Moitruong24h - Từ TP.Pleiku, theo quốc lộ 14 đi về hướng Kon Tum độ 7km, rẽ phải theo con đường nhỏ là đến Biển Hồ. Bờ hồ chính là miệng núi lửa nhô cao nên đứng từ xa vẫn trông thấy rõ. Mỗi miệng tạo ra một vực sâu khó dò đến đáy, nên người ta còn gọi T’Nưng là “hồ không đáy”. Dùng máy hồi âm định vị xác định được Biển Hồ gồm ba phễu trũng vốn là ba miệng núi lửa cổ, hai phễu lớn thông nhau qua một eo khá rộng.
Hồ T'Nưng
Biển Hồ Pleiku còn gọi là hồ Tơ Nưng, T’Nưng, Tơ Nuêng hay Ea Nueng (chữ Ea trong tiếng Êđê có nghĩa là nước). Hồ T'Nưng khi gió to thường có sóng lớn nên còn gọi là Biển hồ. Người địa phương gọi là T'Nưng, có nghĩa là "biển trên núi”.
Hiện nay, đáy hồ bị bồi và trở nên khá bằng phẳng. Độ sâu của hồ cũng đang giảm dần từ trung bình khoảng 20m năm 2000 đến nay chỉ còn 16m. Phễu trũng còn lại chỉ còn sâu khoảng 12m. Hồ nằm trên địa hình cao, không có sông suối chảy vào nhưng nước trong hồ không những không cạn mà còn liên tục chảy thoát ra ngoài qua một con suối nhỏ. Nguồn cấp nước cho hồ có liên quan đến miệng núi lửa nằm dưới sâu. Một điều kỳ diệu khác là hoạt động phun trào núi lửa tạo thành hồ vẫn còn trong ký ức của người địa phương: “Play (làng) Tơ Nuêng xưa to và đẹp lắm, dân bản sống yên vui hòa thuận, bỗng một hôm núi lửa tuôn trào lấp làng Tơ Nuêng, những ngưới sống sót khóc thương làng mình và người thân mãi không nguôi, nước mắt chảy thành suối đổ về làng mà thành hồ. Hồ được gọi theo tên làng xưa là Tơ Nuêng”.
Việc có một hồ nước 30 triệu mét khối lơ lửng trên cao nguyên là điều kỳ diệu. Biển Hồ là một kho nước ngọt chất lượng tốt, hiện đang được sử dụng cho đời sống của gần 300 nghìn dân TP. Pleiku và du khách. Biển Hồ vì thế có ý nghĩa sống còn đối với TP. Pleiku.
Biển Hồ còn có một hệ sinh thái nước giá trị, với nhiều loài chim như sin sít lông tím, bói cá lông sặc sỡ, cuốc đen, chim kơ vông, kơ túc, le le, vịt trời, đ’rao, trắc-la... Biển Hồ còn là một vựa cá ở Tây Nguyên, gồm đủ các loại cá nước ngọt như cá trắm, cá chép, cá trôi, cá đá, cá niềng... trong đó có 2 loài cá đặc hữu không nơi nào có. Đặc điểm này giúp cho Biển Hồ trở thành khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng cấp quốc gia. Ngày 16/11/1988, Biển Hồ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp Bằng Di tích danh thắng quốc gia.
Tuy nhiên, Biển Hồ đã không được chú ý bảo vệ đúng mức. Hoạt động xói mòn đang lấp dần hồ ngày càng nhanh do canh tác nương rẫy ở vùng quanh hồ không được kiểm soát. Rác thải các khu dân cư ven hồ và do du khách xả tích lũy trong hồ làm giảm chất lượng nước. Hoạt động đánh bắt bằng phương tiện hủy diệt, như thuốc nổ, đang tàn sát hệ sinh thái nước và qua đó làm giảm khả năng tự làm sạch của hồ. Dải cây xanh phòng hộ ven hồ quá mỏng... Là hồ núi lửa, việc quan trắc chất lượng nước phải được quan tâm thường xuyên hơn, nhất là quan trắc độ pH – nếu xảy ra việc giảm mạnh độ pH, là cảnh báo của việc nước hồ bị axit hóa do tái hoạt động quá trình “hậu phun trào núi lửa”. Biển Hồ hiện nay là “con chung” giữa phường Yên Thế, xã Biển Hồ (thuộc TP. Pleiku) và xã Nghĩa Thủy (thuộc huyện Chư Pah). Có vị thế “liên huyện” và tầm quan trọng đặc biệt, Biển Hồ cần được quản lý bởi một cơ quan cấp tỉnh. Các đơn vị cấp phường xã có Biển Hồ thiếu sự hợp tác và không có vị thế, chức năng nên Biển Hồ đang bị “bỏ rơi”(?).
Nếu Biển Hồ suy thoái về chất lượng nước và bị bồi nông thì không chỉ một địa điểm di sản có giá trị đa dạng tầm cỡ quốc gia bị phá hỏng mà quan trọng hơn là TP. Pleiku sẽ mất nguồn nước sinh hoạt gần như duy nhất.
Theo TC Môi Trường
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân