Hotline:
Banner
Tin Nóng

Xin đừng giết nàng tiên cá

24 Tháng Sáu 2016 1:53:42 CH

​Moitruong24h - Đây là khẩu hiệu mà Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc tổ chức diễu hành kêu gọi cộng đồng tham gia bảo vệ Dugong - loài động vật biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hơn 500 người tham gia diễu hành đã ký tên lên biểu ngữ, cờ diễu hành, nhằm cam kết bảo vệ Dugong và các động vật quý hiếm khác.

Đôi nét về “Nàng tiên cá”

Dugong theo tiếng Ấn Độ có nghĩa là “người con gái đẹp”, còn theo tiếng Papua New Guinea có nghĩa là “bò của biển”, hay theo tiếng Madagasca có nghĩa là “heo hoang vùng san hô”, còn ở Việt Nam thì được biết với những cái tên, nàng tiên cá, Bò biển hay cá Cúi vì khi ăn chúng cứ cúi mõm xuống.

Theo TS.Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Kiên Giang, Dugong thuộc Ngành Động vật có dây sống (Chordata). Phân ngành Động vật có xương sống (Vertebrata). Lớp có vú (Mammalia). Bộ Bò biển (hay cá Cúi) (Sirenia). Họ Bò biển (Dugongidae). Loài Bò biển (Dugong dugon) (Muller, 1776). Họ Dugongidae chỉ còn duy nhất một loài Dugong dugon mà ta thường gặp. Dugong thường sống đơn độc, hay từng đôi mẹ-con, rất ít gặp theo thành từng nhóm nhỏ hoặc thành từng đàn lớn. Dugong trưởng thành có thể dài đến 3 mét, trung bình từ 2,4 đến 2,7 m; có thể nặng đến 500 kg, trung bình 250 đến 400 kg; tuổi thọ lên đến 70 năm, tuổi của Dugong được xác định theo các vòng tăng trưởng ở răng nanh. Mắt ở cạnh bên đầu, thị giác kém nhưng nhờ thính giác nhạy bén trong ngưỡng âm hẹp. Tai không có vành hoặc dái tai. Môi có lông cảm xúc bao quanh dùng để tìm và túm lấy cỏ biển. Cứ 1-2 phút, Dugong nổi lên mặt nước để thở 1 lần, lặn lâu nhất 8,5 phút. Hai lỗ mũi nằm trên đỉnh đầu và có van đậy không cho nước lọt vào khi lặn.

Dugong bắt cặp đầu tiên vào độ 06 đến 17 tuổi, bắt cặp tiếp theo sau đó 2,5 đến 5 năm. Chúng mang thai 13 tháng. Mỗi lần đẻ 1 con. Dugong con dài khoảng 1,2m và nặng chừng 30 kg, bú sữa mẹ khoảng 18 tháng và thường bơi sau lưng mẹ. Dugong ăn chủ yếu cỏ biển, thích nhất cỏ họ Halophila (họ Xoan) và Halodule (họ Hẹ) vì chứa ít chất xơ, hàm lượng protein cao và dễ tiêu hóa, thỉnh thoảng Dugong cũng ăn những loài cỏ kích thước lớn hơn như Thalassia hemprichii (cỏ Bò biển), Cymodocea serrulata (cỏ Kiệu răng cưa). Khi ăn, chúng thường đào ủi, do hàm lượng dinh dưỡng của cỏ biển thấp, nên chúng dành hầu hết thời gian để ăn, mỗi con Dugong ăn khoảng 25kg cỏ biển mỗi ngày. Theo các nghiên cứu, ngoài cỏ biển là món ăn chính, Dugong còn ăn các loài thực vật biển khác.

 

Cùng hành động để cứu… “Nàng tiên cá”

Do di chuyển chậm chạp và thân hình to lớn, loài này thường dễ bị mắc vào lưới đánh cá của ngư dân. Dugong đang ngày càng bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng: bởi sự săn bắn ráo riết lấy thịt, da làm thực phẩm và răng làm thuốc chữa bệnh hoặc đồ trang sức; các bộ phận khác làm vật lưu niệm, “súng” của Bò biển ngâm rượu có tính tăng dục (chỉ là tin truyền miệng đồn thổi);...

Bên cạnh đó, sự gia tăng ô nhiễm môi trường biển làm suy thoái các thảm cỏ biển - thức ăn chính của Dugong, chính là một trong những nguy cơ làm suy giảm số lượng Dugong trong thời gian gần đây.

Dugong bị xẻ thịt 

Theo đánh giá của các nhà khoa học thì số lượng Dugong trên toàn thế giới chỉ khoảng 100.000 con, ở Việt Nam, năm 2003, Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (WWF) điều tra và chỉ phát hiện được tại hai vùng biển Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) còn khoảng 10 con và Phú Quốc (Kiên Giang) còn khoảng 100 con. Do vậy Dugong được xếp vào loại “cực kỳ nguy cấp - CR” có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài các Chương trình hỗ trợ nghiên cứu bảo tồn Dugong do các Tổ chức WWF và WAR, từ năm 2002 UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có Chỉ thị 20/2002/CT-UB ngày 21/11/2002 về việc "Quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc những trường hợp giết hại Dugong (cá Cúi), Rùa biển và cá Heo trái phép trên địa bàn tỉnh Kiên Giang", nhưng việc giết hại Dugong vẫn tiếp tục xảy ra.

Theo số liệu điều tra của ngành Thủy sản Kiên Giang, khoảng từ tháng 7/2002 lại đây thì đã có trên 20 con Dugong bị sát hại, riêng từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2002 có đến 9 con bị giết hại, một số vụ như: ngày 23/12/2003 một con Dugong bị mắc lưới chết tại xã Gành Dầu (Phú Quôc) có chiều dài 2,75m, ngang 1,20m, đường kính 80cm, nặng 400 kg; hiện đang được trưng bày tại Viện Hải dương học Nha Trang. Năm 2004: hai con bị xẻ thịt tại chợ Hà Tiên, 1 con bị bắt tại Hàm Ninh, 1 con nữa bị chết tại xã Gành Dầu gần Hòn Nần (biên giới Campuchia). Ngày 18/01/2005 một con xẻ thịt tại Hà Tiên. Gần đây nhất tháng 9/2013 WAR đã phát hiện một đường dây mua bán thịt Dugong và các loại động vật quý hiếm tại Phú Quốc, một con Dugong nặng khoảng 100kg đã bị xẻ thịt và bán cho các nhà hàng.

Theo điều tra của phóng viên, Dugong sau khi bị đánh bắt ngoài biển sẽ bị xẻ thịt ngay trên biển và bán cho lại cho một trung gian ở thị trấn Dương Đông, một ở Hàm Ninh (Phú Quốc) và từ đây được bỏ mối lại cho một số nhà hàng trên đảo Phú Quốc và cả đất liền với giá từ 450.000 - 500.000 đồng/kg thịt. Đường dây này trước đây hoạt động khá công khai, hiện nay vẫn còn hoạt động nhưng kín đáo hơn.

Nhằm bảo vệ và chấm dứt tình trạng đánh bắt Dugong, tạo môi trường thuận lợi cho sự phục hồi quần thể Dugong ở Kiên Giang, theo Thạc sỹ Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc Tổ chức WAR nhấn mạnh: “Sự quan tâm và hợp tác chặt chẽ của các cấp chính quyền, đoàn thể cùng người dân trên đảo Phú Quốc là nhân tố quyết định cho dự án bảo vệ Dugong cũng như các loài động vật quý hiếm, mỗi người dân hãy cùng bắt tay hành động ngay để bảo vệ Dugong và các loài vật quý hiếm khác trước khi quá muộn”.

 

Bài & ảnh: Giang Sơn

Báo TN&MT

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân