Moitruong24h - Đa số bậc phụ huynh thường để mặc cho con họ ngày đêm lướt trên máy tính bảng, điện thoại hoặc laptop. Trong khi đó, các ông chủ ở Silicon Valley (Mỹ) lại hạn chế nghiêm ngặt việc con em họ dán mắt vào màn hình bằng những quy định về độ tuổi và thời gian kết nối Internet.
Ảnh minh họa
Khi còn điều hành Apple, Steve Jobs nổi tiếng về chuyện gọi điện thoại đến các phóng viên sau khi bài đăng, đôi khi để khen nhưng phần lớn để giải thích rằng họ chẳng hiểu tí gì cả! Nick Bilton, phóng viên của The New York Times, từng nhận được cú điện thoại như vậy vào cuối năm 2010 để nghe Jobs “lên lớp” về bài viết liên quan đến một lỗi của iPad.
Để chuyển đề tài, Bilton liền bảo với Jobs: “Hẳn các con anh rất thích iPad”. Thời điểm đó, Apple vừa tung ra thị trường máy tính bảng đầu tiên. Bất ngờ thay, Jobs trả lời: “Bọn chúng đâu có dùng. Chúng tôi rất hạn chế chuyện bọn trẻ sử dụng công nghệ ở nhà”.
Hạn chế những nguy hại
Sau khi tìm hiểu thêm, Bilton phát hiện ra rằng một số tổng giám đốc ở Silicon Valley cũng có câu trả lời tương tự Jobs. Họ hạn chế nghiêm ngặt thời gian dán mắt vào màn hình của con họ, thường cấm sử dụng thiết bị đêm trước ngày đi học và ấn định giới hạn thời gian ngày cuối tuần.
Chris Anderson, cựu tổng biên tập tạp chí Wired và hiện là tổng giám đốc của Công ty 3D Robotics, cài chế độ giám sát của cha mẹ và thời gian sử dụng trên tất cả các thiết bị cho năm đứa con tuổi từ 6-17.
“Tụi nhỏ lên án chúng tôi là phát xít vì không đứa bạn nào của chúng bị quy định như vậy. Nhưng cha mẹ bạn của chúng đâu có tiếp xúc trực tiếp với những nguy hại của công nghệ. Tôi hiểu rõ nó như thế nào và không muốn con mình dính phải” - Anderson nhấn mạnh.
Những nguy hại mà ông ám chỉ ở đây bao gồm việc tiếp cận những nội dung độc hại như ảnh và phim “đen”, quấy rối của bạn bè và nguy hiểm hơn là hoàn toàn lệ thuộc vào các thiết bị.
Alex Constantinople, tổng giám đốc của Out-Cast Agency, một công ty truyền thông và tiếp thị về công nghệ, cho biết đứa con út 5 tuổi của bà không được sử dụng bất cứ thiết bị nào trong tuần, trong khi hai đứa lớn hơn, 10 và 13 tuổi, chỉ được 30 phút kết nối mạng đêm trước ngày đi học. Evan Williams, một trong những nhà sáng lập các môi trường lập trình Blogger, Twitter và Medium, khẳng định rằng thay vì dùng iPad, những đứa con của ông có hàng trăm quyển sách để đọc tùy thích.
Giới hạn tùy theo độ tuổi
Nhìn chung, các bậc phụ huynh rất hi-tech này ấn định việc sử dụng hợp lý các thiết bị tùy vào độ tuổi con mình. Trẻ dưới 10 tuổi dễ có khuynh hướng bị lệ thuộc vào thiết bị nên chỉ được sử dụng iPad hoặc điện thoại ngày cuối tuần từ 30 phút đến 2 giờ. Trẻ từ 10-14 tuổi được sử dụng laptop đêm trước ngày đi học, nhưng cũng chỉ để làm bài tập.
Một số phụ huynh cấm con họ vào mạng xã hội, trừ Snapchat, một ứng dụng có tính năng tự xóa các hình ảnh và thông điệp vài giây sau khi gửi đi.
Nếu như những phụ huynh làm việc ngoài thế giới hi-tech thường tặng điện thoại thông minh cho con họ từ tuổi lên 8, không ít người làm việc trong lĩnh vực này chờ con họ được 14 tuổi mới cho phép. “Nguyên tắc số 1 là không có bất cứ màn hình nào trong phòng ngủ. Chấm hết” - Anderson tuyên bố thẳng thừng.
Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh chỉ nghiêm ngặt chuyện cách sử dụng thiết bị của con họ. Ali Partovi, một trong những nhà sáng lập của iLike (dịch vụ online cho phép người dùng tải về và chia sẻ âm nhạc) và cũng là cố vấn của Facebook, Dropbox và Zappos, cho rằng cần phải phân biệt rõ giữa thời gian “tiêu thụ”, như xem YouTube hoặc chơi game, và thời gian dành cho “sáng tạo” trên các thiết bị.
“Tôi không giới hạn thời gian một đứa trẻ ngồi cầm bút vẽ hoặc chơi đàn piano. Tương tự, tôi thấy vô lý khi hạn chế thời gian vẽ trên máy tính, dựng video hoặc lập trình” - ông lập luận.
Một số người lo ngại rằng việc cấm đoán hoàn toàn sẽ có hiệu ứng xấu và biến con họ thành những “quái vật kỹ thuật số”. Dick Costolo, tổng giám đốc Twitter, cho biết ông và vợ chấp nhận cho con cái sử dụng thoải mái các thiết bị số khi chúng cùng sinh hoạt chung trong phòng khách gia đình, vì họ cho rằng hạn chế nhiều quá sẽ khiến đứa trẻ thiếu sáng tạo.
Không ai hỏi Steve Jobs con ông sẽ làm gì nếu không sử dụng các thiết bị số do ông làm ra. Nhưng Walter Isaacson, tác giả chấp bút quyển tự truyện của Steve Jobs, đã có câu trả lời: “Mỗi tối, Steve làm sao để cả gia đình cùng ngồi vào bàn ăn và nói về sách, lịch sử hoặc đủ thứ chuyện. Không bao giờ có người nào lấy iPad hoặc laptop ra. Bọn trẻ có vẻ không lệ thuộc vào những thiết bị này”.
Những lo âu liên quan đến Internet không phải mới có đây. “Năm 1997, trước khi xuất hiện điện thoại di động, laptop hoặc máy tính bảng, các chuyên gia tâm lý người Mỹ đã quan tâm đến khả năng nghiện web” - tờ The New Yorker nhắc lại. Tại Bắc Kinh, một chuyên gia tâm thần cựu đại tá quân đội đã lập ra một trung tâm điều trị thiếu niên nghiện trò chơi trên mạng và tiếp nhận khoảng 6.000 người từ năm 2006. Những “bệnh nhân” trẻ này thường gặp các triệu chứng như rối loạn ăn uống, có vấn đề thị lực, đau lưng và cột sống... Tuy nhiên, nặng nhất là khả năng làm việc của bộ não sẽ giảm đi 8% một khi bị nghiện.
Lê Tấn/ Báo Tuổi trẻ
17:14 05-09-2017
15:17 22-08-2017
14:11 16-01-2018
13:16 17-07-2016
11:11 18-12-2017
Bình luân