Hotline:
Banner
Tin Nóng

Bắc Kạn: Ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng

29 Tháng Bảy 2016 11:46:51 SA

Moitruong24h - Bắc Kạn sở hữu mạng lưới sông suối khá dày đặc do đó nguồn nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất dồi dào. Tuy vậy, những năm gần đây tình trạng nguồn nước mặt bị ô nhiễm gia tăng do xả thải rác bừa bãi.


Côn Minh là xã thuần nông của huyện Na Rì. Những năm qua, dân số của xã tăng cao kéo theo nhu cầu sử dụng nước tăng đồng thời cũng tăng áp lực xả thải vào nguồn nước mặt. Toàn xã có khoảng vài chục hộ gia đình tập trung sản xuất, chế biến miến dong thường xuyên. Nước thải sau chế biến mang nhiều chất lơ lửng (TSS) chảy qua các bể lắng sơ sài rồi chảy ra sông, suối. Tình trạng này làm các dòng sông, suối dần bị ô nhiễm.


Theo thông tin từ Chi Cục Bảo vệ Môi trường Bắc Kạn, toàn tỉnh có 5 hệ thống sông chính là sông Cầu, sông Năng, sông Phó Đáy, sông Bắc Giang và sông Na Rì. Tổng lượng nước mặt ước tính khoảng 3,7 tỷ m3. Trong đó, nước sông chính khoảng 01 tỷ m3; nước sông, suối, khe, lạch… khoảng 5,5 triệu m3; nước trong hồ đập tự nhiên và nhân tạo hơn 16 triệu m3; hàng năm tiếp nhận nước mưa khoảng hơn 2 tỷ m3.

Rác ngập lòng suối đoạn cầu Côn Minh (Na Rì)

Kết quả quan trắc từ 2011 tới nay cho thấy, chất lượng nước mặt của tỉnh còn khá tốt. Tuy nhiên, đã bắt đầu xuất hiện những điểm ô nhiễm cục bộ. Nếu không có giải pháp bảo vệ tốt thì việc ô nhiễm gia tăng là điều khó tránh khỏi. Hiện tình trạng các khu đô thị, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ xả nước thải chưa qua xử lý xuống thẳng sông, suối chưa có giải pháp giảm thiểu, xử lý triệt để. Tỷ lệ đóng góp lượng thải ô nhiễm nước của các ngành khác nhau nhưng chủ yếu từ sản xuất, kinh doanh.

Lượng nước thải đô thị đa phần chưa qua xử lý đang tăng đáng kể. Đơn cử như thành phố Bắc Kạn từ hơn 139.000m3/ngày năm 2011 tăng lên hơn 154.000m3/ngày năm 2014; Chợ Đồn từ hơn 30.000m3/ngày năm 2011 tăng lên hơn 33.000m3/ngày năm 2014… Trừ Yến Lạc (Na Rì), Chợ Mới (Chợ Mới) và Chợ Rã (Ba Bể) có công trình xử lý nước thải tập trung còn lại các đô thị khác chưa tách được nước mưa chảy tràn, nước sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải sản xuất kinh doanh dẫn tới ô nhiễm nguồn nước mặt. Khu vực nông thôn nước thải sinh hoạt cũng chưa có biện pháp xử lý. Chưa kể nước thải từ hơn 50 cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản và 120 cơ sở chế biến dong riềng trên toàn tỉnh…

Ô nhiễm nước mặt ảnh hưởng tới sản xuất nông lâm nghiệp và sức khỏe con người. Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, có gần một nửa trong số 26 bệnh truyền nhiễm có nguyên nhân liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm. Điển hình như tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa, bệnh ngoài da, ung thư… Riêng bệnh rối loạn tiêu hóa điều trị tại đơn vị đã có số ca tăng dần qua các năm, từ hơn 350 ca năm 2011 đến năm 2014 đã tăng lên hơn 420 ca…

Theo dự báo, đến năm 2020, tổng lượng nước thải sinh hoạt của tỉnh sẽ chạm mốc 12.227.140m3/năm. Trong đó khu vực đô thị 5.847.300m3/năm và nông thôn 6.429.840m3/năm. Nếu không có hạ tầng xử lý thì đây sẽ là nguồn gây ô nhiễm nặng cho nước mặt trên toàn tỉnh. Ngoài ra việc kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải từ các cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh cũng là điều cần được quan tâm.

 

 

 

 

Tuấn Sơn/Báo TN & MT

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân