Moitruong24h - Công trình với nguồn vốn cả tỷ đồng đập tràn Bai Căng (xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) mặc dù mới đưa vào sử dụng từ cuối năm 2011 nhưng đến nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, gây sạt lở mất đất của người dân…
Hình ảnh xuống cấp của đập tràn Bai Căng, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá. Ảnh: Văn Thanh
Xót xa đập tiền tỉ
Cách không xa thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hoá) công trình Đường tràn Bai Căng được phê duyệt theo Quyết định số 3294/QĐ-UBND ngày 31/12/2009 của Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc do UBND xã Ngọc Khê làm chủ đầu tư; nguồn vốn giao thông nông thôn và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; đơn vị thi công xây dựng là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Hoàng Long; được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2011…
Qua quan sát, công trình đập tràn Bai Căng, xã Ngọc Khê dù mới đưa vào sử dụng cuối năm 2011, nhưng đã bộc lộ dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Cụ thể, do tình trạng sạt lở nên hệ thống ta luy công trình đập tràn này bị sập đổ nằm ngổn ngang dưới dòng chảy; thân đập bị xoáy lở sâu tạo thành những hang hốc, hầm ếch… “Nếu cứ đà này thì công trình có nguy cơ bị xoá sổ!”, ông Đỗ Ngọc Thịnh - Phó phòng Nông nghiệp huyện Ngọc Lặc lo lắng.
Theo ông Thịnh lý giải, sở dĩ công trình nhanh chóng xuống cấp gây sạt lở đất do lỗi khâu thiết kế, thi công công trình. Nhẽ ra cống đập tràn phải được thiết kế thuận theo chiều của dòng chảy, nước qua cống đập phải xuôi dòng đổ về hạ nguồn nhưng ở đây dòng nước khi đổ qua cống đập lại bị bẻ vuông góc, dòng nước chảy đập thẳng vào phần đất liền không được kè chống an toàn dẫn đến dòng nước bị quẫn, thúc trở lại thân đập gây xói mòn, sạt lở về đất đai…
Hàng năm, trước mỗi mùa mưa bão thì chính quyền xã đều phải bỏ ra một nguồn vốn nhất định để chuẩn bị nguyên vật liệu chủ động các phương án đối phó. Đó là những bó cọc tre, những bao bì cát sỏi, những đống đá… được bố trí xung quanh thân đập. Tuy nhiên sau khi mùa mưa lũ kết thúc thì những nguyên vật liệu này lại xuôi theo dòng chảy đổ về hạ nguồn.
Mất nhà, mất đất vì đập
Không chỉ lo lắng trước sự an nguy của công trình tiền tỉ, gần chục hộ dân thôn Ngọc Lan đang vô cùng bức xúc trước thực trạng công trình đang là tác nhân gây sạt lở nghiêm trọng, khiến các hộ dân mất đất, mất đường, phải di dời nhà cửa!...
Chưa đầy 5 năm công trình đập tràn được đưa vào sử dụng cũng là từng ấy thời gian người dân thôn Ngọc Lan sống trong lo lắng! Cả trăm khối đất ở, đất vườn, đất đường giao thông đi lại của các hộ dân bị “nuốt” gọn; đã có 2 hộ gia đình (gia đình ông Phạm Minh Hiệu và hộ gia đình ông Phạm Văn Thiết) vì sạt lở phải di dời nhà cửa; hiện vẫn còn khoảng gần chục hộ dân đang từng ngày mất đất… sống trong lo lắng!
Hộ gia đình chị Phạm Thị Thân (thôn Ngọc Lan) cho biết: Ngày trước, dù là đập đất thiếu an toàn nhưng không đáng ngại, không sạt lở như bây giờ! Toàn bộ khu đất vườn cả trăm mét vuông, bà con tập trung kẻ sân chơi bóng chuyền giao lưu thể thao, văn nghệ nay đã sạt lở toàn phần. Khoảng cách căn nhà chị Thân đang ở với điểm sạt lở của công trình cũng từng ngày bị thu hẹp dần, báo động nguy cơ sớm phải di dời. Thậm chí con đường giao thông dẫn vào một số hộ dân khu bên trong thôn Ngọc Lan cũng bị xói lở, gia đình chị Thân buộc phải trừ lại phần đất vườn để cho các hộ lấy đường đi.
Theo hộ gia đình ông Phạm Văn Thơm (thôn Ngọc Lan) - một trong số các hộ do tình trạng sạt lở không còn đường để đi, phải đi nhờ vào phần đất vườn của hộ gia đình chị Thân ái ngại: “Đi trên đất hộ khác chúng tôi vô cũng ái ngại, phần vì quan niệm phong tục, phần cản trở hộ gia đình không trồng cây nông nghiệp được… Ngày trước các hộ gia đình chúng tôi không phải lo lắng như bây giờ, đường đi thì không còn mà công trình đập tràn cứ để tồn tại thế này thì không chỉ đất đường, đất vườn mà cả đất nhà chúng tôi cũng sẽ có nguy cơ sạt lở”.
Không chỉ sống trong lo lắng, đa phần các hộ dân nơi đây đều cho rằng khâu thiết kế công trình có vấn đề, bộc lộ nhiều bất cập dẫn đến thực trạng xuống cấp, gây sạt lở. Thêm vào đó, khi công trình bắt đầu có biểu hiện xuống cấp, chính quyền địa phương - Chủ đầu tư công trình cũng không có biện pháp duy tu, bảo dưỡng một cách phù hợp nên diễn biến ngày càng phức tạp, đến nay để đầu tư tu bổ toàn phần công trình thì số tiền chi phí là không nhỏ. Câu hỏi trách nhiệm của chính quyền xã Ngọc Khê ở đâu khi công trình đầu tư tiền tỉ xuống cấp!?
Chúng tôi được giới thiệu làm việc với ông Phạm Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Khê. Thế nhưng, điều chúng tôi nhận được là câu trả lời thiếu trách nhiệm với nội dung “tôi vừa tiếp nhận chức danh phó chủ tịch nên nắm không rõ”. Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, ông Hạnh đã đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch được hơn 1 năm!?
Bà Nguyễn Thị Anh Nga - Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hoá cho biết: “Công tác đảm bảo an toàn hồ đập đang được Chi cục rốt ráo triển khai kiểm tra, rà soát và lên phương án phòng, chống trước mùa mưa lũ. Riêng đối với huyện Ngọc Lặc là một trong những huyện có nhiều công trình hồ đập nên Chi cục đã thành lập một đoàn kiểm tra, rà soát tất cả 158 hồ đập trên địa bàn do huyện Ngọc Lặc quản lý, sẽ sớm có báo cáo kết quả và phương án đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ!”.
Văn Thanh/Thanh Tra
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân