Moitruong24h - Mới đây, Bộ Công thương đã phối hợp Tập đoàn Central Group tổ chức “Tuần lễ quảng bá hàng Việt Nam tại Thái-lan” ở trung tâm mua sắm Central World (Băng-cốc). Đây là lần đầu, tuần lễ quảng bá hàng Việt Nam được tổ chức ở Thái-lan và lần thứ 12 tại các quốc gia. Các chuyên gia bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất hy vọng đây sẽ là khởi đầu đầy hứa hẹn để hàng Việt có cơ hội “lội ngược dòng” vào thị trường Thái-lan.
Nhiều sản phẩm của Công ty Điện Quang được bày bán tại Tuần lễ quảng bá hàng Việt Nam tại Thái-lan thu hút sự chú ý của đông đảo khách hàng.
Mở đường thâm nhập
Central World có diện tích 550 nghìn m2, mỗi ngày thu hút khoảng 150 nghìn khách hàng đến tham quan, mua sắm. Central Group đã ưu tiên cho hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm trưng bày hàng hóa, sản phẩm của mình tại sảnh lớn, vị trí đắc địa của trung tâm. Hình ảnh nón lá Việt Nam tràn ngập khắp các gian hàng giúp khách hàng nhận biết rõ nét về hàng Việt. Các doanh nghiệp đã mang đến triển lãm khoảng 400 sản phẩm đặc trưng thương hiệu Việt như gốm sứ Minh Long, kẹo dừa Bến Tre, bia Sài Gòn, bóng đèn Điện Quang, dệt may Hòa Thọ, Bích Chi, bánh pía Sóc Trăng, trà Tâm Lan, cà-phê Highland,… cùng một số mặt hàng vải lụa may mặc, các sản phẩm công nghệ xanh và trái cây tươi của Việt Nam.
Khác với một số cuộc quảng bá hàng Việt trước đây, hàng Việt lần này đã trực tiếp “chạm” vào thị hiếu và xu hướng tiêu dùng của người Thái-lan, nhận biết rõ sự tương đồng và khác biệt giữa hai thị trường. Không khí mua bán tấp nập, một số sản phẩm thức ăn, bánh kẹo, phở, cà-phê,… khách hàng được dùng thử miễn phí. Tại mỗi gian hàng đều có hai hướng dẫn viên quảng bá người Thái-lan, và Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc quảng bá, giới thiệu quy trình sản xuất và đặc tính của từng sản phẩm. Anh Put-ti-chai ngồi nhâm nhi cà-phê Highland, cứ trầm trồ, tấm tắc: Không ngờ cà-phê ngon thế, hương vị rất đậm đà. Bạn gái của anh, Su-cha-rat Ma-nay-inh cười tươi, giơ chiếc túi nặng trĩu hoa quả, bánh kẹo Việt Nam vừa mua chia sẻ: Trước đây, tôi chưa từng được nếm thử các đặc sản từ Việt Nam, nay mới thấy bánh trái Việt Nam có hương vị rất ngon và đặc trưng. Tôi đã mua rất nhiều thứ cho gia đình và bạn bè, giá bán rất rẻ.
Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long 1 Lý Huy Sáng cho biết, thời gian qua, tỷ trọng xuất khẩu của Minh Long chiếm khoảng 15%. Chính sách của Minh Long trong tương lai tiến tới cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, cụ thể năm 2016-2017, sẽ phấn đấu nâng tỷ trọng xuất khẩu lên 30 - 40%. Thái-lan được xác định là thị trường tiềm năng của Minh Long, bởi hai nước có nhiều nét văn hóa tương đồng. Ngay tại triển lãm, rất nhiều khách hàng Thái-lan đã mua cả hàng sứ Minh Long trưng bày.
Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện Quang Nguyễn Thái Nga cho hay: “Điện Quang đang tập trung mũi nhọn xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Thái-lan, Mi-an-ma, Lào, Cam-pu-chia,… và hiện nay đang xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc”. Tham gia hội chợ lần này, Điện Quang có hơn 100 sản phẩm và bán rất chạy. Bà Nga nhận định, thị trường Thái-lan rất tiềm năng vì nguồn điện, thiết bị, thói quen sử dụng điện cũng giống Việt Nam. Chúng tôi đã chứng kiến người dân Thái-lan đứng ngắm nghía, bỏ tiền mua các loại ổ cắm, bóng đèn LED của Công ty Điện Quang.
Chặng đường dài phía trước
Quan hệ kinh tế Việt Nam - Thái-lan thời gian qua có bước phát triển rất nhanh chóng và đi vào chiều sâu, nhất là trong bối cảnh ASEAN đang hội nhập sâu sắc. Số liệu cho thấy, năm 2015, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái-lan đạt 11,46 tỷ USD, tăng 8,3% so năm 2014. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái-lan chỉ đạt 3,18 tỷ USD, giảm 8,6% và kim ngạch nhập khẩu đạt tới 8,28 tỷ USD (tăng 16,8%), nhập siêu khoảng 5 tỷ USD. Trong khuôn khổ hợp tác liên Chính phủ về kinh tế, thương mại Việt Nam - Thái-lan, hai nước cũng đã nhận diện vấn đề nghiêng lệch này để nhen nhóm cơ hội hợp tác theo chiều hướng có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới.
Tại kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban hỗn hợp về thương mại giữa Việt Nam - Thái-lan vào tháng 7-2015, hai bên đặt mục tiêu đạt giá trị kim ngạch thương mại lên tới 20 tỷ USD vào năm 2020. Theo Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa, triển lãm quảng bá hàng Việt Nam tại một trung tâm thương mại, mua sắm lớn nhất ở Băng-cốc là cơ hội tốt để vinh danh nền văn hóa, ẩm thực cũng như đề cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trên phương diện là quốc gia xuất khẩu cho khu vực.
Sự kiện này cũng giúp kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà cung cấp của Tập đoàn Central Group để hai bên có thể trực tiếp trao đổi tìm hình thức hợp tác kinh doanh. Hai bên đã cam kết hướng tới sự hợp tác thương mại lành mạnh và cân bằng hơn, theo hướng hỗ trợ tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Thái-lan, nhất là thông qua hệ thống các kênh phân phối.
Tại Việt Nam, Central Group điều hành Văn phòng xuất khẩu và cung ứng CGV nhằm hỗ trợ và quảng bá hàng Việt Nam đến thị trường quốc tế. Văn phòng này đại diện cho 70 nhà cung cấp Việt Nam thuộc các ngành nông nghiệp, công nghiệp và hàng tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đến hơn 20 quốc gia, đồng thời hỗ trợ cao nhất cho các doanh nghiệp từ phát triển sản phẩm, quản lý chất lượng đến dịch vụ hậu cần.
Hiện Central và Công ty nội thất Bình Phú đã hoàn tất thương vụ nhập khẩu đồ gỗ nội thất cho khách sạn 6 sao Park Hyatt tại Băng-cốc thuộc sở hữu của Tập đoàn Central Group với giá trị 1,2 triệu USD. Tổng Giám đốc Công ty Bình Phú Nguyễn Thùy Trang vui mừng cho biết: Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Central Group để cung cấp đồ nội thất cho khách sạn 6 sao. Tại triển lãm, Central Group cũng giới thiệu sản phẩm của chúng tôi với các khách hàng tiềm năng tại Thái-lan. Đây là cơ hội tuyệt vời cho doanh nghiệp Việt Nam.
Năm nay là năm ASEAN tiến tới khu vực thị trường chung, tự do hóa lưu chuyển hàng hóa trong khu vực. Việc thuế nhập khẩu được cắt giảm hoàn toàn khiến cho hàng hóa của các nước dễ xâm nhập thị trường của nhau. Trong bối cảnh Thái-lan đang có kế hoạch tham gia TPP, cả hai nước sẽ được hưởng những lợi ích lớn về thuế quan, bình đẳng với nhau trong TPP. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, việc cam kết miễn, giảm thuế sản phẩm xuất khẩu chủ chốt ở tất cả các nước TPP, hàng xuất khẩu nước ta sẽ thuận lợi trong tiếp cận thị trường Thái-lan.
Mặc dù Thái-lan là nước cạnh tranh với Việt Nam ở hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, tuy nhiên, một số sản phẩm vẫn có thể phát huy thế mạnh riêng để thâm nhập thị trường này. Đây là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy hải sản Việt Nam. Đặc biệt người tiêu dùng Thái-lan khá ưa chuộng sản phẩm cá tra. Mặc dù tạo được chỗ đứng bước đầu với người tiêu dùng Thái-lan, nhưng theo đánh giá, để đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm hàng hóa cùng loại, các doanh nghiệp của Việt Nam cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao chất lượng trong mỗi sản phẩm của mình.
Xét về kim ngạch thương mại, Thái-lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong số các nước ASEAN. Trong năm tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Việt Nam – Thái-lan đạt 4,6 tỷ USD, tăng 5,9% so cùng kỳ năm 2015; trong đó, xuất khẩu sang Thái-lan đạt 1,44 tỷ USD (tăng 5%), nhập khẩu 3,16 tỷ USD (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015); nước ta nhập siêu từ Thái-lan khoảng 1,71 tỷ USD. |
Minh Trang/Nhân Dân
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân