Hotline:
Banner
Tin Nóng

Nhìn hình ảnh này bạn sẽ giật mình về cuộc sống trẻ em hiện đại

18 Tháng Bảy 2016 1:44:19 CH

Hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người suy ngẫm về cách mà phụ huynh đang để trẻ tự chơi với đồ công nghệ.

Sử dụng smartphone, đồ công nghệ không còn là điều hiếm thấy với trẻ em. Đặc biệt, nhiều phụ huynh đang xem đây như là cách giúp trẻ giải trí hoặc bớt nghịch ngợm. Tuy nhiên, hình ảnh những đứa trẻ chỉ biết nằm trên giường, ngồi trên ghế dán mắt vào những chiếc điện thoại, iPad hay máy tính bảng khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Cư dân mạng vừa chia sẻ hình ảnh của một phụ huynh ghi lại cảnh con cháu trong nhà nằm, ngồi xem di động, máy tính bảng. Người này viết: "Hôm nay được ngày về quê nhà dì em, lên gác thì thấy cảnh tượng này...trước em mà về thì trẻ con tranh nhau ra đón rồi reo hò ầm ĩ, giờ mỗi đứa một góc chẳng đứa nào care (quan tâm) đến em nữa, buồn ơi là buồn".

Trong bức ảnh, những đứa trẻ nằm, ngồi dán mắt vào đồ công nghệ. Hình ảnh này trái ngược hoàn toàn với trẻ em cách đây 5-10 năm. Nếu như cách đây nhiều năm, mỗi khi được về quê, trẻ lại tụ tập chơi các trò chơi vận động hay các trò chơi dân gian. Với cuộc sống hiện đại, những chiếc máy tính bảng hay điện thoại với ất nhiều ứng dụng và các trò chơi hấp dẫn có sức thu hút trẻ hơn bất cứ phương tiện nào khác.

Bức ảnh chụp trẻ trong một nhà dán mắt vào điện thoại (Ảnh Beat)

Một cư dân mạng cho rằng: "Bây giờ đi uống cà phê hay tụ tập ăn uống, người lớn còn dán mắt vào điện thoại. Trẻ con dễ học đòi theo, mà nhiều bố mẹ nghĩ cho con chơi các đồ công nghệ như vậy là đỡ phải quan tâm hay giám sát nên có vẻ yên tâm. Họ không nghĩ rằng như vậy là trẻ không sống đúng nghĩa tuổi thơ của mình. Chưa kể trẻ cứ nhìn sát màn hình điện thoại, máy tính kiểu này chẳng mấy chốc lại cận thị, rồi lại đi phẫu thuật bằng laser này nọ. Khi trẻ bị hớp hồn vào mấy trò chơi công nghệ này khó dứt lắm, rồi về sau bố mẹ cứ tự trách móc vì sao con cái khó dạy bảo, lười học".

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, nickname thuyvu cho rằng: "Trẻ không tự chơi nếu như người lớn không đưa cho trẻ. Nếu người lớn cất ở chỗ kín đáo hoặc nói về chuyện trẻ bị ảnh hưởng như thế nào nếu tiếp xúc quá nhiều với màn hình máy tính, điện thoại thì trẻ sẽ hiểu được. Nhiều bố mẹ thấy con nhăn nhó, càu nhàu hay quấy khóc lại đưa điện thoại, máy tính bảng cho trẻ, tự nhiên bạn đã tự tạo cho trẻ thói quen xấu".

Không ít người tiếc nuối một thời tuổi thơ đáng nhớ với những trò chơi như: đuổi bắt, trốn tìm, ô ăn quan...Khi nhìn lại trẻ con hiện đại, nhiều người không khỏi lắc đầu khi các em không sống đúng với lứa tuổi, quên đi những trò chơi để phát triển các kỹ năng như cách đây vài ba chục năm.

Trẻ sử dụng đồ công nghệ sớm có hại?

Liên quan đến vấn đề này, các bác sĩ chuyên khoa mắt đã từng cảnh báo về tác hại nếu trẻ tiếp xúc quá sớm với đồ công nghệ và tiếp xúc trong thời gian dài. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Emdep.vn, bác sĩ Bác sĩ Đặng Văn Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện mắt Quốc tế DND cho rằng, trẻ sử dụng điện thoại càng sớm và thời gian sử dụng càng nhiều thì mức độ ảnh hưởng nguy hại đến mắt càng tăng lên. Quá trình tiếp xúc kéo dài như vậy có thể dẫn đến tật khúc xạ như cận thị, loạn thị...ảnh hưởng việc học tập của trẻ sau này.

Một điều dễ nhận thấy, khi trẻ xem điện thoại hay máy tính bảng thường tập trung cao độ để theo dõi các hình ảnh động trên màn hình. Do đó, mắt trẻ phải điều tiết, ít chớp mắt dẫn đến khô mắt và nhức mỏi.

Khảo sát của Đại học Boston (Mỹ) cho hay, có tới 75% số gia đình ở Mỹ cho trẻ sử dụng đồ công nghệ trong phòng ngủ. Vì vậy, có 75% số trẻ từ 9-10 tuổi bị thiếu ngủ làm ảnh hưởng đến học tập.

Cũng theo các nghiên cứu, sở dĩ đồ công nghệ mà cụ thể là điện thoại có thể gây mất ngủ ở trẻ do ánh sáng của điện thoại tác động tới não. Việc tác động này khiến não không sản xuất đủ chất melatonin. Đây là chất có ảnh hưởng đến dẫn truyền thần kinh để con người đi vào giấc ngủ. Khi giấc ngủ bị ảnh hưởng, cơ thể mệt mỏi và cuộc sống bị đảo lộn.

Còn chuyên gia tâm lý học Jim Taylor cho rằng, giao tiếp là điều cơ bản để tạo ra mối quan hệ giữa con người với con người. Tuy nhiên, các biểu hiện giao tiếp đang bị biến mất do các thiết bị công nghệ hiện đại. Theo chuyên gia này, trẻ em đang không phát triển các kỹ năng giao tiếp mà con người đã sử dụng từ xa xưa mà dành thời gian để giao tiếp thông qua các đồ công nghệ.

 

 

 

Đông Ngân/ emdep

 

 

 

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân