Moitruong24h - Sông Lô hiền hòa chảy qua địa bàn xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) với tổng chiều dài là 4,8 km, vốn là nguồn sống của hàng trăm hộ dân địa phương. Nhưng kể từ khi được UBND tỉnh Vĩnh Phúc "ưu ái" cấp phép cho 6 Công ty vào khai thác cát, với danh nghĩa là nạo vét cát khơi thông dòng chảy, khúc sông trở nên "xơ xác", làm ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của hàng trăm hộ dân…
Doanh nghiệp “mạnh tay”, nông dân khóc ròng…!
Người dân sinh sống dọc con sông huyền thoại, hiền hòa đoạn chảy qua địa bàn xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đã không khỏi lo lắng và bất an, khi phải chứng kiến cảnh những lớp đất phì nhiêu cùng những vựa ngô, rau xanh tốt bị lòng sông "nuốt gọn"...
Qua quá trình tìm hiểu được biết, khi các công trình xây dựng được đẩy mạnh, các khu vực nguyên vật liệu xây dựng tiềm năng sớm trở thành những “miếng bánh” trong mắt doanh nghiệp. Bắt đầu từ năm 2014, lần lượt 6 Công ty được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận cấp phép cho khai thác cát trên Sông Lô đoạn chảy qua địa phận xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc).
Ngày 11/08/2010, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định số 2240/QĐ-UBND, về việc phê duyệt dự án cấp phép khai thác khoáng sản, cát sỏi lòng sông Lô cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Ái; sau đó một thời gian ngắn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ra quyết định số 1597/QĐ-UBND (ngày 08/07/2011) phê duyệt và cấp phép khai thác khoáng sản, cát sỏi lòng sông Lô cho Công ty Cổ phần khai thác và chế biến Lâm Khoáng Sản Hoàng Phát. Đến ngày 12/11/2014 tại quyết định số 3320/QĐ-UBND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt dự án và cấp phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng) thu hồi khoáng sản dự án: nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa trên lòng sông Lô đoạn từ km 20+00- km 30+00 cho Công ty TNHH Xây dựng phát triển hạ tầng Vân Nội.
Bước sang năm 2015, có 3 công ty tiếp tục được chấp thuận “đặt vòi rồng” xuống lòng sông Lô: Mở đầu là vào ngày 27/04/2015 UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép số 1051/GP-UBND phê duyệt, cấp phép cho Công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc khai thác cát, sỏi trên dòng sông lô làm vật liệu xây dựng. Sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ký giấy phép số 2449/GP-UBNĐ (ngày 10/09/2015) cho phép Công ty Cổ phần khoáng sản Đông Dương AVA khai thác cát sỏi trên lòng Sông Lô làm vật liệu xây dựng. Còn tại giấy phép số 2741/GP-UBND (ngày 07/10/2015), của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc cho phép công ty cổ phần xây dựng và đầu tư Phúc Lợi Hà Nội khai thác cát, sỏi trên lòng sông Lô địa phận qua xã Đôn Nhân.
Sau khi được hợp lý bằng những giấy phép của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, 6 Công ty cho hàng chục chiếc tàu hút cát hoạt động hết công suất, “oanh tạc” khúc sông không thương tiếc. Bởi, theo lãnh đạo địa phương thì, mặc dù các quy định trong nội dung giấy phép được cấp của các Công ty đã ghi rất rõ, nhưng các Công ty khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng không tuân thủ đúng giấy phép. Một số sai sót dễ dàng nhận thấy như: Chưa đặt phao và cắm mốc chỉ giới, khai thác sai địa điểm được cấp phép, có nhiều đơn vị khai thác chồng lấn lên nhau, cộng thêm tình trạng một số tàu, thuyền khai thác không rõ của đơn vị nào nên dẫn đến sạt lở...
Chỉ vào khu vực này, một người nông dân buồn rầu “Trước đây khu vực này là bãi ngô xanh ngát một màu…!”
Có thời điểm các tầu lớn hút cát cùng một lúc, khiến khúc sông nhộn nhịp như một công xưởng khai thác, có những chiếc tàu vươn "vòi bạch tuộc" của mình cắm thẳng vào chân đê để khai thác. Hàng nghìn khối cát được đưa khỏi mặt nước, "biến" thành tiền “chảy” vào túi doanh nghiệp, điều đó đồng nghĩa với hàng trăm hecta đất nông nghiệp màu mỡ ven sông Lô “rơi tõm” xuống lòng sông, nông dân mất trắng…
Ông Nguyễn Đức Thịnh (Phó chủ tịch UBND xã Đôn Nhân) tại buổi tiếp xúc với báo chí cho biết: Việc sạt lở bãi bồi ven sông Lô đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, nguyên nhân của sự việc này là do các đơn vị khai thác cát, sỏi dưới lòng sông. Chính việc khai thác ồ ạt của các Công ty, đã dẫn đến tình trạng các kè chống sạt lở dù đã được Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng đã có hiện tượng sụt lún chân kè, nhiều đoạn thân kè cũng bị nứt vỡ. Đây là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đến hành lang, và an toàn thoát lũ ven sông, cũng như tính mạng và tài sản của bà con nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, rất khó để xử lý vì hầu như các đơn vị doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn đều được cấp phép…
“Nông dân chúng tôi còn khổ đến bao giờ?”
Đó là tiếng kêu như xoáy vào lòng Phóng viên tại buổi tiếp xúc giữa nhóm Phóng viên với bà con nông dân xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), họ vẫn luôn mong đợi một tiếng nói, một việc làm thiết thực của lãnh đạo địa phương, để quyền lợi của những người nông dân được đảm bảo “Chúng tôi không quan tâm đến việc họ khai thác cát, đá hay khoáng sản gì gì đó. Họ khai thác được bao nhiêu? Kiếm được bao nhiêu tiền bạc, mua được bao nhiêu vàng. Chúng tôi chỉ mong có cuộc sống yên bình với bữa cơm đạm bạc, vậy mà cũng không được. Người nông dân chúng tôi còn phải khổ sở đến bao giờ nữa đây…?” ông Nguyễn Văn T nghẹn ngào.
Kể từ ngày "đội quân" hút cát của 6 Công ty vào “oanh tạc” khúc sông Lô, vùng đất vốn dĩ yên bình trở nên xáo trộn. Mỗi ngày, có hàng chục chiếc tàu, sà lan lớn đi vào khúc sông để hút cát. Được hợp lý bởi “tấm bùa” hộ thân là giấy phép nạo vét lòng sông, khai thác khoáng sản mà các Công ty được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép đã bất chấp vấn đề môi trường, dòng chảy của con sông cũng như cuộc sống người dân địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do quá trình khai thác cát đưa lại.
Mặc cho tiếng kêu xót của nông dân, những chiếc tàu lớn vẫn vươn vòi “bòn rút” tài nguyên trên sông Lô.
Chính việc vươn “vòi rồng” hút chân, “ăn sâu” vào bên trong khu vực đất nông nghiệp của người dân tạo nên những “hàm ếch” cực kỳ nguy hiểm. Quan sát dọc đoạn sông, có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng. Các hộ dân đứng trên bờ không khỏi xót xa khi “Công sức bỏ ra sau nhiều ngày dầm mưa dãi nắng để vun trồng cho luống rau nhà mình xanh tốt, đợi đến ngày thu hoạch, thì bị sạt lở cuốn trôi xuống dòng sông chảy xiết…!” anh Nguyễn Thế H (một người nông dân địa phương) buồn rầu.
Bỗng dưng lâm cảnh mất mùa, mất đi tư liệu sản xuất, công sức làm lụng bấy lâu bị người khác chiếm mất. Nhìn vào vị trí mà cách đây không lâu, nó là những thửa ruộng xanh ngát, giờ chỉ còn là bãi bồi và nước mà đau đớn “Tình trạng sạt lở “ăn sâu” vào đất canh tác của bà con nông dân đã kéo dài từ nhiều tháng nay, có nơi đã lấn sâu vào đất canh tác từ 20- 30m, có những điểm sạt lở mạnh thì lên đến 40- 50 m. Nhiều gia đình cũng vì thế mà lâm cảnh mất trắng, công sức bỏ ra không được thụ hưởng, giờ đây lại mất đất canh tác, không biết rồi người nông dân chúng tôi lấy gì để sống qua ngày đây. Thật là đau đớn quá các chú ạ..!”
Khi cuộc sống mưu sinh bị đe dọa, họ đã tìm đến “phụ mẫu” của mình, hàng chục lá đơn được biên bằng những lời lẽ thống thiết gửi lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, nhưng tất cả đều chìm trong im lặng…?!.
Cầu cứu đến “phụ mẫu”, nhưng có lẽ tiếng kêu yếu ớt của dân nghèo đã không thể làm lay động trái tim của những người được cho là “công bộc” của mình. Không thể thảm thương đứng nhìn “niêu cơm” bị kẻ khác giằng đi mất, bằng sự tự vệ yếu ớt của mình, người dân đã tự đứng lên. Một cuộc chiến không cân sức giữa những người nông dân xưa nay chỉ biết cần mẩn với ruộng đồng, với một bên “mạnh vì gạo” nổ ra. Họ đã chứng tỏ được “sức dân” mạnh như thế nào? Khi tổ chức thu giữ một chiếc thuyền sắt dùng để di chuyển của những người hút cát, sau đó đã bàn giao lại cho công an huyện Sông Lô, những chiếc Mỏ Neo của tàu Cát cũng bị thu giữ và lưu tại nhà văn hóa thôn…
Bà Nguyễn Thị A (người ở xã Đôn Nhân) lo lắng “Nhà tôi có hơn một sào đất, vì bị sạt lở chân đê mà mất đi phần nửa rồi! Nồi cơm của gia đình chúng tôi trôi xuống lòng sông sâu mất rồi! Mong sao các bác ở trên lưu tâm, để chúng tôi lại được yên ổn làm ăn…!”
Hàng trăm mét đất canh tác đã "biến mất" Tại báo cáo mới nhất số 62/BC-UBND ngày 18/03/2016 của UBND xã Đôn Nhân gửi lên UBND huyện Sông Lô và các cơ quan nêu rõ “Tại thời điểm ngày 26/02/2016, tổng sạt lở đất canh tác và kè Áp Trúc tại thời điểm đó: đất canh tác là 202m, kè Áp Trúc bị sạt lở 62m, điểm sạt lợ rộng nhất là gần 10m |
Ngày 5/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT- TTg về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ, năm 2015 số vụ tai nạn giao thông đường thủy tăng 21,77%, số người chết tăng 20,34%, số người bị thương tăng 44,44% so với năm 2014. 6 tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông đường thủy tuy có giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giữa phương tiện thủy với cầu vượt sông, gây thiệt hại lớn về tài sản. Bên cạnh đó, vấn nạn khai thác cát, sỏi trái phép làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn của hệ thống đê và các công trình trên đường thủy, tình trạng vi phạm pháp luật về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy, điều kiện của thuyền viên, cảng, bến không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn... vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. |
Hoàng Giáp/PL & XH
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân