Hotline:
Banner
Tin Nóng

Khẩn cấp bảo tồn đàn voi nhà ở Đắc Lắc

16 Tháng Bảy 2016 11:44:25 SA

Moitruong24h - Trong thời gian qua, tỉnh Đác Lắc đã và đang có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện Dự án khẩn cấp bảo tồn voi đến năm 2020, với nguồn kinh phí gần 85 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng đàn voi nhà ở Đác Lắc vẫn sụt giảm nghiêm trọng, voi liên tiếp chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đe dọa sự tồn tại của loài voi ở đây. Vì vậy, bảo tồn loài voi ở Đác Lắc đang là yêu cầu khẩn cấp hiện nay, nếu không thì chẳng bao lâu nữa, voi chỉ còn là hình tượng giữa đại ngàn mà thôi


Đàn voi nhà của ông Đàn Năng Long, ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắc, tỉnh Đác Lắc.


Báo động đỏ

Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc, năm 1980 đàn voi nhà ở Đác Lắc có đến 502 con, nhưng đến nay đàn voi nhà ở Đác Lắc sụt giảm nghiêm trọng chỉ còn lại 43 con, giảm đến 459 con. Những con số này đã gióng lên hồi chuông báo động đỏ trong công tác bảo tồn loài voi ở Đác Lắc hiện nay, bởi nếu tính trung bình, cứ 10 năm sẽ có khoảng 150 con voi chết.

Số liệu thông kê gần đây nhất cho thấy, từ năm 2007 đến năm 2014, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc đã có 21 con voi nhà chết với nhiều nguyên nhân khác nhau như: thiếu thức ăn, bị giết hại, do phục vụ du lịch quá sức, kỹ thuật chăm sóc kém và voi già rồi chết… Riêng trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc có tới năm con voi nhà bị chết. Trong đó, một con voi nhà 36 tuổi ở huyện Lắc khi xích trên đồi để cho ăn thì bị ngã chết; một con voi 40 tuổi ở huyện Buôn Đôn chết vì phục vụ du lịch quá sức; một con voi đực 33 tuổi ở huyện Krông Ana gục chết bất thường trên đường đi kiếm ăn từ rừng về nhà; một con voi cái ở huyện Buôn Đôn chết sau khi bị kẻ gian chém vào đùi và chặt mất đuôi và gần đây nhất là con voi cái 43 tuổi, nặng trên ba tấn ở huyện Buôn Đôn đã chết sau hai lần gục ngã vì kiệt sức.

Ông Đàn Năng Long, ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắc, người sở hữu nhiều voi nhất Đác Lắc hiện nay nhớ lại: “Sau một ngày chở khách du lịch, chiều 15-1-2015, con voi đực có tên gọi Book Khăm, 36 tuổi của gia đình tôi được thả vào rừng kiếm ăn. Đến sáng hôm sau, người nhà vào rừng định đưa voi về nhà tiếp tục phục vụ khách du lịch thì phát hiện voi đã chết. Ngay sau đó, các cơ quan chức xác định voi chết là do bị ngã xuống hố sâu”.


Voi nhà ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắc được sử dụng phục vụ du khách nên nhiều con voi bị kiệt sức.

Hay vào ngày 7-5-2015, tại khu du lịch sinh thái Bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn người dân phát hiện con voi có tên gọi Nang Liêng, 43 tuổi, nặng khoảng ba tấn, chuyên phục vụ cho lễ hội ở xã Krông Na đã chết trên đồi.

Anh Y Tim R’Ya, sinh năm 1974, chủ của voi Nang Liêng cho biết: Voi Nang Liêng chết do già yếu và đã có dấu hiệu xuống sức mấy tháng nay. Đây là lần thứ ba, voi Nang Liêng bị ngã quỵ. Lần thứ nhất và lần thứ hai, khi voi bị ngã quỵ, tôi đã thuê máy cẩu cùng với bác sĩ thú y đã cứu chữa thành công. Nhưng lần ngã quỵ thứ ba này, voi Nang Liêng không thể đứng dậy được nữa. Các bác sĩ thú y của Trung tâm bảo tồn voi đã chuyền 30 chai nước, nhưng nó vẫn không đứng dậy được và chết vào lúc 11 giờ trưa ngày 7-5.

Đàn voi nhà ở Đác Lắc bị giảm sụt nghiêm trọng ngoài bị tai nạn, phục vụ du lịch quá sức, già yếu rồi chết là tình trạng chặt trộm đuôi voi, cưa trộm ngà và sát hại voi cũng đang ở mức báo động. Điển hình là vào ngày 7-3-2015, con voi có tên Khăm Thưng, 30 tuổi đang trong thời kỳ sung mãn nhất của loài voi đã bị sát hại trong rừng. Ông Y Ka Tưk, ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, chủ của con voi cho biết: Con voi này có giá khoảng 700 triệu đồng, được gia đình nuôi để phục vụ khách du lịch trong nhiều năm qua. Khi được thả vào rừng để kiếm thức ăn thì voi bị người ta sát hại. Đến nay, các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra đối tượng sát hại voi.

Trong khi các ngành chức năng chưa tìm ra đối tượng sát hại voi Khăm Thưng thì con voi có tên Y Lưn, 38 tuổi của gia đình ông Y Nhuân Hmốc, ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn cũng bị chặt trộm đuôi và bị chém nhiều nhát ở chân khiến voi chết thảm.

Ông Đàn Năng Long cho biết: “Voi thông thường ăn rất nhiều thức ăn. Nhưng hiện nay, do rừng bị tàn phá nặng nề, lượng thức ăn trong tự nhiên không đáp ứng được nhu cầu của voi. Bên cạnh đó, nhiều chủ voi thiếu quan tâm chăm sóc, thậm chí bắt voi lao động phục vụ du khách kiệt sức rồi chết dần...

“Nếu không nỗ lực bảo tồn thì trong vòng 20 năm tới đàn voi Tây Nguyên có thể bị tuyệt chủng. Voi mất đi đồng nghĩa mất đi sự đa dạng sinh học, giống loài đặc thù văn hóa Tây Nguyên”, ông Long trăn trở.

Không chỉ voi nhà mà thời gian gần đây, nhiều con voi rừng ở Đác Lắc cũng bị chết. Mới đây nhất là vào 6-7-2016, Tổ tuần tra kiểm soát rừng thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn phát hiện một con voi rừng chết trên bãi đất tại khoảnh 11, Tiểu khu 237 thuộc địa phận xã Ea Bung, huyện Ea Súp. Con voi bị chết nặng khoảng 150 kg và chưa đến một năm tuổi. Khi phát hiện, xác con voi bị chết trong vũng bùn, với tư thế nằm úp. Xung quanh xác và bãi đất có rất nhiều dấu chân voi kích thước khác nhau. Đây là khu vực voi rừng thường ra kiếm thức ăn và nước uống. Nguyên nhân voi chết có thể do bị mắc lầy trong vũng bùn rồi đói và chết.

Trước đó, vào ngày 17-2-2016, người dân phát hiện một con voi rừng đã chết nằm bên ao nước tại Tiểu khu 550 do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar quản lý. Con voi rừng này là giống đực, chừng một năm tuổi, nặng khoảng 200 kg...


Một con voi nhà ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn khi thả vào rừng ăn cỏ bị các đối tượng cưa trộm ngà voi.

Theo số liệu của Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc, trên địa bàn tỉnh hiện có sáu đến bảy đàn voi rừng với số lượng từ 80 đến100 con, sống tập trung chủ yếu ở Vườn Quốc gia Yok Đôn. Vì không gian sống ngày càng thu hẹp cũng như cạn kiệt nguồn thức ăn nên voi thường di chuyển vào các khu vực nương rẫy của người dân kiếm ăn. Bên cạnh đó, tình trạng săn bắn voi vẫn còn xảy ra dẫn đến nhiều lần voi rừng xung đột với người dân trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Ea H’leo, Ea Súp… hết sức nguy hiểm.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi ĐÁc Lắc Huỳnh Trung Luân cho biết: Vì voi nhà thuộc quyền sở hữu của các hộ gia đình nên họ là người trực tiếp chăm sóc cũng như sử dụng voi với nhiều mục đích khác nhau. Từ khi được thành lập vào năm 2013 đến nay, Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc đã làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về bảo tồn voi nên không còn hiện tượng voi tiến sâu vào khu dân cư như trước đây, đồng thời Trung tâm cũng thường xuyên mời chủ voi lên để hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phát thuốc và đưa cán bộ thú y đến chăm sóc khi voi mắc bệnh, còn quyền quản lý là của chủ voi. Vì vậy, công tác bảo tồn voi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ì ạch dự án bảo tồn voi

Để bảo tồn, duy trì đàn voi trên địa bàn, vào năm 2013, UBND tỉnh Đác Lắc đã phê duyệt “Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đác Lắc đến năm 2020” với tổng kinh phí gần 85 tỷ đồng, nhằm mục tiêu quản lý bền vững quần thể voi hoang dã và voi nhà; khôi phục và bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi với người; tăng cường kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất từ voi...

Thực hiện dự án này, UBND tỉnh Đác Lắc đã giao 200 ha đất rừng khộp tái sinh ở Tiểu khu 462, thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cho Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc. Đây được đánh giá là khu vực có nhiều điều kiện sinh cảnh thuận lợi, phù hợp cho công tác bảo tồn, phát triển loài voi.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn loài voi ở Đác Lắc vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí. Cụ thể, trong số 85 tỷ đồng để thực hiện dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đác Lắc đến năm 2020 thì có 60% kinh phí là từ Trung ương, số còn lại là do ngân sách của tỉnh Đác Lắc và tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí từ Trung ương chưa được triển khai, còn kinh phí từ tỉnh được bố trí từ từ nên chỉ đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm Bảo tồn voi chứ chưa thể đầu tư trang thiết bị và hạ tầng cơ sở cho dự án nên hiện tại vẫn chưa được triển khai, trong khi đàn voi ngày càng giảm sụt trầm trọng.

Bên cạnh đó, do rừng bị tàn phá nặng nề, môi trường sinh sống hoang dã của loài voi ngày càng bị thu hẹp, đồng thời voi nhà được người dân sử dụng phục vụ khách du lịch đến kiệt sức, không được thả về môi trường tự nhiên để voi sinh hoạt, quan hệ nên trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Đác Lắc không có con voi nhà nào sinh sản. Trong khi đó, những con voi hiện còn ngày càng già đi và chết dần. Nếu Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc và các cấp, các ngành không có giải pháp thích hợp, nhất là làm sao để voi nhà sinh sản thì không bao lâu nữa giữa đại ngàn Tây Nguyên sẽ vắng bóng voi nhà.

 

 

 

 

Nguyễn Công Lý/Nhân Dân

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân