Moitruong24h - Trong khi các tỉnh ở Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của mưa lớn, lốc xoáy, tại Bình Định, người dân phải đối mặt với hạn hán, nắng nóng kéo dài, khiến cho cuộc sống trở nên khó khăn do thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.
Người dân phải đối mặt với hạn hán, nắng nóng kéo dài. Ảnh: MH
Thiệt hại nặng nề
Theo nhận định của Trung tâm KTTV Quốc gia, khu vực Trung Bộ trở về phía Nam, tình trạng khô hạn tiếp tục duy trì đến cuối tháng 8/2016. Tình hình nắng nóng, khô hạn có diễn biến khó lường theo hướng bất lợi hơn.
Tại Bình Định, diện tích hạn, thiếu nước, diện tích ngừng sản xuất và thiếu nước sinh hoạt nông thôn vụ Hè Thu năm 2016 tính đến nay có khoảng 2.697 ha, (trên đất lúa 2.470 ha, đất màu 227 ha), trong đó, huyện An Lão là 239 ha, Hoài Nhơn 132 ha, Hoài Ân 322 ha, Phù Mỹ 1.145 ha, Phù Cát 122 ha, Vĩnh Thạnh 228 ha, Tây Sơn 245, Vân Canh 145 ha, Tuy Phước 27 ha, Quy Nhơn 93 ha...
Diện tích đất có nguy cơ xâm nhập mặn là 922 ha, trong đó, Hoài Nhơn 308 ha; Phù Mỹ 34 ha; Quy Nhơn 40 ha. Trong tổng diện tích gieo trồng vụ Hè - Thu năm 2016, toàn tỉnh là 52.737 ha, gồm cây lúa 40.579 ha, cây trồng cạn 12.158 ha.
Xâm nhập mặn nghiêm trọng phải kể đến huyện Tuy Phước. Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Từ đầu vụ Hè - Thu 2016, đến nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã làm cho 26,9 ha lúa tại nhiều địa phương trong huyện thiếu nước tưới, xì phèn, nhiễm mặn và mất trắng. Xã Phước Thành có 12 ha đất sản xuất lúa phải bỏ hoang do thiếu nước tưới, Xã Phước Hòa có 14,9 ha; trong đó, tại cánh đồng Tứ Niên, thôn Huỳnh Giản có 12,4 ha đất canh tác lúa bỏ trắng do thiếu nước và 2,5 ha lúa nằm ở vùng sát đê Đông của thôn Tân Giản chết do xì phèn, nhiễm mặn. Vừa qua, UBND huyện Tuy Phước đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh sớm có kế hoạch hỗ trợ cho các hộ dân chịu ảnh hưởng bởi hạn hán.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh đã có 110/165 hồ chứa nước khô cạn gồm: huyện Hoài Nhơn 8/17, Phù Mỹ 46/48 hồ, Phù Cát 20/22 hồ, Hoài Ân 8/21 hồ, Tây Sơn 20/25 hồ, Vân Canh 3/5, Tuy Phước 2/4 hồ, Vĩnh Thạnh 2/3 hồ, Công ty hồ Hà Nhe 1/15 hồ. Các hồ chứa thủy điện trên sông Kôn như thủy điện Vĩnh Sơn còn 24/137 triệu m3, đạt 17,5% dung tích hữu dụng; thủy điện Trà Xom còn dưới dung tích chết.
Chống hạn là ưu tiên số 1
Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh Bình Định đang tập trung nguồn lực để tìm giải pháp phù hợp, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra. Trước mắt, yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra các công trình chứa nước tập trung; đồng thời, khoan thêm giếng, mở thêm mạng cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Những vùng nằm ngoài hệ thống công trình chứa nước tập trung thiếu nước sinh hoạt, huy động phương tiện vận chuyển nước sạch từ các nhà máy đến hỗ trợ. Điều tiết hợp lý nguồn nước tại các hồ thủy lợi, vận động người dân đóng thêm giếng có kiểm soát để lấy nước ngầm phục vụ chống hạn.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Sở đã chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi điều tiết nước từ các hồ chứa để chống hạn cho diện tích lúa vụ sắp tới tại các địa phương. Đồng thời, kiểm tra, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung và nâng tối đa công suất các công trình cấp nước đang hoạt động để cấp nước cho người dân địa phương và các hộ dân sinh sống ở khu vực lân cận bị khô hạn.
“Chúng tôi đã có giải pháp triển khai cung cấp nước cho người dân. Những vùng thiếu nước, khai thác nước ngầm, nước giếng... Nếu những vùng này không có mạch nước ngầm, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương cung cấp nước bằng cách chở nước từ vùng khác đến”.
Huyện Hoài Nhơn đã lên kế hoạch xây dựng đập dâng Bồng Sơn trên sông Lại Giang để vừa giữ ngọt, ngăn mặn phục vụ sản xuất. Tuy vậy, kinh phí đầu tư dự án này quá khả năng của địa phương. Vì vậy, người dân nơi đây đắp đập bằng cát tạm thời ngăn mặn vào mùa khô, đến mùa mưa lũ, phá đi để thông dòng chảy.
Phạm Thu Hà/Báo TN & MT
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân