Trong ngôi nhà tình thương, bà sống lủi thủi một mình. Thỉnh thoảng ngồi nhìn lên di ảnh mấy cha con nó, bà lại gạt nước mắt...
Một ngày mưa gió mù mịt, ai đó đập cửa: “Con trai bà bị tai nạn vừa vào viện…”. Bà loạng choạng như đi trên nền đất lún, chụp vội cái nón lá, bắt xe tới bệnh viện. Mưa tầm tã, bà ướt sũng cả người, mắt hoa lên khi nhìn thấy con trai nằm trên giường bệnh trắng toát bông băng.
(Ảnh minh họa)
Trong những phút tỉnh lại sau cơn đau, người con trai lảm nhảm gọi mẹ. Bà ôm con khóc ròng rồi sau đó bắt đầu những ngày tháng ở bệnh viện chăm con. Bà những tưởng chỉ tính bằng ngày, sau đó dần thành tháng, thành năm và nhiều năm. Bệnh của con trai phải sống nhờ bệnh viện, nếu ra khỏi đó là nó chết. Cũng may có cái bảo hiểm hộ nghèo, cộng thêm số tiền bán một nửa số đất ở, hai mẹ con mới duy trì được cuộc sống. Thỉnh thoảng, bà xòe bàn tay rồi nói với mọi người: “Chủ nhà cũng là tôi, đầy tớ cũng là tôi, mẹ nó cũng là tôi mà y tá cũng tôi!”.
Con trai bà phải mổ đi mổ lại đến chín lần, chuyển đi khắp các bệnh viện, đến đâu bà cũng ở bên cạnh. Tài sản của bà còn lại đến nay là một giỏ “đồ hàng” để trong đó đầy đủ tất cả mọi thứ từ ly, chén, bát đũa, bếp gas, bình đựng nước, nồi niêu, đều sẵn sàng, cho lúc “hữu sự” thì xách mà chạy theo con. Lúc đầu, bà còn nằm ngoài hành lang bệnh viện, cứ né qua né lại, dần quen rồi, bác sĩ dành cho bà một cái giường gấp. Suốt ngày bà loay hoay trong bệnh viện, phụ y tá, hộ lý chuyện này, chuyện nọ. Đêm trong bệnh viện, mọi người ngủ hết, bà lọ mọ têm cho mình một miếng trầu nhai bỏm bẻm, trông con ngủ tới sáng.
Có những cái Tết trong bệnh viện, bà ở tới khuya, lau mình, tắm rửa cho con sạch sẽ rồi mới về nhà cúng Giao thừa. Sáng mồng một Tết bà lại vào bệnh viện thật sớm. Gần chục năm liền bà luôn là người “xông đất” bệnh viện. Đời bà là cả một chuỗi ngày gian truân, đau khổ, vất vả. Bà chỉ biết giấu kín trong lòng, không hề kêu ca, phàn nàn.
Bà có chồng năm 20 tuổi, sinh 4 đứa con cả thảy. Cuộc đời bà gắn với cái xóm nhỏ vùng đất bãi ngoại ô ven sông Hồng, từ thuở nó hoang vu, hẻo lánh, nghèo nàn, xơ xác, cho đến nay nó thành phố, thành phường. Ngày xưa nước sông dâng lên ngập có khi đến tận giường, bà cứ hì hục tát nước vì sợ các con bị ướt, thâu đêm như con gà mẹ xòe cánh che chở cho các con. Nhà giống như nhà trẻ, khi tụi nó lớn hơn, nhà lại giống như trại lính vì toàn là giường tầng, đứa dưới, đứa trên. Bà nằm vạ vật đâu đó vừa ngủ vừa canh chừng lo lũ con ngủ mơ ngã xuống nước. Chồng mất, bà một mình nuôi các con vất vả khôn cùng.
Rồi chúng lớn lên, tưởng bà được nhờ con đến nơi. Thằng lớn không may mất sớm. Thằng thứ hai đi làm ăn xa tận Campuchia rồi lấy vợ ở rể luôn. Kinh tế khó khăn lại xa xôi, nó gần như quên mất còn có mẹ đang sống ở quê nhà.
Cô con gái lấy chồng nghèo ở xa. Còn thằng con út lớn lên theo đám bạn xấu ở bãi sông Hồng không chịu làm ăn, tụ tập chơi bời lêu lổng. Bà khuyên cạn lời, nó cũng chẳng nghe. Rồi đêm đó, nó ngồi sau xe một đứa bạn trong tốp đua xe náo loạn phố phường đêm khuya và bị tai nạn để lại cho bà những tháng ngày cơ cực lê la chăm sóc nó trong bệnh viện. Sau này, bà mới biết con trai còn bị nhiễm HIV. Sau mấy năm cùng con chống chọi với bệnh tật, bà đành một lần nữa nuốt nước mắt làm kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.
Trong ngôi nhà tình thương, bà sống lủi thủi một mình. Thỉnh thoảng ngồi nhìn lên di ảnh mấy cha con nó, bà lại gạt nước mắt. Sống gần trọn đời người, bà vẫn chưa biết được thế nào là hạnh phúc.
Theo phunuthud.vn
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân