Moitruong24h - Hiệp định TPP tiếp mạch cho sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư ngành nguy cơ ô nhiễm cao vào Việt Nam như dệt nhuộm, giấy, sắt thép…
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, môi trường, quy định và giám sát xử lý nước thải của Việt Nam thiếu chặt chẽ, doanh nghiệp (DN) có thể “lách”. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, nếu xảy ra ô nhiễm, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.
Hàng loạt dự án “khủng”
Thực tế hoạt động tại Việt Nam, nhiều dự án (DA) ngành dệt, nhuộm, giấy, sắt thép gây ô nhiễm môi trường. Cty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (Trung Quốc) tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã 7 lần bị niêm phong từ 2010 đến nay do xả thải trái phép.
Công ty tự ý xây dựng phân xưởng nhuộm công suất 1.100 tấn/năm. Xả thải chưa qua xử lý ra hồ Đá Đen, nơi cung cấp nước sạch cho 90% người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 30/6 vừa qua, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu đóng cửa xưởng nhuộm.
Gần đây nhất, người dân thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn-Hải Dương) gửi đơn tới cơ quan chức năng kêu cứu, vì môi trường bị ô nhiễm nặng nề từ 2 công ty tại địa phương do người Trung Quốc sở hữu (gồm Cty Cổ phần luyện kim Tân Nguyên và Cty TNHH nhôm Tân Đông). Khói bụi, khí thải có mùi hôi, tanh nồng do 2 công ty xả thải gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Tỷ lệ người mắc bệnh hô hấp tăng nhanh.
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), đánh giá, khi phân cấp quản lý, các địa phương không đủ năng lực giám sát, thậm chí “thiếu minh bạch” trong quá trình quản lý. Hơn nữa quy định và giám sát xử lý nước thải thiếu chặt chẽ, DN có thể “lách”.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (FIA- Bộ KH&ĐT), TPP trở thành “thỏi nam châm” thu hút vốn vào ngành dệt may, giấy, với hàng loạt DA vốn đầu tư “khủng” từ Trung Quốc, Đài Loan... Trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký năm 2015, dệt may chiếm khoảng 3,5 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm 2016, ngành dệt may có 83 DA, trong đó ngành dệt gần 50 DA.
Có thể kể đến một số DA “khủng” như: Cty TNHH Hyosung (Thổ Nhĩ Kỳ) đầu tư sản xuất, gia công các loại sợi như vải mành, nylon, polyester, sợi để sản xuất thảm…tại Đồng Nai, trị giá 660 triệu USD. DA của Cty TNHH Worldon Việt Nam tổng vốn 300 triệu USD do nhà đầu tư British Virgin Islands tại TPHCM, sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp. DA Cty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam với tổng vốn 274,2 triệu USD tại khu công nghiệp (KCN) Bình Dương để sản xuất xơ tổng hợp polyester.
Riêng nhà đầu tư Trung Quốc có 3 DA lớn gồm: Xây KCN dệt may tại Nam Định 400 triệu USD; DA 300 triệu USD của Texhong tại Quảng Ninh và DA 200 triệu USD của TAL tại Hải Dương. DA của Cty TNHH nhà máy giấy Đại Dương (Đài Loan) đầu tư 220 triệu USD, sản xuất các loại Giấy Duplex, giấy Kcraf, giấy gia dụng tại Tiền Giang.
Theo ông Lưu Bích Hồ, mặt bằng công nghệ của Trung Quốc tốt, nhưng chúng ta phải giám sát công nghệ chuyển sang Việt Nam có đúng ở nước họ đang sử dụng, hay chỉ là công nghệ cũ, đồ phế thải. Hiện, chính sách thu hút FDI của Việt Nam đã lạc hậu, nên điều chỉnh lại. Tiêu chuẩn công nghệ, môi trường cần rõ ràng hơn. Nhà nước phải giám sát được việc nhập thiết bị, công nghệ, không nên “phó mặc” cho nhà đầu tư.
“Việt Nam đã đến thời kỳ thu hút FDI có chọn lọc. Việc quản lý các DA đầu tư vào Việt Nam (đặc biệt ngành nguy cơ ô nhiễm cao) cần được siết chặt hơn theo đúng quy trình, tiêu chuẩn môi trường đã đặt ra”, ông Lưu Bích Hồ đánh giá.
Nguy cơ “vết xe đổ” ô nhiễm
Để tạo điều kiện thu hút đầu tư ngành dệt may và thuận lợi trong xử lý nước thải, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch ngành giai đoạn 2035-2040, xây dựng KCN dệt may từ 500-1.000 ha để kêu gọi đầu tư sản xuất vải, sợi, nhuộm. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã kiến nghị Thủ tướng xem xét đề xuất của Hiệp hội Dệt may.
Trong khi đó, đánh giá các ngành nguy cơ ô nhiễm cao vào Việt Nam, (nhất là DA dệt may đến từ Trung Quốc), ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng FIA cho rằng, do phát triển nóng ngành dệt may, Trung Quốc đang phải trả giá đắt, môi trường ô nhiễm nặng nề. Vì vậy, Việt Nam phải cẩn trọng với các DA dệt may của nhà đầu tư Trung Quốc, tránh rơi vào “vết xe đổ” về ô nhiễm môi trường.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)- TS Nguyễn Đức Thành, chi phí xử lý nước thải ngành dệt nhuộm, sắt thép lớn. Việc quản lý, giám sát xả thải rất khó, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Các nước phát triển làm tốt việc giám sát quản lý nên xu hướng DN ngành này “chạy” sang Việt Nam.
“Nếu không xử lý DN gây ô nhiễm một cách nghiêm minh, đảm bảo cơ chế bảo vệ môi trường hữu hiệu, thiệt hại cho xã hội và người dân vô cùng lớn, đe dọa cuốn trôi nỗ lực tăng trưởng và ổn định kinh tế xã hội”, ông Thành đánh giá.
Trong khi đó, Thạc sĩ Đinh Đức Trường-Trưởng nhóm Nghiên cứu tác động môi trường của DN FDI của Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết: Nhiều DN có công đoạn xử lý nước thải phức tạp, công nghệ cao. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không giám sát được điều này, họ “bỏ qua” để tiết kiệm chi phí 80 triệu đồng/ngày.
Nói về câu chuyện môi trường tại hội nghị ngành Công Thương vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vụ việc cá chết ở miền Trung do Cty Formosa xả thải để lại bài học thu hút đầu tư để tăng trưởng.
“Tôi đề nghị lãnh đạo các bộ, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhà nước và nhân dân, nếu để xảy ra thảm họa môi trường tiếp theo. Chính phủ kiên quyết bảo vệ môi trường, kể cả môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường cạnh tranh. Đặc biệt là môi trường sống của người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Theo Vnreview
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân