Hotline:
Banner
Tin Nóng

Điểm lại những vụ miễn trách nhiệm hình sự cho quan chức gây bức xúc dư luận

13 Tháng Tám 2016 9:38:54 SA

Moitruong24h– Sau hơn 6 năm đưa vào hoạt động, đường ống nước sạch sông Đà đã gặp sự cố gần 20 lần, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người dân thủ đô, gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng. Trước những thiệt hại nghiêm trọng đó, Cơ quan cảnh sát điều tra đã vào cuộc điều tra và xác định trách nhiệm các cá nhân liên quan. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bức xúc là, lẽ ra những người đầu vụ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) thì họ lại được xét miễn TNHS. 

Không chỉ riêng vụ Vinaconex, trước đó, cơ quan tố tụng cũng rất nương nhẹ với nhiều quan chức khi có sai phạm nghiêm trọng. Thực tế nhức nhối này khiến dư luận phải thốt lên: Chả lẽ hiện nay có luật riêng cho quan và luật cho dân ? Pháp lý xin điểm lại 3 trong số những vụ như thế.

Gây ảnh hưởng, làm thiệt hại nghiêm trọng, lãnh đạo Vinaconex được miễn TNHS

Giữa tháng 7 vừa qua, cơ quan công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty CP xuất nhập khẩu VN – Vinaconex”. Trong hồ sơ chuyển tới VKSND Tối cao, cơ quan này đề nghị truy tố 9 bị can gồm: Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc), Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà – Hà Nội); Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng phòng Vật tư thiết bị Ban Quản lý dự án); Trần Cao Bằng (nguyên Giám đốc Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex), Vũ Thanh Hải (nguyên Phó Giám đốc Công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex); Đỗ Đình Trì (nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát của Công ty CP nước và môi trường VN – Viwase) cùng Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân, đều nguyên cán bộ của Viwase.

 


Đường ống dẫn nước sông Đà cung cấp nước cho hàng triệu dân ở Hà Nội liên tục bị vỡ, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng những cán bộ “đầu vụ” lại được miễn TNHS?

Theo kết quả điều tra bổ sung, từ năm 2004, HĐQT Vinaconex lúc đó gồm các ông: Phí Thái Bình (Chủ tịch), Nguyễn Văn Tuân (Tổng Giám đốc), Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm (các Ủy viên) không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình khi quyết định thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite sợi thủy tinh chưa được thẩm định. Với vai trò chủ đầu tư, các sếp này tiếp tục bị quy kết đã lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, cung cấp sản phẩm cho dự án không đảm bảo chất lượng.

Quá trình vận hành, từ ngày 4/2/2012 đến ngày 26/9/2015, đường ống nước Sông Đà đã vỡ liên tiếp 14 lần với 18 cây ống bị phá hủy gây thiệt hại lớn về kinh tế và gây bức xúc trong xã hội. Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex, đơn vị khai thác đường ống dẫn nước, phải dừng cấp nước hơn 340 giờ gây ảnh hưởng đời sống khoảng 177.000 hộ dân tại Hà Nội.

Hồ sơ vụ án thể hiện, thực hiện chủ trương phát triển đô thị và môi trường của chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông với yêu cầu xây dựng hệ thống cấp nước lâu dài, bền vững, Tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đầu tư dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội với công suất 600.000 m3 một ngày đêm. Sau hàng loạt sự cố, Bộ Xây dựng kết luận, tuyến ống liên tục bị vỡ do bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt. Những người được giao trách nhiệm quản lý, giám sát viên hiện trường do không tuân thủ và thực hiện đầy đủ quy định quản lý đầu tư và xây dựng công trình nên không kiểm soát được chất lượng vật tư. Khi phát hiện những lỗi kỹ thuật trên, giám sát không cho thu hồi các lô ống được sản xuất cùng loại.

Có vi phạm nghiêm trọng như vậy nhưng các Cơ quan tố tụng lại xác định 5 bị cáo gồm ông Bình, Tuân, Thành, Thương, Chầm không có động cơ vụ lợi. Trong quá trình điều tra họ khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu. Việc ra các quyết định trái quy định là muốn công trình nhanh, giá thành rẻ. Người chịu trách nhiệm chính là ông Tuân mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu nên Liên ngành tư pháp trung ương thấy rằng không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các thành viên HĐQT Vinaconex.

Việc dùng những lý lẽ như vậy để miễn TNHS cho 5 bị cáo trong vụ án trên làm dư luận bức xúc. Điều đó cho thấy các cơ quan tố tụng đã quá dễ dãi với các quan chức sai phạm nghiêm trọng.

Trước bức xúc của dư luận và kiến nghị của nhiều chuyên gia pháp luật, mới đây, VKSNDTC đã yêu cầu các cơ quan tố tụng báo cáo việc tha miễn TNHS cựu lãnh đạo Vinaconex.

Quan chức gây tai nạn chết người cũng được miễn TNHS

Vụ việc xảy ra cách đây chưa lâu, tại giao lộ Lê Hồng Phong – Trần Phú (trước khách sạn Sammy, Đà Lạt) ông Mai Nam Dương (nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng) đã lái xe trong trình trạng say rượu và gây tai nạn. Trước khi gây tai nạn, ông Dương lái xe lao thẳng vào dải phân cách và lật ngửa. Theo đà, xe tông vào ba xe máy đi chiều ngược lại khiến nạn nhân Trương Văn Hiến (48 tuổi, ngụ tại Đà Lạt) chết tại chỗ, ba người bị thương nặng. Ông Dương bị thương nhẹ và được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Trong phiếu khám bệnh vào viện của ông Dương lưu tại khoa ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng ghi rõ “bệnh nhân trong tình trạng thở mùi rượu”.

 


Điều khiển xe trong tình trạng say rượu dẫn đến gây tai nạn tử vong 1 người, 3 người bị thương nhưng ông Mai Nam Dương – nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng lại được đình chỉ vụ án và miễn TNHS (ảnh: Hiện trường vụ tai nạn do ông Dương gây ra)

Nạn nhân thiệt mạng là ông Trương Văn Hiến (sinh năm 1965, ngụ tại Đà Lạt), ba người bị thương nặng gồm: Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (sinh năm 1974), Phạm Thị Đan Thanh (sinh năm 1979), Nguyễn Văn Vinh (sinh năm 1984). Ông Dương chỉ bị thương nhẹ và xuất viện sau đó. Sau đó, Công an TP Đà Lạt đã họp báo công bố quyết định khởi tố ông Mai Nam Dương về tội vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ. Tại buổi làm việc, cơ quan điều tra thông báo kết quả điều tra, theo đó ông Dương đã không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát và có uống rượu, bia trước khi điều khiển ô tô, nồng độ cồn đo được của ông Dương là 0,644 miligam/lít khí thở, gấp 2,5 lần mức qui định (0,25 miligam/1 lít khí thở).

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, VKSND TP Đà Lạt lại ra quyết định “đình chỉ điều tra vụ án” vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đối với ông Mai Nam Dương. Ông này cũng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông Dương đã đền bù cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân đã tử vong trong tai nạn do  ông Dương  gây ra đã có đơn bãi nại cho ông.

Quyết định này của Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Lạt đã khiến dư luận phản ứng. Ông Mai Nam Dương gây tai nạn làm một người chết và ba người bị thương. Ông Dương có uống rượu bia trước khi điều khiển ô tô, nồng độ cồn của ông Dương đã vượt mức quy định. Chiếu theo điểm b khoản 2, điều 202 Bộ luật Hình sự “thì bị phạt tù từ 3-10 năm”, đây là tội rất nghiêm trọng theo quy định tại điều 8 Bộ luật Hình sự.

Đặc biệt, vụ án liên quan đến ông Dương không phải là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (khoản 2 điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự) nên việc bãi nại của những người bị hại trong vụ án này không thể là căn cứ đình chỉ vụ án.

Tượng đài 40 tỉ bị “rút ruột”, Phó Chủ tịch tỉnh được miễn TNHS

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên phủ, đặt tại trung tâm thị xã Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Công ty Mỹ thuật Trung ương được UBND tỉnh Lai Châu chỉ định thầu, giao thực hiện trọn gói gói thầu số 3 (phần tượng đài) với giá trị 40 tỷ đồng. Theo hợp đồng đã ký giữa ông Lương Phượng Các, Giám đốc BQL dự án và bà Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương, tượng đài được đúc bằng đồng, dày 3cm, cao 12,6m. Nguyên liệu đúc tượng đài là đồng nguyên chất, có tổng khối lượng đồng là 218,7 ngàn kg. Tuy nhiên, do không có đủ năng lực thực hiện, Công ty Mỹ thuật Trung ương đã ký hợp đồng, giao cho Công ty TNHH Đoàn Kết (Ý Yên, Nam Định), do ông Nguyễn Trọng Hạnh làm Phó Giám đốc thực hiện đúc tượng đồng với giá trị hợp đồng là 18,5 tỷ đồng.


Tượng đài 40 tỷ ở Điện Biên bị “rút ruột”, miễn TNHS cho Phó Chủ tịch tỉnh

Khi công trình Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được làm xong thì nhanh chóng bị xuống cấp do chất lượng kém.  Theo đó, kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) mới đây cho thấy, tượng đài này đã bị “rút ruột” và được đúc bằng một khối lượng đồng phế liệu khá lớn (thay vì đồng nguyên chất như dự án đã được phê duyệt). Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an thì, tổng khối lượng tượng đài là 160,3 ngàn kg, hàm lượng đồng trung bình của tượng đài là 86,93%. Như vậy, trọng lượng tượng đài trên thực tế đã bị thiếu hụt (rút ruột) khoảng 68.000 kg đồng, chiếm trên 30% tổng khối lượng đồng của tượng đài.

Từ những sai phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện dự án nhóm A, có ý nghĩa lịch sử rất lớn nói trên, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 7 bị can, đồng thời thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 5 cán bộ liên quan đến các sai phạm trong quá trình xây dựng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong vụ án này, ông Phạm Hoàng Be – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (cũ), (nay thuộc tỉnh Điện Biên) bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra nêu rõ: ông Phạm Hoàng Be, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu kiêm Phó Ban Thường trực chỉ đạo dự án, được phân công trực tiếp chỉ đạo Ban Quản lý dự án nhưng đã không làm hết chức trách nhiệm vụ của mình, không kiểm tra, theo dõi và giám sát chặt chẽ hoạt động của Ban Quản lý dự án, để cấp dưới ở Ban Quản lý dự án cố ý làm trái, tham ô tài sản và đưa, nhận hối lộ. Ông Be đã kí và ban hành các văn bản không đúng pháp luật. Ông Be cũng không lãnh đạo việc tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm…

Sai phạm nghiêm trọng như vậy, nhưng các cơ quan tố tụng vẫn xác định ông Be phạm tội với lỗi vô ý, trong bối cảnh phải thi công gấp rút để kịp tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ… Và Viện KSND tối cao xác định ông Be có vi phạm nhưng xét yếu tố chuyển biến của tình hình nên đã áp dụng điều 25 Bộ luật Hình sự miễn trách nhiệm hình sự cho ông.

Có hay không luật riêng cho quan?

Trước đây, có một số vụ việc miễn trách nhiệm hình sự cho cán bộ quan chức cũng khiến dư luận bất bình. Cụ thể, đó là vụ các ông Nguyễn Tuấn Cảnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp; Trương Văn Phẩm, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính và Trần Minh Luân, nguyên Giám đốc Quỹ phát triển đất tỉnh Bình Phước phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, làm thất thu ngân sách 3 tỉ đồng nhưng được miễn TNHS.

Tại An Giang, trong vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai với 23 bị cáo hầu hết là quan chức địa phương. Án lớn, xôn xao dư luận nhưng 5 bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự, ba được cải tạo không giam giữ, sáu được hưởng án treo (trong đó có hai Phó Chủ tịch UBND TP Long Xuyên)…

Không chỉ bức xúc vì nhiều quan chức sai phạm nghiêm trọng được miễn TNHS, quan chức được xử án treo cũng rất phổ biến. Thống kê của TAND tối cáo, tỉ lệ bị cáo phạm tội liên quan tham nhũng được hưởng án treo từ năm 2011 đến nay trung bình mỗi năm chiếm đến 30% (trong khi tỉ lệ này ở các loại án khác chỉ khoảng 20%). Dư luận bức xúc nên TAND tối cao phải ban hành Nghị quyết số 01/2013 (có hiệu lực từ ngày 15/12/2013), nêu “không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ…”.

Thực tế trên khiến dư luận đặt vấn đề có hay không luật riêng cho quan và luật cho dân?

 

 

 

 

Tuấn Hải (tổng hợp)

Nguồn: Pháp lý

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân