Hotline:
Banner
Tin Nóng

Đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn trên đà suy giảm và suy thoái

24 Tháng Sáu 2016 8:48:57 CH

Moitruong24h - Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý ĐDSH nhưng tài nguyên ĐDSH của Việt Nam vẫn đang trên đà bị suy giảm và suy thoái dưới áp lực của gia tăng dân số, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật và sự đánh đổi với ưu tiên phát triển kinh tế .

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học phục vụ phát triển sinh kế cộng đồng” ngày 20/5 tại Hà Nội do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Tổ chức Crop Life và các cơ quan liên quan tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5.

Hội thảo “Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học phục vụ phát triển sinh kế cộng đồng” ngày 20/5 tại Hà Nội

Số liệu thống kê cho thấy, diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng tiếp tục tăng, diện tích rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn suy giảm, ô nhiễm môi trường, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại… đã và đang gây ra những tác động không nhỏ tới việc suy giảm tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH) của quốc gia, cũng như gây ra những tác động tiêu cực đến ổn định sinh kế của nhiều cộng đồng dân cư sống nhờ vào thiên nhiên. Do đó, hơn bao giờ hết, bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH nhằm tạo ra và duy trì sinh kế của cộng đồng, phát triển bền vững đất nước có ý nghĩa và tầm quan trọng hàng đầu đối với quốc gia.

Theo ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Quốc gia UNDP, thử thách đầu tiên nằm ở chính việc tìm hiểu giá trị của hệ thống sinh thái đối với phát triển kinh tế và kế sinh nhai. Lấy ví dụ các vùng đất ngập nước. Mặc dù có nhiều lợi ích và dịch vụ quý giá nhưng các vùng đất này phần lớn vẫn chưa được xếp loại và không được bảo vệ pháp lý đầy đủ.

Trong khi đó, đe dọa và áp lực lên đa dạng sinh học và an ninh sinh thái tiếp tục tăng lên do quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế dựa vào tiêu dùng, xung đột giữa con người và các loài hoang dã và biến đổi khí hậu. Các nhu cầu cạnh tranh lẫn nhau để giành đất cho đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng càng tăng thêm những áp lực ấy, và tình hình này càng trầm trọng hơn vì xâm phạm trái phép các loài động, thực vật hoang dã cũng như do thu hoạch quá mức gỗ và các sản phẩm rừng khác của các địa phương.

Một trong những hậu quả là kiến thức và kỹ năng truyền thống của các cộng đồng địa phương liên quan đến các nguồn gen đang nhanh chóng mất đi do thay đổi cách sống truyền thống. Kiến thức truyền thống như cách sử dụng các nguồn sinh học làm thuốc trị bệnh đang mất dần, ảnh hưởng đến cơ cấu sinh kế của nhiều cộng đồng. Cần phải tiếp tục hành động để giải quyết các thách thức này và để đưa Việt Nam đi đúng con đường phát triển bền vững về sinh thái, ví dụ như thông qua bảo tồn các hệ thống sinh thái và sinh kế cộng đồng, và qua tiếp cận và phân phối lợi ích.

Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong những quốc gia có tính ĐDSH cao trên thế giới với nhiều kiểu rừng, đầm lầy, sông suối, rạn san hô… tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới. Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới với nhiều loài động thực vật đặc hữu và những tri thức truyền thống quý giá về nguồn gen được lưu truyền qua bao thế hệ.

 

Nguồn: Nhandan.com.vn

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân