Quê tôi bên con sông Đáy. Nước trong. Trôi lững lờ. Sông Đáy nông, nên mùa hè bọn trẻ thường nô đùa.
Thú nhất là những buổi chiều, đi “dận” trai sông Đáy. Trai sông Đáy nhiều. Cứ chân nọ chân kia dận xuống đáy sông, thấy cồm cộm như chạm phải viên đá sỏi. Ấy là chạm vào trai. Lặn xuống mò lên, thế nào cũng vớ được chú trai múp míp. Dận cỡ một giờ, đã có một rổ đầy. Trai sông Đáy ăn ngọt thịt. Nấu canh hay nấu cháo đều ngon. Đêm hè mà có nồi cháo trai ăn, thì thật đã đời.
Ở quê tôi, trừ những nhà quá nghèo, còn nhà nào cũng xây một cái bể to trước sân. Có khi xây bể trước, xây nhà sau. Là vì sợ xây nhà quá đà, không còn vật liệu để xây bể nữa. Những thân cau thẳng được chẻ đôi, cạo nhẵn, làm máng hứng nước thì thật tuyệt. Cũng có nhà dùng thân bương, đục đốt cho thông suốt, làm máng hứng nước mưa.
(Ảnh minh họa/nguồn Internet)
Khi trời mưa to, nước hứng lúc đầu xả bỏ. Khi nào nước trong vắt, mới cho vào bể. Nước mưa để trong bể, có vòm che kín, mùa hè mát lạnh. Mỗi khi đi làm đồng về, lấy gáo dừa, múc một gáo nước mưa mà uống, thấy tỉnh người. Ngày xưa, uống nước mưa là chuyện bình thường.
Nước mưa dùng để đun chè tươi, nụ vối, uống đậm đà hơn thứ nước khác. Thú vui của các lão nông, “bắn” một điếu thuốc lào, chiêu một ngụm nước chè xanh nống, đậm đặc, là đủ xua tan mọi mệt nhọc. Những nhà nghèo, lại có cách hứng nước mưa kiểu khác. Ấy là để một cái chum to dưới gốc cây cau.
Quê tôi vườn nhà nào cũng trồng cau. Có nhà hàng mấy chục gốc cau. Nhà ít, cũng phải dăm gốc. Bó một cái mo cau hoặc lá cau quanh thân, đầu máng chĩa vào miệng chum. Khi trời mưa, nước từ tán lá chảy xuống thân cau, rót vào chum tới lúc đầy tràn. Trời tạnh ráo, chum được che đậy bằng một mê nón rách.
Khi nào dùng nước, mở mê nón, thả gáo dừa múc ra chậu, ra thau. Nước mưa hứng như vậy, vừa ngọt vừa lành. Có nhà quanh năm chỉ dùng nước mưa, trừ tắm giặt. Ao làng, vốn là nơi vui chơi của lũ trẻ. Nước ao trong. Bao giờ mặt ao cũng có lấm tấm cánh bèo. Bèo tấm hoặc bèo hoa dâu. Bèo không bao giờ phủ kín mặt ao.
Hình như có người luôn chăm chút cho mặt ao thoáng và sạch. Cũng có thể ngày xưa, nhà nào cũng nuôi lợn, nên cái món bèo không thể thiếu trong nồi cám lợn. Ao làng còn là nơi thả rau muống. Chỉ là “bè rau” nhỏ nhoi quanh bờ ao. Những ngọn rau non, múp míp, nõn nà, trông thật thích mắt.
Dường như những thứ sinh vật trên mặt ao, chỉ làm cho nước ao trong hơn, sạch hơn. Mà không hiểu sao, ao làng luôn sạch, không hề có rác rưởi vứt bừa bãi như bây giờ. Giếng làng đặc biệt là nơi sạch sẽ, mát mẻ. Bên cạnh giếng làng, là cây đa cổ thụ, cành lá sum xuê. Giếng được xây gạch nghiêng, bó xung quanh.
Giếng có bậc lên xuống. Những người con gái chân trần, đi gánh nước, thường là một đôi thùng gỗ. Loại thùng được ken bằng thanh gỗ phẳng, hoặc cong, phết sơn ta rất chắc chắn và kín. Nước vục lên, sóng sánh, tạo thành hai vệt nước trên đường làng.
Có lẽ dân làng đã ý thức được sự linh thiêng nơi giếng làng, nên ai cũng giữ gìn cẩn thận. Bởi thế mà giếng làng lúc nào cũng sạch sẽ, nước trong veo và mát rượi. Tôi còn nhớ có một bài hát về dòng nước mát, nghe gợi cảm và ấm áp: “…Làng quê, bao năm vất vả…Mẹ thường mơ, một dòng sông nhỏ, một dòng nước mát chảy quanh xóm quê. Ước mơ xưa, Đảng đã đem về…”.
Dòng nước trong mát. Những con kênh mương hiền hòa. Dòng nước róc rách chảy…Nay dường như chỉ còn trong ký ức mờ xa. Quê tôi bây giờ, con sông Đáy biến thành con sông chết. Nước đen ngòm, nổi váng. Một mùi hôi nồng, rất khó chịu, bốc lên. Những con mương thì thật tai hại. Dòng nước đặc quánh. Một thứ nước còn đen hơn cả nước sông Tô Lịch.
Nước không dám khỏa chân, còn nói gì đến tắm, rửa? Biết bao giờ khôi phục lại được những cái ao làng nước xanh trong, cá tôm bơi lội tung tăng? Biết bao giờ còn có được cái giếng làng, như một chứng tích về văn hóa ở làng quê? Đổi thay, đời sống đi lên, là điều rất cần. Nhưng đừng để mất đi những điều tốt đẹp.
Nguồn: nongnghiep.vn
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân