ làm cho đất nhiễm kim loại và các loại rau trồng trên mảng đất đó nhiễm kim loại là tất yếu”.

Một thực trạng diễn ra phổ biến hiện nay là người trồng rau thường dùng nước ô nhiễm từ các dòng sông, nước thải sinh hoạt, nước cống rãnh bẩn để tưới cho rau. Nếu dùng nguồn nước này tưới thường xuyên, lá và thân rau sẽ bị tích lũy kim loại nặng.

Ở những vùng nông thôn, mọi người vẫn có thói quen dùng phân gà, lợn để tưới cho rau. Trước đây, việc dùng các loại phân này tưới cho rau không có vấn đề gì. Tuy nhiên, ngày nay, thức ăn công nghiệp dành cho các vật nuôi này trong thành phần có chứa nhiều vi lượng đồng, sắt, kẽm, mangan… Các chất kim loại nặng này sẽ tồn dư trong phân động vật, xâm nhập vào đất và nhiễm vào rau.

“Trong trường hợp rau trồng ở những nơi cao, tưới bằng nước sạch nhưng sau khi thu hoạch người dân lại thả rau xuống nước sông bị ô nhiễm để rửa rau hoặc để cho rau tươi. Hành động vô ý này cũng dễ khiến cho rau bị nhiễm kim loại nặng mà ít người biết”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh nói.

 Rau tự trồng tại các gia đình vẫn có nguy cơ mất an toàn

Rau dễ nhiễm những kim loại nặng nào?

“Một số kim loại chỉ cần hàm lượng rất nhỏ cũng đủ để gây nguy hiểm qua con đường tích lũy sinh học. Có 4 kim loại nặng rau dễ bị nhiễm nhất là: Chì, Asennic (As), Cadmium (Cd), thủy ngân, ngoài ra còn có đồng, thiếc như không đáng kể”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết, có 4 kim loại nặng rau dễ bị nhiễm nhất là: Chì, Asennic (As), Cadmium (Cd), thủy ngân ngoài ra còn có đồng, thiết như không đáng kể.

Các loại rau sinh sống ở những vùng ẩm ướt như rau muống, rau rút, rau cần… có khả năng nhiễm kim loại chì và thủy ngân cao. Khi ăn các loại rau này có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Nhiễm độc chì thường ảnh hưởng tới trí não, thiếu máu, ảnh hưởng tới gan và thận… Ăn phải rau nhiễm thủy ngân có thể gây ra hàng loạt triệu chứng như rối loạn tâm lý, nhức đầu, chảy máu nướu răng, đau ngực, đau bụng, mệt mỏi kinh niên, dị ứng, nổi mẩn… gây tổn thương trung tâm thần kinh với triệu chứng run rẩy, khó khăn trong diễn đạt, giảm sút trí nhớ, tê liệt...

Rau diếp, cần tây, cải bắp có xu hướng tích lũy Cd khá cao trong lá. Cd trong môi trường thường không gây nguy hại cho sức khỏe ngay mà nguy hiểm là sự tích tụ mãn tính của nó ở trong thận. Khi xâm nhập vào cơ thể, Cd sẽ phá huỷ thận. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy Cd gây chứng bệnh loãng xương, nứt xương. Ngoài ra, tỷ lệ ung thư tiền liệt tuyến và ung thư phổi cũng khá lớn ở nhóm người thường xuyên tiếp xúc với chất độc này.

Kim loại nặng Asennic thường tích lũy nhiều nhất trong các loại rau họ cải. Nhiễm độc As trong thời gian dài làm tăng nguy cơ gây ung thư bàng quang, thận, gan và phổi. As còn gây ra những chứng bệnh tim mạch như cao huyết áp, tăng nhịp tim và các vấn đề thần kinh.

Theo khuyến cáo của PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh: “Để phân biệt kim loại nặng có trong rau là rất khó vì nó không có mùi vị lạ hay phản ứng hóa học gì trong quá trình nấu để nhận biết ra. Những loại rau bị nhiễm kim loại nặng không thể nào xử lý hết chất độc trên rau cho dù đã được rửa sạch bằng nước rửa rau, kể cả nấu chín cũng không có tác dụng”.

Để giảm tình trạng rau nhiễm kim loại nặng, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho rằng nhà nước cần phải có chính sách quản lý hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng rau an toàn. Ở những vùng sông ngòi, kênh rạch bị ô nhiễm có thể thả bèo tây để bèo hấp thụ những các kim loại nặng trong nước. Sau đó bèo này phải chôn xuống đất để tiêu hủy.

 

 

 

Theo Vietq.vn

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân