Moitruong24h- Cây xanh ngoài giá trị về gỗ, cảnh quan… còn có những giá trị vô giá về môi trường: có khả năng phòng chống ô nhiễm, hấp thụ mạnh các chất ô nhiễm hóa học, làm sạch vật ô nhiễm vật lý, làm sạch ô nhiễm sinh vật.
Trao đổi với PV Dân trí, Giáo sư Trần Văn Mão (76 tuổi) - nguyên Chủ nhiệm khoa Quản lý Bảo vệ Tài nguyên rừng và Môi trường (ĐH Lâm nghiệp Việt Nam), hiện nay là Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Nông lâm Thực phẩm (ĐH Thành Tây) và Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển Lâm nghiệp bền vững - cho biết, các chất ô nhiễm hóa học trong không khí có thể là formalin, khí amoniac, chất có benzene, O3, CO, CO2, SO2 và các chất hữu cơ bay hơi; ô nhiễm vật lý chủ yếu là các chất phóng xạ, kim loại nặng, tiếng ồn, các hạt bụi và ánh sáng; vật gây ô nhiễm sinh vật chủ yếu là các loài rận bụi, các vật nuôi. Tuy nhiên, chúng ta có thể chọn các loài cây để phòng chống các ô nhiễm nêu trên.
Giáo sư Trần Văn Mão trao đổi với PV Dân trí
Những cây có khả năng hấp thụ mạnh các chất ô nhiễm hóa học
Cây Vạn tuế có tác dụng hấp thu khí độc Benzen, tán cây đẹp dùng để làm cảnh, thân to thẳng để nơi cung đình và trong nhà, giữa bệ vườn hoa. Phân bố rộng ở nước ta, ưa ánh sáng, ưa ẩm, mọc trên đất cát pha, thoáng gió, không chịu rét, nhiệt độ dưới 0 độ C dễ bị hại, thích hợp nhất là 12-20 độ C.
Cây Phi lao có thể hấp thu khí độc SO2, Clo, hơi chì và HF màu nâu đỏ, thân cứng dùng làm dụng cụ gia đình. Vỏ cây làm thuốc, vỏ rễ, thân đều có tanin, là cây lục hóa đô thị, có thể trồng trong chậu và ngoài nhà.
Cây Sung có thể hấp thụ khí độc SO2, SO3, HCL, H2S, NO2,mùi HNO3, Benzen. Quả có thẻ ăn, chế rượu, lá làm thuốc. Cây sinh trưởng nhanh, chống ô nhiễm, có thể trồng ở đình chùa, bên đường, thảm cỏ, bên hồ hoặc bên vật kiến trúc.
Cây Cọ vàng có tác dụng hấp thu khí độc Clo, SO2, rễ bên phát triển. Khả năng chống gió mạnh, có thể mọc ở các nhà gần ven biển. Cây 4 mùa thường xanh, tán rộng là cây lục hóa vùng nhiệt đới. Ưa nhiệt độ cao mưa nhiều của vùng nhiệt đới, có thể chịu nhiệt độ thấp ở 0 độ C, ưa đất thịt nhiều mùn, ưa ẩm.
Những cây có khả năng làm sạch ô nhiễm vật lý
Cây Sấu có khả năng hút bụi rất mạnh, có thể hấp thu SO2, có thể chống khói, là cây lục hóa đình chùa. Gỗ cứng có thể làm dụng cụ trong gia đình, quả có thể ép dầu làm dầu bôi trơn, vỏ nhiều sợi có thể làm sợi nhân tạo; rễ, vỏ, lá non làm thuốc giảm đau, giải độc, chữa bỏng, lá có thể làm thuốc trừ nhện đỏ hại cây. Cây ưa sáng, hơi chịu bóng, ưa ẩm, đất nhiều mùn, tầng đất dày. Bộ rễ ăn sâu chống được gió mạnh.
Cây Nhót có khả năng cản bụi hấp thu formalin, Clo, andehit. Hoa Nhót thơm làm hương liệu, là nguồn mật hoa cho loài Ong. Quả đỏ đẹp có thể làm cảnh và ăn được, ngâm rượu… Hạt chứa 26% dầu có thể dùng chế biến xà phòng, dầu bôi trơn. Hoa, quả, cành, lá có thể dùng làm thuốc chữa bệnh viêm phế quản mãn tính, thần kinh suy nhược, tiêu hóa kém. Vỏ cây làm thuốc giảm đau, thanh nhiệt, vỏ trong có thể dùng làm thuốc chữa bỏng. Quả Nhót có tác dụng chữa tiêu chảy, trấn tĩnh. Hoa chữa hen suyễn. Lá có protein có thể làm thức ăn, gia vị. Cành cây dùng để chế biến keo. Gỗ cứng vân đẹp có thể làm dụng cụ gia đình.
Si lá đốm có khả năng hút bụi mạnh, cách âm, hấp thụ SO2, Clo, có thể bày trong nhà để đón khách. Gỗ màu nâu đỏ có thể làm dụng cụ gia đình. Ưa nhiệt độ ấm, ẩm, sáng, không chịu được rét.
Cây Hoa quế có thể hấp thu bụi và giảm tiếng ồn, có thể hấp thu khí độc SO2, Clo, hơi thủy ngân. Cây bốn mùa xanh tươi, thế cây đẹp, trồng trong vườn cảnh, hai bên đường, trước cửa, hoa nở thơm. Hoa có thể dùng làm thuốc và hương liệu. Ưa sáng và ẩm, yêu cầu về đất không “nghiêm khắc”, chỉ cần nhiều mùn, thoát nước, đất pha cát.
Cây làm sạch ô nhiễm sinh vật
Cây Thông có nhiều tác dụng, có thể đề kháng với khói bụi, khí SO2, diệt nhiều loại vi khuẩn gây bệnh trong không khí. Quả Thông có thể làm thuốc chữa các bệnh ho, viêm phổi; lá thông chữa bệnh viêm màng não, thông có thể trồng làm cảnh ở trong nhà, ngoài vườn, xanh tươi quanh năm. Nước ta có thông nhựa và thông đuôi ngựa, thông ba lá, thông Caribê; là cây ưa ánh sáng, sống trong điều kiện đất có độ ẩm vừa, không chịu được ẩm ướt, khá chịu rét; yêu cầu về đất không “nghiêm khắc” lắm, trung tính, chua hoặc đá vôi đều có thể sinh trưởng. Cây mọc chậm, tuổi thọ dài.
Cây Bạch đàn có khả năng diệt nhiều loài vi khuẩn, hàm lượng dầu nhiều, cây xanh quanh năm, có thể trồng hai bên đường. Bạch đàn là cây quốc thụ của nước Australia. Nguyên sản ở Australia và châu Đại Dương; ưa sáng, đất hơi chua, chịu khô hạn, sinh trưởng nhanh, chống được gió mạnh, chống nóng, không chịu được rét, chịu ngập nước, cành lá thưa. Bạch đàn thích hợp trên đất đỏ vàng, bộ rễ ăn sâu, có khả năng tái sinh chồi.
Bằng lăng có tác dụng diệt khuẩn gây bệnh kết hạch phổi rất tốt. Mùi thơm của hoa có thể diệt khuẩn gây bệnh kiết lị, bệnh bạch hầu. Bằng lăng có thể hấp thu khí độc CL, SO2, Flo, có thể cản bụi. Kỳ ra hoa dài, màu đỏ, tím tươi. Cây cận nhiệt đới, trồng rộng rãi ở miền Bắc nước ta, ưa ấm, ẩm, ưa sáng, chịu bóng, chịu hạn, chịu rét và chịu úng.
*
Trên đây là liệt kê 1 số loài cây và tác dụng của chúng trong đề án “Chọn các loài cây phòng chống ô nhiễm” của Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Mão.
Nhắc lại đề án cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh của Hà Nội, Giáo sư Mão bày tỏ quan điểm: “Hà Nội thực hiện đề án này khá vội vàng, lẽ ra trước khi triển khai cần lập hội đồng thẩm định để lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan, trong đó các chuyên gia nghiên cứu về cây xanh. Tuy nhiên, Hà Nội đã tạm dừng việc này, tôi cho rằng đây là việc làm tốt, thành phố đã biết lắng nghe ý kiến nhân dân. Trong thời gian tới, có tiếp tục việc này, Hà Nội cần tính toán kỹ lưỡng hơn”.
Nguyễn Dương/ Dân trí
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân