Hotline:
Banner
Tin Nóng

“Con chăm mẹ không bằng ông chăm bà”

25 Tháng Sáu 2016 8:06:15 CH

Vượt lên trên tất cả mọi khó khăn, ông đang đem đến cho bà mỗi ngày một niềm vui trên chặng đường cuối của cuộc đời họ cùng nhau đi nốt...

Bà là một điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe cho những người già nên đeo đẳng một nỗi ám ảnh sợ tuổi già cô đơn vì bệnh tật. Hai vợ chồng đến tuổi nghỉ hưu, sống già chưa được bao lâu thì bà đổ bệnh. Nỗi ám ảnh ùa về, bà suy sụp nhanh. Nhìn thấy vợ như thế, ông luôn động viên vợ và hứa: “Tôi sẽ không để bà cô đơn!”…

Hàng ngày, sợ bà vẫn mang nặng tư tưởng người bệnh, ông thường ôn lại kỷ niệm ngày mình còn công tác bên nước ngoài, một mình bà ở nhà nuôi dạy 2 con nhỏ. Bấy giờ cuộc sống có nhiều cám dỗ nhưng người vợ trẻ xa chồng là bà đã vượt qua. Thấm thía được sự vất vả của vợ bao năm qua, ông thương bà lắm. Nhìn cử chỉ ông chăm sóc cho bà, ai cũng cảm động. Ông nhẹ nhàng nâng bà dậy uống thuốc, động viên vợ ăn từng thìa cơm, uống từng hớp sữa. Ban đầu bà tỏ ra chán nản, bi quan, nhất là khi bước vào giai đoạn phải chạy thận. Nhưng ông luôn lạc quan động viên vợ. Khi mắt bà mờ, đi lại, sinh hoạt khó khăn, ông vừa là bác sĩ tâm lý, vừa là đôi mắt của bà.

(Ảnh minh họa)

Ngày qua ngày, ông tự tay chăm chút cho bà từng ly từng tí, giặt từ bộ quần áo đến nấu nướng theo khẩu vị của một người chán ăn do đau ốm lâu ngày. Những điều ấy không dễ dàng gì với một người đàn ông già cả, nhưng chưa bao giờ ông kêu ca nửa lời. Ông không bao giờ để lộ sự mệt mỏi mặc dù có khi nhiều đêm chẳng chợp mắt. Ông vừa là bạn đời, vừa là thầy thuốc, lại vừa là “bác sĩ tâm lý” của bà. Hàng ngày, ông đo huyết áp, cho bà uống thuốc đều đặn, đúng giờ, thử tiểu đường, tiêm thuốc. Ai đến chơi cũng khuyên ông già rồi cứ nghỉ ngơi, chuyện chăm sóc bà hãy để con cháu hỗ trợ, hoặc thuê người giúp việc, nhưng ông trước sau nói: “Ngày còn trẻ người ta dành tình yêu cho nhau. Khi về già, tình yêu đó biến thành tình thương và trách nhiệm. Người ốm sợ nhất sự ghẻ lạnh, cô đơn và sợ người khác xem mình là gánh nặng”.

Già yếu, ốm đau là điều không ai mong muốn nhưng nó vốn là quy luật của cuộc đời. Ở chặng đường cuối khó khăn ấy, tình cảm vợ chồng dành cho nhau càng đáng quý biết bao. Ông vẫn thường nói: “Còn bà còn ông là còn phúc, được chăm sóc nhau cũng là phúc phần của ông”. Giờ các con của ông bà đã lớn, có gia đình. Đứa nào cũng có công việc, cuộc sống riêng bận bịu. Vậy nên ông lúc nào cũng nghĩ: “Thôi thì con chăm mẹ không bằng ông chăm bà”.

Mỗi khi cho bà ăn, hay giúp bà đứng lên, ngồi xuống, ông cũng nở nụ cười. Chính nụ cười ấy đã an ủi, vực dậy tinh thần bà. Đôi mắt bà vui trở lại khi nghe ông nói: “Tôi còn nợ bà nhiều, trả cả đời chẳng thể hết được. Những việc này có là gì đâu so với những gì bà đã làm cho bố con tôi. Ngày xưa bà vất vả một mình nuôi con, chèo chống gia đình, có bao giờ bà than trách một câu! Giờ tôi phải bù đắp, đền đáp cho bà chứ, có gì phải kêu ca. Xem như đây là cơ hội tôi báo đáp, thể hiện tình yêu tôi dành cho bà”.

Mỗi buổi sáng, ông tranh thủ xách làn đi chợ, mua những loại rau bà thích ăn vừa tốt cho sức khỏe, phù hợp cho người tiểu đường, người bệnh thận. Sự lạc quan, niềm tin của ông đã giúp bà khỏe hơn, có thêm nghị lực để chiến đấu với bệnh tật. Nhìn ông nhẹ nhàng nhâm nhi cốc nước trà, vừa thủ thỉ: “Dẫu cho bà có già yếu, ốm đau thì hai thân già cũng luôn bên nhau, nương tựa vào nhau. Được sống cùng, đi với nhau quãng đời còn lại là hạnh phúc lớn nhất”.

Vượt lên trên tất cả mọi khó khăn, ông đang đem đến cho bà mỗi ngày một niềm vui trên chặng đường cuối của cuộc đời họ cùng nhau đi nốt.

 

theo Yến Nguyệt 
(Kim Giang, Thanh Xuân,HN)/phunuthudo.vn

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân