Moitruong24h- Các chuyên gia cho rằng cần xem xét vấn đề chất lượng không khí và đánh giá những tác động đến sức khỏe người dân khi quy hoạch các nhà máy điện than.
Sơ đồ các nhà máy và dự án nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL
Theo Quy hoạch điện VII, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trở thành trung tâm phát triển điện than của cả nước. Điều này đi ngược với xu hướng phát triển chung của thế giới vì điện than gây nguy cơ ô nhiễm rất cao và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.
Có “2 Formosa” ở Long An
Ngoài dự án (DA) nhiệt điện than Long An 1 có vốn đầu tư khoảng 2,7 tỉ USD, vào tháng 3.2015, UBND tỉnh Long An chính thức gửi hồ sơ DA và đề nghị Bộ Công thương bổ sung DA BOT nhiệt điện Long An 2 vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 (Quy hoạch điện VII). DA được Tổng công ty điện lực Hàn Quốc (KEPCO) và Công ty TNHH Vinakobalt Long An đề xuất đầu tư, theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), với quy mô công suất dự kiến là 800 MW x 2, có tổng mức đầu tư khoảng 3,177 tỉ USD, sẽ sử dụng than nhập khẩu từ Úc và Indonesia với khối lượng lên đến 3,5 - 4,5 triệu tấn một năm.
DA với thời gian hợp đồng 25 năm, sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thông, lò đốt than phun, thông số hơi siêu tới hạn (SC) hoặc trên siêu tới hạn (USC). Địa điểm được chọn là cụm công nghiệp Caric - Hồng Lĩnh, thuộc xã Phước Vĩnh Đông, H.Cần Giuộc (Long An) với diện tích mặt bằng 133 ha. Dự kiến khi đi vào vận hành giai đoạn 2021 - 2022, DA sẽ đấu nối với hệ thống điện quốc gia thông qua cấp điện áp 220 kV.
Như vậy, tổng quy mô của 2 DA trên quy ra tiền lên đến hơn 5,8 tỉ USD. Tháng 3.2016, Thủ tướng đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VII. Theo đó, Nhà máy nhiệt điện Long An 1, dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 - 2025; Nhà máy nhiệt điện Long An 2 dự kiến đưa vào vận hành năm 2026 - 2027 được điều chỉnh đưa vào Quy hoạch điện VII.
Câu hỏi là tại sao vùng đồng bằng rất nhiều tiềm năng năng lượng sạch như gió, nắng, thủy triều, sinh khối được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là hoàn toàn đủ để phát triển kinh tế, chỉ thiếu chính sách đầu tư và phát triển hợp lý, cớ gì phải đua nhau xây dựng nhà máy điện than lần lượt hết tỉnh này sang tỉnh khác giống như phong trào xây khu công nghiệp, xây sân golf, nhà văn hóa, chợ tập trung trước đây? PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) |
Xu thế tăng mưa a xít
Trong thời gian gần đây, Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước bắt tay vào nghiên cứu về xu thế phát triển điện than ở VN. Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, cho biết: “Chúng tôi cũng đang tìm hiểu thông tin cụ thể về DA nhiệt điện than ở Long An. Việc đặt một nhà máy như vậy ngay sát TP.HCM thì thật sự quá nguy hiểm cho sức khỏe người dân”.
“Theo các nghiên cứu của chúng tôi thì ĐBSCL đang dần trở thành trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước với 6 - 7 DA đã, đang và sẽ triển khai. Nhiệt điện than sử dụng nước ngọt rất nhiều, điều này cũng đe dọa đến các mô hình canh tác nông nghiệp của người dân đồng bằng. Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, những công nghệ được dự kiến sử dụng ở VN cũng lạc hậu so với thế giới và thậm chí có công nghệ ở Trung Quốc cũng không còn sử dụng”, bà Khanh nhận định.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cho biết ông chưa có nhiều thông tin cụ thể về các DA và từng DA điện than ở ĐBSCL, mà chủ yếu có được là các thông tin khoa học. Đứng ở góc độ khoa học, có thể thấy việc hàng loạt nhà máy nhiệt điện than đang xây dựng và chuẩn bị xây dựng sẽ là một chuỗi nguồn ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho ĐBSCL và TP.HCM. Khói bụi ở dạng các khí độc như: CO2, CO, SOx, NOx, các hạt tro xỉ PM10, PM2.5 (là các hạt bụi lơ lửng lần lượt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 và 2,5 µm) sẽ tác động mạnh đến sức khỏe người dân, đặc biệt là các bệnh hô hấp và tàn phá hệ sinh thái rất nhạy cảm của khu vực. Xu thế mưa a xít sẽ gia tăng và hủy hoại dần các mảng xanh và đất canh tác nông lâm ngư ở vùng châu thổ này. Mưa a xít cũng làm hư hỏng nhanh các công trình kiến trúc, đền đài, hệ thống thông tin, điện tử... Từ những phân tích trên, TS Tuấn kết luận: Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo các nhà máy điện than ở ĐBSCL sẽ là thảm họa môi trường khu vực. Nếu cả 4 quốc gia châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và VN tiếp tục phát triển nhiệt điện than thì thỏa thuận COP21 ở Paris 2015 sẽ chấm dứt, xem như thất bại.
Số người chết vì ô nhiễm tăng
Tháng 7.2015, Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) công bố một nghiên cứu về nhiệt điện than ở ĐBSCL với tiêu đề “Tác động của các nhà máy điện than đến chất lượng không khí và sức khỏe ở ĐBSCL”. Nghiên cứu trên tập trung đến một chỉ tiêu ô nhiễm rất quan trọng của các nhà máy điện than là các hạt bụi lơ lửng có kích thước nhỏ (2,5 µm). Theo chuyên gia ô nhiễm không khí và than của Greenpeace là Lauri Myllyvirta, 2,5 µm đối với người lớn gây đột quỵ, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, các bệnh về tim mạnh và hô hấp; đối với trẻ em sẽ gây nhiễm trùng đường hô hấp. Nếu các nhà máy nhiệt điện mới được xây dựng thì nguy cơ chết sớm vì ô nhiễm ở ĐBSCL sẽ tăng từ con số 100 người mỗi năm lên đến 1.760 người.
“Việc xây dựng các nhà máy điện than có thể làm tăng ô nhiễm không khí lên mức nguy hiểm ở ĐBSCL và do đó tác động xấu lên sức khỏe tăng thêm. Có thể làm các tiến bộ trong việc giảm lượng khí thải từ các ngành khác trở thành con số 0”, nghiên cứu kết luận. Nghiên cứu trên lưu ý thêm một yếu tố rất quan trọng là giới hạn phát thải với điện than của VN cao hơn rất nhiều so với một số nước khác. Riêng với Trung Quốc là nước cao hơn thứ 2 sau VN nhưng chúng ta có nhiều chỉ số cao gấp đôi ba lần Trung Quốc.
TS Tuấn trăn trở: “Các nhà máy nhiệt điện than sẽ phải nhập than đá ở nước khác trong tương lai, như vậy VN sẽ trở thành quốc gia bị phụ thuộc vào nước ngoài, càng làm gia tăng nguy cơ mất an ninh năng lượng. ĐBSCL không thể công nghiệp hóa bằng những công trình gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất đai như vậy. Câu hỏi là tại sao vùng đồng bằng rất nhiều tiềm năng năng lượng sạch như gió, nắng, thủy triều, sinh khối được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là hoàn toàn đủ để phát triển kinh tế, chỉ thiếu chính sách đầu tư và phát triển hợp lý, cớ gì phải đua nhau xây dựng nhà máy điện than lần lượt hết tỉnh này sang tỉnh khác giống như phong trào xây khu công nghiệp, xây sân golf, nhà văn hóa, chợ tập trung trước đây?”.
Địa phương nói chưa có gì cụ thể Liên quan đến DA Nhà máy nhiệt điện than tại Long An, chiều 6.8, ông Nguyễn Văn Thiệp, Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc cho biết: “DA này do tỉnh tiếp nhận, chúng tôi có nghe nhưng có lẽ là thủ tục chưa xong, hiện chưa thông qua địa phương nên chúng tôi chưa biết”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiều, Giám đốc Sở KH-ĐT Long An, cho biết DA này nhà đầu tư chỉ mới tới đặt vấn đề, chứ chưa có gì. “Cụ thể là chưa có thỏa thuận đầu tư, chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư, quy hoạch sử dụng đất cũng chưa có. Nói chung là chưa có gì cụ thể...”, ông Tiều cho biết. Hoàng Phương |
Chí Nhân/ Thanh niên
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân