Hotline:
Banner
Tin Nóng

Vì sự phát triển cây điều bền vững

22 Tháng Bảy 2016 10:03:30 SA

Moitruong24h - Theo Quyết định số 4497/QĐ-BNN-TT ngày 3-11-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy trình trồng thay thế và thâm canh điều trong vùng quy hoạch trồng điều được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ, bắt đầu từ mùa điều 2016-2017, nhiều nông hộ trồng điều có thêm cơ hội được Nhà nước, nhà khoa học hỗ trợ. Đây là tin vui cho người trồng điều tại Bình Phước.

Hiện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điều miền Nam đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh mở các lớp bồi dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật thâm canh điều bền vững cho cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông một số xã, kịp thời giúp nông dân cải tạo vườn điều theo quy trình ghép. Những vườn điều trồng giống thực sinh lẫn tạp cho năng suất dưới 1 tấn hạt/ha/năm, có chất lượng hạt không cao và hiệu quả kinh tế thấp được quan tâm hỗ trợ.

KHÔNG CÒN “MẠNH AI NẤY TRỒNG”

Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều kiện được thay thế là vườn điều ở thời kỳ kinh doanh nhưng điều chỉ cho năng suất dưới 700kg/ha trong 3 năm liền và không có khả năng ghép cải tạo. Từ đó phục hồi, tạo vườn điều mới có năng suất bình quân trong giai đoạn kinh doanh từ 2-3 tấn/ha với chu kỳ 30 năm. Đối với vườn điều già cỗi, giao tán và cho năng suất dưới 1 tấn/ha/năm thì ngành nông nghiệp phối hợp với nhà nông thâm canh, tăng năng suất.

Các cộng tác viên khuyến nông tham quan và thực hành ghép điều giống tại vườn thực địa ở Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh

Cộng tác viên khuyến nông Nguyễn Văn Đề ở xã Long Bình (Phú Riềng) chia sẻ: “Lớp tập huấn đã giúp chúng tôi nắm được kỹ thuật thâm canh điều, biết cách ghép điều trong sản xuất giống... Tôi sẽ chuyển tải ứng dụng thâm canh, nhân rộng mô hình ghép điều trên địa bàn xã và các khu vực lân cận, giúp người dân vùng trồng điều nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Đây còn là cơ hội để chúng tôi trao đổi thông tin, kinh nghiệm và ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất”.

Là người hướng dẫn kỹ thuật thâm canh điều cho cán bộ, cộng tác viên khuyến nông, kỹ sư Đặng Văn Tự, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điều miền Nam cho biết: “Đây là cơ hội tốt để chúng tôi chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về thâm canh cây điều; giới thiệu các giống điều mới cho năng suất cao, chất lượng tốt như: PN1, AB29, AB0508 đến với người dân và những ai quan tâm cây điều. Chúng tôi còn thông tin về tình hình thị trường điều trong và ngoài nước; kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn điều (trồng mới, tỉa cành tạo tán, bón phân); kỹ thuật phòng trị bệnh cho cây điều và phương pháp sản xuất, ghép điều. Qua đó giúp người dân loại bỏ dần giống điều tạp, năng suất thấp, chất lượng không đồng đều. Đây là tiền đề quan trọng trong việc xây dựng uy tín và thương hiệu điều Bình Phước”.

KHÔNG THỂ TÁCH RỜI KHOA HỌC - KỸ THUẬT

Với cách truyền đạt trao sự chủ động cho người học, gắn lý thuyết với thực nghiệm ngay tại vườn, học viên được chia nhóm để thảo luận, trao đổi, đưa ra ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm. Nhiều cán bộ khuyến nông, cộng tác viên sau khi tham gia khóa tập huấn đã thuần thục trong tạo chồi, gốc ghép. Ông Nguyễn Tiến Liệu ở xã Long Hưng (Phú Riềng) nói: “Qua hướng dẫn của kỹ sư nông nghiệp, tôi nắm được các phương pháp tạo chồi, tiêu chuẩn chồi gốc và chồi khi ghép, thời vụ ghép, kỹ thuật ghép cũng như cách chăm sóc vườn điều sau cải tạo. Tôi còn biết cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình trồng thay thế và thâm canh điều để tăng năng suất vườn cao gấp 2-3 lần so với hiện tại”.

Cán bộ các trạm khuyến nông và cộng tác viên được kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật ghép điều, kịp thời giúp dân cải tạo vườn điều theo đúng quy trình

Gắn bó lâu năm với cây điều, người dân biết rõ điều là cây ra hoa đầu cành nên năng suất tỷ lệ thuận với diện tích tán lá được chiếu sáng và mật độ chồi hoa. Nhưng không phải ai cũng biết cách tỉa cành, tạo tán để gia tăng mật độ chồi và diện tích tán hiện hữu. Nhiều cộng tác viên rất thích thú khi được giới thiệu cách cắt, tỉa cành lớn đúng vị trí cổ cành để vết thương nhanh lành và cắt 2 lần để tránh bị tước cây, đồng thời dùng nhớt thải quét lên mặt cắt tránh mối mọt, sâu bệnh tấn công.

Điều có 2 loại bệnh thường gặp là thán thư và khô cành. Nhưng chỉ khi tham gia tập huấn mọi người mới biết cách trị các bệnh này hiệu quả và triệt để. Ông Lê Văn Sơn ở xã Đồng Tâm (Đồng Phú) nói: “Tôi trồng điều theo kinh nghiệm từ những hộ trồng trước nên năng suất thấp và không chủ động phòng trị bệnh. Được tập huấn, tôi mới hiểu, nếu biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mình sẽ tự tin, chủ động hơn khi chăm sóc và thu hoạch, nhất là bán hạt điều cho thương lái không bị ép giá”.

Với sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước và nhà khoa học, nông dân sẽ yên tâm gắn bó với cây điều. Từ đây, sản phẩm điều Bình Phước sẽ có cơ hội vươn tới những thị trường giàu tiềm năng, giúp người dân ổn định đời sống và vươn lên làm giàu trong điều kiện hội nhập hiện nay.

 

 

 

H.Dụng - X.Trường/ Bình phước

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân