Hotline:
Banner
Tin Nóng

Thanh Hóa: Nguy cơ “ngậm quả đắng” vì chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý rác thải

03 Tháng Tám 2016 3:25:09 CH

Moitruong24h - Rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nan giải của tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính riêng TP Thanh Hóa và vùng phụ cận, đã thải ra khoảng 500 tấn rác/ ngày. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Thanh Hóa vẫn còn thiếu một nhà máy đủ công suất để xử lý số rác nói trên…

Rác ngập bãi

Theo tìm hiểu của phóng viên, rác thải ở Thanh Hóa mỗi ngày có đến hàng trăm tấn được đem đi chôn. Dù đã có vài nhà máy xử lý rác nhưng chưa có một địa điểm nào thực hiện tốt.

Cụ thể, tại thị xã Bỉm Sơn có 1 nhà máy công suất 1 – 2 trăm tấn/ngày nhưng hoạt động cầm chừng. Tại huyện Hoàng Hóa cũng có 1 nhà máy (công suất 100 tấn/ngày) nhưng đến nay cũng đang trong tình trạng “sống dở,chết dở”. Trên địa bàn TP Thanh Hóa và vùng giáp ranh đang tồn tại 2 núi rác khổng lồ, một nằm ở phường Phú Sơn (khoảng 300.000 ngàn tấn) và “đại công trường rác” tại xã Đông Nam (huyện Đông Sơn). Do chưa có nhà máy xử lý, nên mỗi ngày có khoảng 500 tấn rác được đem chôn lấp.

Rác đang ngày một quá tải ở Thanh Hóa

Theo quan sát của PV, bãi rác phường Phú Sơn đã đóng cửa, còn bãi rác xã Đông Nam, cứ thời gian ngắn lại phải đào thêm hố chôn mới. Cứ đà này, nếu không kịp thời xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nguy cơ tỉnh Thanh Hóa…hết chỗ chôn rác đã nhãn tiền.

Được biết cách đây khoảng 10 năm, Dự án xây dựng 1 nhà máy xử lý rác tầm cỡ tại xã Đông Nam đã manh nha, chính quyền tỉnh cũng đã tạo mọi điều kiện về hạ tầng cho nhà máy như: Điện, đường và mặt bằng sạch. Nhưng đến nay, việc làm này vẫn chỉ là dựng được mỗi 1 tấm biển quảng cáo.

“So bó đũa, có chọn được cột cờ”

Trước sức ép về rác thải và môi trường, đầu tháng 3/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra thông báo, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư dự án nhà máy rác thải tại xã Đông Nam. Điều kiện phía tỉnh Thanh Hóa đưa ra là: Nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, phải có nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động ở Việt Nam và có năng lực đầu tư nhà máy rác thải công xuất 500 tấn/ngày. Hết thời hạn, đã có bốn năm doanh nghiệp nộp hồ sơ xin đầu tư xây dựng nhà máy. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban ngành lại một phen…bắt tay vào cuộc.

Dự án nhà máy xử lý rác thải đã từng được triển khai nhưng đến nay vẫn chỉ trên giấy.

Được biết, tỉnh Thanh Hóa sắp “chọn mặt gửi…rác thải” cho Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Ecotech và Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành (Ecotech – Tín Thành). Điều đáng nói là trong quá trình xem xét hồ sơ, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra những hạn chế của Ecotech – Tín Thành (tại văn bản số: 1541/SKHĐT-KTĐN ngày 29/4/2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá): Xử lý rác thải thành phân vi sinh – tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và văn bản gửi Ecotech – Tín Thành – công văn của tỉnh Thanh Hóa đã bị bưu điện trả lại vì…không có địa chỉ người nhận.

Điều nực cười tiếp theo là: Dù đã chỉ ra những hạn chế của Ecotech – Tín Thành, nhưng không hiểu vì nguyên nhân nào, UBND tỉnh Thanh Hóa lại cử đoàn công tác “khăn gói quả mướp” đi thăm nhà máy xử lý rác thải của Tín Thành tại Ninh Thuận và Yên Bái. Sau đó tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản thông báo (số 71-TB/VPTU ngày 18/7/2016) với nội dung cơ bản chấp chấp thuận cho Ecotech – Tín Thành làm nhà đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam.

Theo tìm hiểu của PV, 2 địa điểm mà đoàn công tác của tỉnh Thanh Hóa đi thăm quan (theo sự giới thiệu của Ecotech – Tín Thành) tại Yên Bái và Ninh Thuận – là nhà máy của một Công ty có tên là…Nam Thành. Còn Ecotech là một doanh nghiệp mới được thành lập tháng 3/2016.  Việc lựa chọn ai là nhà đầu tư là quyền của ông chủ – điều này vạn năm nữa vẫn không sai. Điều đáng bàn là việc tỉnh Thanh Hóa chọn Ecotech – Tín Thành làm nhà đầu tư nhà máy rác thải Đông Nam…”hình như” đang đi ngược?

Câu chuyện chọn nhà đầu tư cho nhà máy xử lý rác tại xã Đông Nam, tỉnh Thanh Hóa đã  từng  “ngậm quả đắng” 1 lần. Và với việc lựa chọn Ecotech – Tín Thành lần này, nguy cơ người Thanh Hóa “ngậm quả đắng” 1 lần nữa là…không nhỏ!

 Những năm qua, tại Việt Nam đã có một số tỉnh, thành phố đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải thành phân vi sinh nhưng đều phải đóng cửa. Có cả những nhà máy dùng hàng chục triệu USD nguồn vốn ODA, như nhà máy Thanh Hà (vốn tỉnh Hải Dương bỏ ra đối ứng khoảng 77 tỷ đồng), Đình Vũ (Hải Phòng) (28 triệu USD)…Công nghệ xử lý rác thành phân vi sinh đã được ứng dụng tại Việt Nam khoảng 10 năm, tuy nhiên đến nay đều đề xuất chuyển sang công nghệ đốt tiêu hủy. Do phân vi sinh sản xuất ra chất lượng không đảm bảo, không có thị trường tiêu thụ, gây ô nhiễm môi trường.

 

 

 

Anh Đức/Congluan.vn

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân