Hotline:
Banner
Tin Nóng

Đánh giá đúng giá trị hệ sinh thái: Không làm tổn thương ĐDSH

22 Tháng Bảy 2016 3:51:31 CH

Moitruong24h- Lượng giá dịch vụ hệ sinh thái vào quy hoạch phát triển được xem là công cụ hiệu quả giúp các nhà lập kế hoạch, ra quyết định hiểu rõ hơn giá trị của đa dạng sinh học và các loại hình dịch vụ hệ sinh thái khác nhau.

 

Ảnh minh họa
 

Để hiểu rõ hơn về công cụ đắc lực này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường.
 
Pv: Thưa ông, lượng giá dịch vụ hệ sinh thái (HST) vào quy hoạch phát triển sẽ mang lại hiệu quả như thế nào trong việc khai thác cũng như bảo tồn những giá trị tiềm năng của đa dạng sinh học?
 
PGS. TS Nguyễn Thế Chinh: Lồng ghép dịch vụ HST là một cách tiếp cận từng bước giúp các chuyên gia, cố vấn và các nhà hoạch định chính sách trong việc xác định và tích hợp các dịch vụ HST vào các kế hoạch, chương trình và các quyết định phục vụ cho phát triển. Việc xây dựng và triển khai công cụ này nhằm hướng dẫn các nhà hoạch định chính sách xây dựng quy trình riêng giúp thẩm định và xem xét kỹ lưỡng các lợi ích tự nhiên trong lựa chọn của họ. Lồng ghép dịch vụ HST cũng phân tích sự đánh đổi môi trường và kinh tế trong các hoạt động phát triển.
 
Dịch vụ hệ sinh thái là các lợi ích mà thiên nhiên đem lại cho con người. Lượng giá được xem như một công cụ hiệu quả để tính toán các lợi ích hữu hình và vô hình cũng như giúp hình dung hậu quả từ việc suy thoái và mất đi của các dịch vụ HST. Công cụ này giúp cho các nhà kế hoạch và ra quyết định hiểu rõ hơn giá trị của đa dạng sinh học và loại hình dịch vụ HST khác nhau.
 
Theo tôi, việc lượng giá dịch vụ HST là cần thiết để tăng cường nhận thức và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và phục hồi các HST. Các HST khỏe mạnh cung cấp các lợi ích to lớn về mặt sức khỏe và tiết kiệm cho cộng đồng cũng như giúp cho việc đạt các mục tiêu lớn hơn về xóa đói và các mục tiêu phát triển bền vững.  Các HST cũng đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế trong nước thông qua các dịch vụ mà chúng đem lại ví dụ như rừng ngập mặn cung cấp bãi sinh sản cho các loài cá và bảo vệ bờ biển từ lũ lụt. Các cánh rừng giúp kiểm soát xói mòn đất và điều tiết dòng chảy của các con sông để phục vụ sản xuất nông nghiệp và năng lượng.
 
Pv: Việc thực hiện lượng giá dịch vụ HST vào quy hoạch phát triển đã được thực hiện ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?
 
PGS. TS Nguyễn Thế Chinh: Có thể nói, thành công cơ bản của Việt Nam cho đến lúc này, đó là việc tiếp cận và   xây dựng các phương pháp luận cũng như phương pháp tiếp cận đã có. Đội ngũ nghiên cứu và thực hiện các dự án đã dần được tiếp cận công cụ này. Hiện, đã có nhiều thực tiễn được đặt ra và người dân  có những nhận thức cơ bản về giá trị của hệ sinh thái. Chẳng hạn như tại Hà Nội, tại các vùng có quy hoạch, nhưng quy hoạch treo khiến môi trường ảnh hưởng nên người dân sinh sống quanh vùng đều phản ứng, hay người dân sống trong vùng nội đô nơi có nhiều cây xanh vẫn cảm thấy môi trường sống được đảm bảo hơn ở những vùng ô nhiễm. Vừa qua, chúng ta đã phải chứng kiến hàng loạt các sự cố về môi trường, ô nhiễm sông ngòi đã hủy diệt các loài thủy sản một cách trầm trọng và Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ mất dần hệ sinh thái biển. Diện tích các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng dần bị thu hẹp, số lượng cá thể và số loài hoang dã bị suy giảm mạnh, dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Chính vì vậy con người đã nhận thức được hệ sinh thái cần được quan tâm, đừng chú trọng quá về phát triển kinh tế mà quên đi môi trường. Chúng ta phải nhìn nhận thấu đáo những giá trị mà vốn tự nhiên mang lại.
 
Pv: Việt Nam đã từng bước tiếp cận lượng giá dịch vụ HST vào quy hoạch, nhưng tại sao lại có nhận định rất ít thành công trong việc lồng ghép dịch vụ này vào quá trình ra quyết định được ghi nhận, thưa ông?
 
PGS. TS Nguyễn Thế Chinh: Thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta cũng lạm dụng phát triển kinh tế nhiều quá nhất là các địa phương nặng về tăng trưởng, việc hướng dẫn áp dụng và thực hiện các công cụ này chưa được xây dựng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cho đến nay, việc nhìn nhận tầm quan trọng của HST vẫn chưa được coi là yếu tố quyết định, giá trị của các dịch vụ HST chưa được đề cập trong các quyết định quy hoạch và đầu tư, các dịch vụ tự nhiên vẫn được xem là dịch vụ “miễn phí” hay “các sản phẩm công cộng”. Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc lượng giá đó là việc xác định giá trị chính xác của HST.
 
Pv: Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng này và thúc đẩy việc lượng giá HST, thưa ông?
 

PGS. TS Nguyễn Thế Chinh: Trước hết, chúng ta cần thay đổi nhận thức từ người dân và lãnh đạo. Đồng thời, chúng ta phải xây dựng chiến lược quốc gia về lồng ghép dịch vụ HST vào quy hoạch trong Luật Quy hoạch sửa đổi. Chúng ta  cần phải truyền tải hiệu quả các kết quả nghiên cứu lượng giá đến các bên liên quan (trước, trong và sau khi thực hiện nghiên cứu lượng giá). Cần phải tham vấn ý kiến cộng đồng để việc lồng ghép có sự tham gia ở các cấp. Bên cạnh đó, phải phân rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan khác nhau từ những bước triển khai ban đầu để đảm bảo tính tin cậy, mức độ phù hợp và tính hợp pháp của quá trình đối với các bên.
 
Pv: Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

 

 

Nguyễn Cường /Báo TNMT
 

 

  • Thích và chia sẻ bài viết :

Bình luân