Hotline:
Banner
Tin Nóng

Không dễ “đánh thức” vàng trong dân

22 Tháng Bảy 2016 8:34:58 SA

Moitruong24h- Số vàng ước khoảng 500 tấn đang ở trong két sắt của người dân đã được đề nghị cần “đánh thức” để trở thành nguồn lực phát triển kinh tế đất nước thông qua chứng chỉ vàng. Câu chuyện này đã được nhắc đến cách đây vài năm, giờ quay trở lại nóng bỏng.

Trong một kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào tháng 5/2016 đề nghị xem xét thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nhắc đến con số vàng đang “nằm ngủ” trong dân khoảng 500 tấn. Theo VGTA, có thể biến nguồn lực lớn đang ngủ yên này thành “tiền tươi thóc thật” thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng để tạo nguồn vốn phát triển cho nền kinh tế. Làm một phép tính nhanh, nếu giá vàng đứng ở mức 36 triệu đồng/lượng thì 500 tấn vàng tương đương với khoảng 476 nghìn tỷ đồng, rất lớn.


TS.Ngô Trí Long cho rằng, NHNN nên xem xét phát hành “vàng giấy”, người dân đưa vàng vào ngân hàng, đổi lại họ sẽ giữ một tờ chứng chỉ vàng thay vì cất vàng ở trong nhà. Chứng chỉ vàng được cầm cố, thế chấp, bán khi cần.


Tuy nhiên, theo quan điểm của TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) - đây là kế hoạch không mấy khả thi bởi người dân có thói quen giữ vàng từ lâu nên không dễ gì từ bỏ.


TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - nhận xét, ý tưởng này là không thực tế. Người dân chưa tin vào thị trường nên mới tích trữ vàng. Muốn huy động nguồn lực cho nền kinh tế phải bằng cách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để người dân nhận thấy cần phải thay đổi.


Hơn 3 năm trở lại đây, NHNN đã thành công khi làm giảm sức nóng của thị trường vàng, tình trạng vàng hóa nền kinh tế đã được đẩy lùi đáng kể, góp phần quan trọng trong việc giữ ổn định thị trường ngoại tệ và kiềm chế lạm phát. Chính vì thế, việc tính chuyện huy động vàng trong dân đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại tình trạng vàng hóa nền kinh tế có thể quay trở lại. Huy động vàng tức là chúng ta đã trao lại cho vàng chức năng lưu thông như một phương tiện thanh toán chứ không còn là tài sản cất giữ. Khi vay vàng sẽ phải trả lãi suất, làm tăng tính hấp dẫn của vàng khiến nhiều người muốn tích trữ vàng hơn.


TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - bày tỏ: Việc huy động vàng là đi ngược lại nguyên tắc kinh tế. Nếu được huy động, vàng sẽ mang chức năng lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống, cộng với những kích hoạt khác sẽ tạo ra đầu cơ, khiến thị trường dễ tổn thương.


Khoan hãy nói đến việc có thể tạo ra những cú sốc thị trường khi thực hiện huy động vàng trong dân, chỉ cần trả lời được những câu hỏi: Kỳ hạn gửi ra sao? Lãi suất thế nào? Trả lãi bằng gì?… đã thấy đề xuất “đánh thức” vàng trong dân khá mơ hồ. Đó là chưa kể đến việc nếu chưa đến kỳ đáo hạn trái phiếu mà cần tiền thì người dân phải làm gì, cơ quan quản lý sẽ làm thế nào để phòng ngừa rủi ro giá vàng, làm gì nếu người dân ồ ạt rút vàng khi đến hạn?


Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vấn đề ở đây không phải là huy động vàng trong dân mà là làm sao để người dân không tập trung vào vàng. Khi có kênh đầu tư hiệu quả hơn việc tích trữ vàng thì người dân sẽ sử dụng nguồn lực cho các mục tiêu đầu tư, phát triển, sinh lợi kể cả trực tiếp hay gián tiếp.


 

 

 

Theo Báo Công Thương


 

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân