Hotline:
Banner
Tin Nóng

Thanh Hóa: Hiểm họa từ hoạt động khai thác đá của DN Quỳnh Kim

02 Tháng Tám 2016 10:16:10 CH

Moitruong24h - Theo quy trình kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho việc khai thác đá thì các DN phải khai thác theo kiểu cắt tầng, phân lớp, làm từ trên đỉnh xuống đến chân núi. Thế nhưng vì lợi ích trước mắt mà Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Kim (Doanh nghiệp Quỳnh Kim) khai thác đá tại núi Bền, xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc đã bỏ qua quy định trong khai thác để lại vách đứng rất nguy hiểm, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn lao động, khiến cho người dân nơi đây hoang mang, lo sợ…

Theo Giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất số 488/GP – UBND ngày 14/12/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa tại Điều 1 ghi rõ: Cho phép Doanh nghiệp Quỳnh Kim được khai thác, chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và tận thu đá khối sản xuất đá ốp lát tại núi Bền, xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc với diện tích mỏ 30.000m2, thời hạn khai thác là 30 năm.

Cũng tại Điều 2 nêu rõ trong quá trình khai thác, phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ, an toàn vật liệu nổ; phải có các biện pháp phòng, chống sự cố, bảo đảm an toàn lao động và các quy định khác có liên quan trong khai thác mỏ.

Như vậy trong giấy phép đã nêu rõ việc khai thác phải theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo an toàn lao động, nhưng phía Doanh nghiệp Quỳnh Kim đã phớt lờ các quy định và khai thác theo kiểu ăn xổi có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn lao động bất cứ lúc nào như đã được báo trước…

Công nhân đang “ vắt vẻo” trên vách đá cao ngút

Có mặt tại mỏ đá núi Bền của Doanh nghiệp Quỳnh Kim, chúng tôi bắt gặp tốp thợ đang đu mình trên vách đá dựng đứng để khoan lỗ nhồi mìn. Từ dưới nhìn lên vách đá dựng đứng cao chừng 40 đến 60m, những người thợ khoan chỉ là chấm nhỏ li ti giữa những khối đá to lởm chởm. Phía dưới chân núi là máy xúc, xe ô tô và những người thợ đang dùng búa, máy khoan để xẻ những tảng đá lớn mà không có trang thiết bị bảo hộ lao động. Bên cạnh là khu vực xưởng xẻ, từ nước thải, bột đá chảy tràn lan không hề được xây bể lắng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Một người công nhân khai thác đá tại mỏ đá núi Bền cho biết: “Làm nghề này bạc lắm chú ạ, chết lúc nào cũng không biết. Tất cả các mỏ đá trên này làm gì có khai thác theo quy trình như chú nói, mà ông chủ đều bắt chúng tôi khoan, nổ mìn từ dưới lên trên thì mới dễ dàng có được những khối đá đẹp, mà đây người ta gọi là khai thác theo kiểu truyền thống. Tiết kiệm thời gian và giảm chi phí. Còn chú bảo mở đường đi lên khai thác từ trên xuống dưới thì chủ mỏ đá họ phải chi phí tốn nhiều tiền lắm, lại mất nhiều thời gian. Làm nghề khai thác đá này rất nguy hiểm nhưng vì không có việc làm nên chúng tôi cứ nhắm mắt mà làm thôi”.

Mọi hoạt động khai thác nằm ngay cạch vách đá dựng đứng

Nước sản xuất chảy về hồ có màu trắng bạch từ bột đá


Trao đổi với Phóng viên Báo TN & MT ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Minh cho biết: “ Trong quá trình khai thác, chế biến đá Doanh nghiệp Quỳnh Kim chưa tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước như khai thác không đúng quy trình để lại nhiều vách đứng. Tại xưởng máy xẻ chưa xây dựng bể lắng, để nước thải chảy tràn ra môi trường, UBND xã Vĩnh Minh đã nhắc nhở Doanh nghiệp nhiều lần nhưng Doanh nghiệp chưa thực hiện”.

Bài học sạt lở mỏ đá ở Yên Lâm cuối năm 2015 gây chết 8 người đang còn đó. Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra tình trạng an toàn để đưa mỏ đá về trạng thái an toàn.


                                                                                         

 

 

 

 Tùng Minh/Báo TN & MT

 

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân