Hotline:
Banner
Tin Nóng

Thiên nhiên không phục hồi kịp tốc độ khai thác của con người

22 Tháng Sáu 2016 3:27:09 CH

Moitruong24h - Con người đang khai thác tài nguyên thiên nhiên vượt xa khả năng tiếp nhận các tác động của Trái đất. Điều này cho thấy cần có những hành động cấp thiết để hạn chế tác động lên môi trường đất, nước, đa dạng sinh học và tài nguyên biển. Đó là khẳng định trong báo cáo nghiên cứu quy mô toàn cầu do Chương trình Môi trường trường Liên hợp quốc công bố mới đây.

Nghiên cứu do 1.203 nhà khoa học, hàng trăm tổ chức khoa học và hơn 160 chính phủ phối hợp thực hiện dưới sự chủ trì của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) thông qua việc  đánh giá các dữ liệu khoa học môi trường từ nhiều thập kỷ.

Nghiên cứu cho hay khan hiếm nước đang là hiểm họa của những khu vực nghèo nhất Thế giới, khiến nhiều nước đang phát triển không thể nuôi sống người dân nước họ và đẩy hàng triệu người vào tình cảnh khốn khổ. Theo đánh giá của UNEP, tình trạng khan hiếm nước trầm trọng này có rất ít triển vọng khắc phục nếu không thực hiện những giải pháp triệt để.

Tăng trưởng dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu tiêu thụ nước gia tăng và sự suy thoái của các vùng đất trước đây là nguồn bổ sung nước tự nhiên đang đe dọa nghiêm trọng tới nguồn nước toàn cầu.

Sông Tawi ở Kashmir, Ấn Độ bị cạn (Ảnh: Jaipal Singh/EPA)

Nghiên cứu này được thực hiện với mục đích góp phần vào những nỗ lực chung của thế giới nhằm chống lại biến đổi khí hậu và các hiểm họa môi trường khác. Từ nghiên cứu, UNEP nhận thấy môi trường tự nhiên đang bị thiệt hại nặng nề hơn bất chấp những nỗ lực thuyết phục chính phủ các nước phối hợp thực hiện các biện pháp cải thiện hiện trạng các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng như đất đai, nước ngọt và đại dương.

“Nếu xu hướng này tiếp tục và thế giới không thực hiện các giải pháp để cải thiện hình thức sản xuất và tiêu dùng hiện tại, nếu chúng ta không sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững thì môi trường thế giới sẽ còn tiếp tục suy thoái” – Ông Achim Steiner, Giám đốc UNEP cảnh báo.

Nghiên cứu chỉ ra rằng các biện pháp cơ bản để giải quyết nguyên nhân chính gây ra các thiệt hại về môi trường vẫn chưa được thực hiện. Trong đó, có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí (thay đổi phương tiện đi lại); bảo vệ các hệ sinh thái biển (nguồn hải sản mà hàng trăm triệu người đang phải phụ thuộc) và giảm thiểu sự xuống cấp của đất nông nghiệp (thay đổi phương thức canh tác).

Mặc dù Thỏa thuận toàn cầu mới về cắt giảm phát thải khí nhà kính đã được ký kết vào tháng 12/2015 tại Paris, nhưng lượng phát thải carbon trên thế giới vẫn tiếp tục tăng. Theo báo cáo, gia tăng phát thải khí nhà kính sẽ kéo theo những căng thẳng kéo dài ở nhiều quốc gia trước áp lực phát triển kinh tế để có thể nuôi sống người dân vì các đợt hạn hán, lũ lụt cũng sẽ ngày càng gia tăng.

Biến đổi khí hậu đang trầm trọng hơn do lượng phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp, trong đó có Ôxít Nitơ- một loại khí nhà kính mạnh phát thải từ các chất thải chăn nuôi chảy ra môi trường và phân động vật không được lưu trữ đúng cách. Báo cáo cho biết mức độ phát thải Ôxít Nitơ đã tăng hơn ¼ từ năm 2000 đến năm 2010.

Các vấn đề khu vực khác cũng được Báo cáo đề cập như các dòng sông băng ở dãy Andes, nguồn cung cấp nước quan trọng cho hàng chục triệu người, đang bị thu hẹp do khí hậu ấm lên.

Vấn đề môi trường đang tồn tại ở các nước giàu đã được tích lũy qua nhiều thập kỷ, thế kỷ do họ đã theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua các chi phí môi trường. Những nỗ lực khắc phục môi trường sau đó của họ cũng đã thành công một phần.

Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, con đường phát triển còn rất dài và có nhiều tiềm năng để thay đổi. Các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều giải pháp tăng trưởng bền vững hơn để có thể vừa xóa đói giảm nghèo vừa bảo vệ môi trường. Song, nếu các nước này lựa chọn phát triển theo con đường cũ thì sẽ gia tăng nguy cơ gây ra các thiệt hại không thể khắc phục môi trường, nhóm tác giả nghiên cứu kết luận.

Từ đó, báo cáo khuyến nghị cần nâng cao nhận thức về tác động của phát triển lên môi trường. Đồng thời, cần hướng đến các giải pháp bền vững như tái sử dụng nước hay sử dụng các biện pháp canh tác nông nghiệp tiết kiệm nước, thay đổi phương pháp xử lý chất thải để bảo vệ nguồn nước sạch và ngăn chặn việc đốt các chất thải rắn tại nơi chôn lấp.

 

(The Guardiance)

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân