Hotline:
Banner
Tin Nóng

Gia tăng tình trạng bỏ hoang "bờ xôi, ruộng mật" ở Nam Định

25 Tháng Bảy 2016 8:05:36 CH

Moitruong24h - Theo thống kê của ngành NN&PTNT tỉnh Nam Định, năm 2015, có hơn 5.600 hộ nông dân tại địa phương này bỏ hoang 533 ha đất nông nghiệp hai vụ lúa; đến vụ lúa xuân năm 2016, diện tích ruộng bỏ hoang gần 840 ha và đều là những “bờ xôi, ruộng mật”. Tình trạng này, sẽ chưa dừng lại nếu như các cấp chính quyền và ngành NN&PTNT Nam Định không có những giải pháp cụ thể.

Do bị ô nhiễm từ làng nghề tái chế nhôm Bình Yên, gần 10 ha ruộng hai vụ lúa của xã Nam Thanh, huyện Nam Trực không canh tác được phải bỏ hoang từ nhiều năm nay. 

Nam Định là tỉnh nông nghiệp với gần 80% dân số là nông dân (khoảng 1,4 triệu người). Trong khi chỉ có gần 80 nghìn ha đất nông nghiệp hai vụ lúa, bình quân ruộng đất hơn 1 sào (360m2)/người. Nhiều xã ở Xuân Trường chỉ có 200m2/người. Đất chật, người đông nên từ nhiều đời nay, người dân Nam Định vẫn một nắng hai sương, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để mưu sinh.

Tuy nhiên, nhiều năm nay ở Nam Định xuất hiện tình trạng nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng. Những lao động trẻ, khỏe không ở nhà sản xuất mà ra các thành phố lớn làm nghề xe ôm, làm thuê… để kiếm “tiền tươi, thóc thật” mang về cho vợ con. Cũng có nhiều trường hợp, khi con học đại học ở Hà Nội, bố mẹ cũng theo ra và làm đủ mọi nghề để nuôi thân và nuôi con ăn học.

Nguyên chính vẫn là do sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, cuộc sống ở quê gặp nhiều khó khăn. Ông Ngô Xuân Ích, một lão nông ở xã Nam Hồng (huyện Nam Trực) cho biết, đầu tư cho một sào lúa mất khoảng 800 nghìn đồng/vụ (chưa kể công chăm sóc của chủ hộ); nếu mưa thuận gió hòa sẽ thu hoạch được 2 tạ/sào/vụ (tương đương 54 tạ/ha/vụ); theo thời giá hiện nay, trị giá khoảng 1,4 triệu đồng. Trừ chi phí sản xuất chỉ còn 600 nghìn đồng/sào/vụ. Vì vậy, bắt buộc người nông dân phải tìm mọi nghề để duy trì cuộc sống.

Sản xuất nông nghiệp vốn đã bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết; nay lại thêm nhân tố con người tác động thì tình trạng này càng thêm trầm trọng. Đó là, việc quy hoạch đô thị; các khu dân cư và các khu, cụm công nghiệp không đồng bộ, nhiều nơi diện tích đất trồng lúa bị xen kẹt trong các khu, cụm công nghiệp hoặc khu dân cư nên hệ thông kênh mương thủy lợi bị chia cắt, khó khăn cho công tác tưới tiêu, bị ô nhiễm do nước thải làng nghề nước, thải sinh hoạt, bãi rác thải gây ô nhiễm môi trường đất dẫn tới việc trồng lúa kém hiệu quả, càng làm cho nông dân Nam Định không thiết tha với đồng ruộng.

Theo đó, tình trạng nông dân bỏ ruộng ngày một tăng. Các huyện có diện tích bỏ ruộng nhiều là Nam Trực, hơn 210 ha; Ý Yên khoảng 200 ha; Trực Ninh hơn 140 ha; Mỹ Lộc hơn 110 ha… Nhìn chung, diện tích đất lúa bị bỏ hoang đều nằm ở các xã có làng nghề, khu - cụm công nghiệp hoặc ở gần đô thị.

Thiết nghĩ, tỉnh Nam Định cần có giải pháp cấp bách, đột phá để người nông dân quay lại với đồng ruộng, để những “tấc đất, tấc vàng” không bị bỏ hoang.


Hàng chục ha ruộng hai vụ lúa của xã Mỹ Trung, huyện Mỹ lộc bỏ hoang hóa do nằm gần, xen kẹt trong Khu công nghiệp Mỹ Trung.

 

 

 

 

 

 

Đặng Ngọc Oanh/Nhân dân

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân