Hotline:
Banner
Tin Nóng

Hiểm họa rình rập từ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật

26 Tháng Bảy 2016 10:47:12 CH

Moitruong24h - Những năm gần đây, người nông dân sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để diệt trừ các loại sâu bệnh, côn trùng có hại cho cây trồng.

Thế nhưng, trong quá trình làm việc, không ít người đã chủ quan, coi nhẹ các biện pháp bảo hộ lao động, thậm chí sau khi phun thuốc, họ còn vứt bừa bãi các loại bao bì thuốc BVTV ra ngoài đồng ruộng. Việc làm này đã để lại những hệ lụy xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của chính người sử dụng và cả cộng đồng.

Độc hại và ô nhiễm nghiêm trọng

Tại thửa ruộng khu 16 xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, chúng tôi gặp bà Đặng Thị Bền đang phun thuốc diệt cỏ cho ruộng lúa mới cấy của gia đình. Nhìn cách bà Bền làm việc, chúng tôi không khỏi rùng mình. Bằng đôi tay trần, bà nhanh chóng vặn nắp vỏ chai thuốc diệt cỏ có nhãn hiệu VIFOSAT, dung tích 1 lít, rồi đong chúng theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Trong lúc pha chế, không ít lần bà bị loại thuốc độc chết người này rơi vào tay, chân. Nguy hiểm hơn, quá trình phun thuốc, thỉnh thoảng gặp phải cơn gió quẩn bất ngờ, làn “mưa bụi" thuốc diệt cỏ táp thẳng vào gương mặt khắc khổ không hề được bảo hộ của bà.

Khi chúng tôi hỏi tại sao không sử dụng khẩu trang hay mặc áo bảo hộ lao động cho khỏi độc hại, bà Bền cười thật thà: “Ôi trời, dùng mấy cái thứ đấy nóng nực, vướng víu lắm. Đeo khẩu trang thì lại khó thở, bức bách. Tôi làm mãi thế này quen rồi”.


Bình phun thuốc trừ sâu được người dân sục rửa và đổ thẳng xuống mương. 


Rồi tiện tay, bà vứt luôn vỏ chai thuốc diệt cỏ bằng thủy tinh xuống miệng cống gần đó. Vừa tiếp xúc với mặt nước, dung dịch màu trắng đục bên trong vỏ chai nhanh chóng loang trắng ra xung quanh, mùi hóa chất nồng nặc bốc lên.

Quan sát dọc đoạn mương nước gần đó, chúng tôi thấy rất nhiều vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Cứ nghĩ tới việc nguồn nước ô nhiễm này sẽ ngấm xuống đất, hòa vào mạch nước ngầm, rồi lại được hút lên qua hệ thống các giếng khoan để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của con người, chúng tôi thấy lạnh cả sống lưng.

 “Gậy ông lại đập lưng ông”

Đến thôn Cao Xá, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ chúng tôi gặp bà Cao Thị Thường (73 tuổi) tập tễnh bước đi cùng chiếc gậy tre, bàn chân phải không còn nguyên vẹn. Hỏi thăm thì bà cho biết, cách đây mấy tháng, trong lúc đi làm đồng, lội qua con mương gần nhà, bà Thường vô tình giẫm phải vỏ chai thuốc diệt cỏ bằng thủy tinh bị vỡ, vết thương khá sâu nơi lòng bàn chân. Nghĩ đơn giản, bà Thường chỉ rửa qua loa rồi băng lại. Nào ngờ, vài hôm sau, vết thương bị nhiễm trùng, sưng tấy khiến bà không thể đi lại được. Đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khám và điều trị, các bác sĩ kết luận bà Thường bị nhiễm trùng uốn ván, vết thương đã hoại tử, buộc phải cắt bỏ một nửa bàn chân. Bà Thường ngậm ngùi: “Cũng chỉ tại ý thức của người dân mình kém quá. Ai lại vứt mấy vỏ chai thuốc sâu độc hại ấy xuống mương bao giờ…”.

Được biết, trường hợp như bà Thường tại nhiều vùng nông thôn ở Phú Thọ không phải hiếm. Tuy chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào, nhưng rõ ràng đây là một ẩn họa rất đáng lưu tâm.

Cần có biện pháp tuyên truyền tích cực

Thuốc BVTV là loại thuốc độc dùng để tiêu diệt sâu bệnh, sinh vật có hại đối với cây trồng. Vì thế, nếu không sử dụng đúng liều lượng, nồng độ, những chất độc hoàn toàn có thể làm chết những thiên địch có lợi. Không chỉ có vậy, môi trường mà thuốc BVTV lan truyền là môi trường mở,  vì thế nó dễ dàng xâm nhập vào môi trường khác như nước, đất, không khí… gây hại cho sức khỏe con người.

Đánh giá của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những năm gần đây cho thấy, tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc BVTV chưa được quản lý chặt chẽ mà chủ yếu là tự phát, rất tràn lan, thiếu kiểm soát. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm nước ta sử dụng tới khoảng 35.000 đến hơn 100.000 tấn hóa chất BVTV, kéo theo lượng bao bì, vỏ đựng khổng lồ, đa phần là những loại vật liệu không tự phân hủy, gây hại đến môi trường xung quanh. Đặc biệt, phần lớn các vùng sản xuất nông nghiệp, tình trạng sử dụng thuốc BVTV của nông dân trên các loại cây trồng đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng ô nhiễm môi trường vì rác thải thuốc BVTV ở một số vùng nông thôn đã ở mức báo động. Người nông dân sau khi sử dụng thuốc BVTV thường có thói quen vứt vỏ chai, bao bì tùy tiện ngay tại đồng ruộng, dưới mương nước, ao hồ; một số hộ còn tiêu hủy cùng với rác thải sinh hoạt.

Ông Hồ Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Ô nhiễm do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng. Đây là những hợp chất hữu cơ độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, rất bền trong môi trường nên khó phân hủy sinh học, trong đó chủ yếu là các loại hóa chất thuộc nhóm POPs như: DDT, 666, Aldrin... Những hóa chất này theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt, hoặc tiềm ẩn trong không khí, thức ăn, nước uống, là một trong những tác nhân gây ung thư điển hình.

Để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải thuốc BVTV, cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó ý thức sử dụng của người nông dân là quan trọng nhất. Vì vậy, ngoài việc hướng dẫn bà con nông dân sử dụng hiệu quả, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền để bà con thấy tác hại của thuốc BVTV, từ đó sử dụng đúng cách, thu gom bao bì, tiêu hủy đúng quy định. Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng những trung tâm xử lý rác thải thuốc BVTV và các chất độc nguy hiểm. Làm được điều này sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống ở địa phương cũng như sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

 

 

 

 

 

Nguyễn Hồng Sáng/ QĐND

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân