Hotline:
Banner
Tin Nóng

Khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên

11 Tháng Bảy 2016 10:42:44 SA

Moitruong24h - Trong một thời gian dài do buông lỏng công tác quản lý và chuyển đổi rừng, đất lâm nghiệp sang trồng các loại cây công nghiệp, làm thủy điện, bị chặt phá, lấn chiếm trái phép…, diện tích rừng ở Tây Nguyên giảm mạnh. Việc đóng cửa rừng tự nhiên và khôi phục rừng bền vững ở Tây Nguyên đang là đòi hỏi cấp bách, không chỉ trả lại mầu xanh cho “đại ngàn”, mà còn ứng phó biến đổi khí hậu.

Cán bộ kiểm lâm và nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, tỉnh Đác Nông lên kế hoạch khôi phục rừng ở những khu vực bị phá trước đó.

“Mượn gió bẻ măng”

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến ngày 31-12-2014, tổng diện tích rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên còn 2,253 triệu ha, giảm 273.000 ha so với năm 2010. Trữ lượng rừng ở Tây Nguyên trong 5 năm qua cũng giảm hơn 57 triệu m3.

Lý giải về diện tích rừng ở Tây Nguyên giảm mạnh, Bộ NN-PTNT cho rằng: Theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2009-2020, Tây Nguyên sẽ trồng mới 100.000 ha cao-su. Thế nhưng, các tỉnh trong khu vực lại chuyển đổi rừng một cách ồ ạt để trồng cao-su, cho nên đến cuối năm 2015, diện tích cao-su toàn vùng đã lên tới 164.000 ha. Nhiều diện tích rừng xanh tốt bỗng nhiên bị xếp vào diện “rừng nghèo” để chuyển sang trồng cao-su. Đơn cử vào năm 2010, Công ty TNHH thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát được tỉnh Đác Lắc giao 977 ha đất lâm nghiệp ở Tiểu khu 134, 138 thuộc xã Ea Jlơi, huyện Ea Súp để khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng cao-su; trong đó có hơn 193 ha rừng nghèo được cải tạo để trồng cao-su. Mặc dù được xếp vào loại “rừng nghèo”, nhưng trên thực tế, mật độ cây rừng ở đây khá dày, cây rừng có đường kính từ 15 đến 60 cm và rừng ở khu vực thực hiện dự án thuộc hệ sinh thái rừng khộp.

Tại tỉnh Đác Nông, đến nay đã có 48 doanh nghiệp, đơn vị được tỉnh giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp thực hiện 49 dự án đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp với tổng diện tích hơn 51.157 ha, bao gồm cho thuê đất 40.740 ha và giao rừng 9.417,24 ha. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát mới đây, các ngành chức năng đã phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã buông lỏng quản lý dẫn đến rừng tự nhiên bị chặt phá với diện tích lớn, gây tổn thất lớn đến tài nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sinh thái. Điển hình, năm 2006, UBND tỉnh Đác Nông có quyết định cho Công ty cổ phần chế biến lâm sản và xuất khẩu Thăng Long (gọi tắt là Công ty Thăng Long) có trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc thuê 516 ha đất rừng để thực hiện dự án bảo vệ, phát triển rừng và trồng rừng nguyên liệu tại xã Trường Xuân, huyện Đác Song. Sau khi thuê đất, Công ty Thăng Long không triển khai thực hiện dự án, xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), đã để hơn 400 ha rừng bị xóa sổ hoàn toàn.

Buông lỏng quản lý

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng cho biết, nguyên nhân lớn nhất khiến diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên giảm mạnh là do một số địa phương, cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm QLBVR, quản lý đất lâm nghiệp, vẫn để tồn tại những tụ điểm phá rừng nghiêm trọng. Việc xử lý các vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng còn thiếu kiên quyết, phối hợp thiếu chặt chẽ, thiếu trách nhiệm, thậm chí tiêu cực, tiếp tay cho những đối tượng phá rừng. Công tác giao đất, giao rừng ở Tây Nguyên thực hiện chậm và còn nhiều bất cập…

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, đến nay rừng ở Tây Nguyên vẫn chủ yếu được giao cho các tổ chức quản lý. Cụ thể, tổng diện tích đất lâm nghiệp đã giao quản lý, sử dụng là hơn 2,9 triệu ha, trong đó giao cho hộ gia đình, cá nhân QLBVR chỉ là 75.770 ha, chiếm 3,1%; giao cho cộng đồng quản lý 29.926 ha, chiếm 0,9% và UBND xã quản lý 367.881 ha, chiếm 20,7%, còn lại do các tổ chức, đơn vị quản lý... Tuy nhiên, do công tác giao đất, giao rừng và khoán QLBVR còn hạn chế, bất cập, cho nên diện tích rừng và đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép lên đến hàng chục nghìn ha.

Chỉ riêng tại tỉnh Đác Lắc, đến nay toàn tỉnh đã giao rừng, đất lâm nghiệp với diện tích 37.294,6 ha cho 5.273 hộ dân quản lý, bảo vệ. Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Đác Lắc rà soát trên toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao khoán QLBVR thì phát hiện có đến 10.610 ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép.

Trong khi đó, việc trồng rừng ở Tây Nguyên thực hiện chậm. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, các tỉnh Tây Nguyên trồng được 48.543 ha rừng, chiếm 4,4% tổng diện tích rừng được trồng trong cả nước trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế của các tỉnh Tây Nguyên là 21.879 ha, nhưng tính đến ngày 30-5-2016, chỉ mới trồng được 4.860 ha, đạt 22%. Tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn ra nghiêm trọng. Năm 2015, các ngành chức năng của năm tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện và xử lý 16.034 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, tăng 463 vụ so với năm 2014…

Trả lại màu xanh cho núi rừng

Mới đây, tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 do Bộ NN-PTNT tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các địa phương phải đóng ngay cửa rừng tự nhiên… Đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, các tổ chức, cá nhân bao che, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo để trục lợi và các đối tượng chống người thi thành công vụ…

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc Phạm Ngọc Nghị cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đác Lắc đang triển khai nhiều giải pháp tích cực để thu hồi gần 51.000 ha đất rừng bị lấn chiếm trái phép, trồng lại rừng. Tổ chức huy động tất cả các lực lượng và nguồn lực để thực hiện mục tiêu bảo vệ rừng hiện có và trong thời gian tới phải ngăn chặn được nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và các vi phạm pháp luật khác trong QLBVR trên phạm vi toàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đang tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư khôi phục, phát triển rừng, phấn đấu đưa độ che phủ từ 38,7% hiện nay lên 40,4% vào năm 2020 và 42,1% vào năm 2030.

Tại Đắc Nông, công tác quản lý, bảo vệ và khôi phục, phát triển rừng cũng đang được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông Nguyễn Bốn khẳng định: Ngoài việc đóng cửa rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành trong tỉnh đang nỗ lực tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Tỉnh đang rà soát, chấn chỉnh công tác giao và cho thuê rừng, đất rừng để tất cả diện tích đất lâm nghiệp đều có chủ quản lý; khẩn trương thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông - lâm nghiệp; quy hoạch sắp xếp dân cư, nhất là dân di cư tự do. Triển khai có hiệu quả công tác trồng rừng tập trung, trồng rừng thay thế, trồng rừng nông - lâm kết hợp và trồng cây phân tán nhằm từng bước nâng cao độ che phủ của rừng…

Cùng với sự nỗ lực của các tỉnh Tây Nguyên, Bộ NN-PTNT cũng phối hợp các bộ, ngành và địa phương xây dựng, triển khai Dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, với nguồn vốn lên tới 8.927 tỷ đồng. Mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đặt ra là từ nay đến năm 2020 sẽ khôi phục và phát triển rừng ở Tây Nguyên đạt 2,71 triệu ha và nâng độ che phủ rừng lên 49,8%.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu cho Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách về tài chính, chi phí, cơ chế hưởng lợi trong giao khoán QLBVR hợp lý, thật sự bảo đảm ổn định sản xuất và nâng cao đời sống của người dân, doanh nghiệp, tạo động lực để đồng bào gắn bó với rừng; nghiên cứu sửa đổi các quy định về quyền hạn, chế độ chính sách đối với các lực lượng tham gia QLBVR, thống nhất mô hình lực lượng QLBVR; nâng mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng cho phù hợp với thực tế hiện nay.

 

 

 

Nguyễn Công Lý/Nhân Dân

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân